Những chuyện cười ra nước mắt ở một xã 135:

Kỳ 3: Sợ ông quan xã hành dân!

(Dân trí) - Ở mảnh đất nghèo Cẩm Sơn (Hà Tĩnh) này, người ngay thẳng không được chở che, thậm chí còn bị trù dập đáng sợ. Bởi vậy nên không mấy người dám lên tiếng.

Bị cắt “công dân kiểu mẫu” vì dám lên tiếng

Ở Cẩm Sơn người dân nào cũng biết đến ông Nguyễn Đình Nga (trú xóm 6) bởi ông không chỉ là “công dân kiểu mẫu” mà còn thuộc số ít những người dám thẳng thắn lên tiếng trước những tồn tại ung nhọt của địa phương. Đã có vô số vụ việc tại xã được phơi bày chính nhờ sự lên tiếng của ông. Nhưng cũng chính vì tính cách ngay thẳng, bộc trực, không khuất phục cái xấu này mà gia đình ông đã chịu vô số hệ lụy từ sự trù dập của chính quyền.

Kỳ 3: Sợ ông quan xã hành dân!
Ông Nguyễn Đình Nga thuật lại câu chuyện bị xã trù dập vì dám lên tiếng đấu tranh bảo vệ lẽ phải
 
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng, ông Nga thuật lại câu chuyện vừa bị xã cắt danh hiệu “người công dân kiểu mẩu” vào cuối tháng 7 vừa rồi, mà lí do không nằm ngoài cái tính thẳng thắn, dám đấu tranh vì lẽ phải của ông. Là bệnh binh, năng động trong làm ăn kinh tế và là đầu tàu trong các hoạt động tại địa phương nên tại cuộc họp mặt gia đình chính sách vào sáng ngày 26/7/2012, ông Nga cùng một thương binh khác trong xóm 6 được bầu là một trong hai “công dân kiểu mẫu” của xóm.

Nhưng ngay buổi chiều cùng ngày, có 3 cán bộ cấp ủy xóm 6 tới nhà ông Nga thông báo quyết định khẩn của UBND xã cắt tiêu chuẩn công dân kiểu mẫu của ông. Theo lời 3 vị cán bộ này thì nguyên nhân là do một số phát ngôn thiếu tinh thần xây dựng của ông Nga tại cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu HĐND xã ở xóm 6 trước đó mấy tuần. Cụ thể ông Nga đã có ý kiến đề nghị xã làm rõ khoản thu xây dựng kênh mương và tiền đóng góp của người dân mà xã chưa sử dụng.

Ông Nga bức xúc: “Vẫn biết danh hiệu ấy chỉ là một sự ghi nhận mà thôi, nhưng lúc nhận được tin ấy tôi thực sự rất bất bình. Tôi đấu tranh vì quyền lợi chung là không sai, nhưng cứ cho là tôi sai đi, vậy tại sao trong cuộc họp gia đình chính sách do chính Bí thư Đảng ủy xã chủ trì, xã không nêu ra để cuộc họp không bầu tôi nữa, để danh hiệu của tôi trao cho người khác, bảo đảm quyền lợi cho xóm!”.

Cũng như ông Nga, vì đấu tranh cho lẽ phải mà ông Võ Tá Lâm cùng trú tại xóm 6 cũng bị chính quyền xã gây khó đủ đường. Ông Lâm kể lại, năm 2009, phát hiện đương kim Bí thư xã Lê Ngọc Cư lạm quyền trong việc phân chia ruộng đất, “cấu” đám ruộng loại 1 hơn 1.000m2 (ruộng bằng phẳng, thuận lợi trong việc dẫn nước, lại bám mặt đường vào trung tâm xã), ông Lâm cùng một nhóm 11 người dân khác trong xóm 6 đã tự điều tra. Sai phạm của Bí thư Đảng ủy và cán sự xóm 6 được làm rõ, có điều đám ruộng phân cho ông Bí thư Đảng ủy xã coi như chuyện đã rồi, không lấy lại được.

Ông Võ Tá Lâm cũng bị quan xã gây khó vì dám đấu tranh, vạch trần thói xấu của cán bộ
Ông Võ Tá Lâm cũng bị quan xã gây khó vì dám đấu tranh, vạch trần thói xấu của cán bộ
 
Cuối năm đó, lấy lí do ông Lâm thiếu tinh thần xây dựng, viết đơn vượt cấp lên xã, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân xóm lần lượt kiểm điểm ông này, xếp ông vào “danh sách đen” hay kiện cáo, gây phức tạp cho địa phương. 

Sau sự việc này, không chỉ cá nhân ông Lâm mà vợ con ông cũng lãnh đủ, đến độ hôm tiếp xúc với chúng tôi, vợ ông Lâm đã rào trước đón sau, không muốn ông cung cấp thông tin cho báo chí vì sợ bị trù dập.
 
Hãi “ông đầy tớ” của dân 
 
Chiều ngày 11/9, chúng tôi có mặt tại trụ sở xã Cẩm Sơn (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) để làm rõ một số sai phạm của chính quyền xã này trong các vấn đề thu chi, các khoản phí thuế cao ngất ngưởng, cấp bán đất đai trái phép khiến lòng dân không thuận. Dù đã được người dân Cẩm Sơn thông tin trước nhưng chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng trước thái độ hống hách của Chủ tịch UBND xã Lương Hữu Tiến.
 
Đang xem kỹ thẻ nhà báo của tôi, thấy đồng nghiệp đi cùng tôi đưa máy ảnh ra, ông Tiến lớn tiếng: “Anh cất ngay cái máy đi, anh không có quyền chụp ảnh tôi”. Đồng nghiệp đi cùng đáp: “Bọn em chỉ chụp ảnh để làm tư liệu”. Ông Tiến nói lớn: “Tôi đã nói là không chụp, anh không cất tôi không làm việc”.

Thấy phóng viên đã cất máy ảnh, ông Tiến hỏi lớn: “Các anh cần cái gì?". Nghe chúng tôi trình bày những nội dung cần làm rõ gồm “chính quyền thu tiền xây dựng nông thôn mới quá sức đóng góp của người dân, những kiểu truy thu nợ lạ lùng, cấp bán đất sai thẩm quyền, chì chiết dân nghèo...”, ông Tiến nói ngay: “Các anh không được nghe những người dân cung cấp thông tin ấy, họ toàn là người quấy phá, chống đối, chúng tôi có hẳn một “danh sách đen” những người như thế”. Cuộc làm việc phải bỏ dở giữa chừng vì ông Tiến bảo bận đi họp bên trường học.

Mấy ngày sau, chúng tôi lại có mặt tại trụ sở xã Cẩm Sơn để tiếp tục làm rõ những nội dung đã nêu. Khi chúng tôi đến phòng làm việc của Bí thư Đảng ủy xã, vị Chủ tịch xã Lương Hữu Tiến cũng có mặt tại đây. Vừa thấy chúng tôi bước vào, ông Tiến hỏi ngay: “Có chuyện gì nữa đây?”. Vừa nghe chúng tôi trình bày vài nội dung cần trao đổi, ông Chủ tịch xã đứng phắt dậy bỏ ra ngoài. Ngay sau đó ông này bước vào phòng nói lớn: “Chúng tôi không có vấn đề gì mà cung cấp, mà các anh cũng không đủ tư cách để chúng tôi cung cấp”. Nói rồi ông này quay sang nhìn ông Bí thư xã Lê Ngọc Cư, nói: “Anh Cư, anh gọi ngay cho anh…, các anh đừng vào đây mà gây chuyện!”.

Lúc này chúng tôi buộc phải rút máy gọi thẳng cho ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên. Sau khi nghe điện thoại từ cấp trên, ông Tiến mới chịu “hạ giọng” và miễn cưỡng làm việc với chúng tôi.

Ông Võ Tá Lâm cũng bị quan xã gây khó vì dám đấu tranh, vạch trần thói xấu của cán bộ
Chỉ sau khi có ý kiến của Chủ tịch UBND huyện, ông Tiến (người cúi mặt) mới chịu làm việc với phóng viên.
 
Ông Tiến và ông Cư thừa nhận, có chuyện xã cấp bán sai hơn 50 suất đất, tất cả số tiền thu được xã giữ lại chi tiêu mà không nộp vào kho bạc. Đáng chú ý, ông Tiến đổ lỗi sai phạm này thuộc về Bí thư Lê Ngọc Cư vì toàn bộ hơn 50 lô đất trên được cấp, bán sai từ thời ông Cư còn làm Chủ tịch. “Chúng tôi đã có báo cáo huyện, Phòng CSKT Công an tỉnh rồi. Sai phạm này đã xảy ra có tính lịch sử, xã đang gặp khó khăn nên không còn cách nào khác là chờ chủ trương của huyện, tỉnh xử lý”- ông Tiến nói.

Về các khoản thu, dù thừa nhận đời sống của người dân là khó khăn, nhưng ông Tiến cho rằng mức thu 250.000 đồng/khẩu như thế là “người dân có thể chấp nhận được” (!?); ngoài ra xã phải thu như thế mới có kinh phí xây dựng nông thôn mới. Ông Tiến lý giải quy định người dân muốn giao dịch với xã phải mang theo sổ theo dõi đóng góp gia đình, ai thiếu nợ sẽ không được giao dịch, là để truy thu những hộ chây ì trong các khoản đóng góp.

Nghe lời biện hộ của ông Tiến, chúng tôi cảm nhận dường như các quan xã ở đây quên mất rằng những người dân của họ đang sống trong một xã thuộc diện 135, diện đói nghèo. Điều người dân mong mỏi không phải là những cán bộ chỉ thích đi truy thu nợ của dân mà hãy là những công bộc gần gũi, sẻ chia, giúp dân thoát cảnh đói nghèo!
 
Văn Dũng - Huy Thái