Những chuyện cười ra nước mắt ở một xã 135:

Kỳ 1: Nước mắt người dân sau luống cày

(Dân trí) - Đã nhiều năm, người dân Cẩm Sơn - một xã đặc biệt khó khăn với 56% hộ nghèo và cận nghèo ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) - phải khốn khổ gánh các khoản thu trái khoáy, cao ngất với đủ "đòn" truy thu.

Những khoản thu vô lý
 
Về xã Cẩm Sơn, ở đâu gặp người nông dân một nắng hai sương bám ruộng đồng cũng nghe họ than phiền, kêu khổ trước các khoản đóng góp nặng nề, vô lý. Tại xóm 9, qua kiểm tra các khoản đóng góp trên giấy tờ và những khoản thu theo kiểu “gặp đâu đóng đấy”, tổng cộng mỗi gia đình nơi đây có đến mười mấy khoản đóng góp. Ngoài những khoản phí quỹ bắt buộc (quỹ an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai) người dân còn phải đóng vô số khoản mà nhà nước đã bãi bỏ hoặc khuyến cáo phải thu theo tinh thần tự nguyện như: thu phạt tiêm phòng, phí thu thóc bảo vệ, điều dẫn nước, thu tiền biên hòa, phí xây dựng quê hương, tiền lao động dân công, quỹ tình nghĩa, quỹ trẻ em… Lạ lùng hơn, người dân ở xóm này còn phải đóng khoản gọi là “thóc điều hành vụ chiêm”, một loại đóng góp để nuôi cán bộ xóm vốn đã được nhà nước chi trả. Tính qua những khoản thu trên, mỗi hộ đã phải đóng ngót nghét tiền triệu.
 
Kinh tế khó khăn nhưng gia đình chị Tứ cũng như nhiều hộ khác phải đóng nhiều khoản phí, quỹ vô lý.
Kinh tế khó khăn nhưng gia đình chị Tứ cũng như nhiều hộ khác phải đóng nhiều khoản phí, quỹ vô lý.
 
Nhắc đến bao ấm ức bị dồn nén lâu ngày, chị Lê Thị Tứ (xóm 8) bức xúc cầm tờ giấy ghi chi chít các khoản đóng góp của gia đình cho phóng viên xem. Theo đó, ngoài hai loại quỹ “phòng chống thiên tai”, “an ninh quốc phòng” là nghĩa vụ đóng góp bắt buộc theo quy định, còn lại các khoản khác như: quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ trẻ em, quỹ khuyến học, quỹ xây dựng quê hương, người cao tuổi, quỹ xóm, phí bảo vệ nội đồng, phí lấy nước ruộng đồng... nhà nước đã bãi bỏ hoặc khuyến cáo các địa phương phải thu tự nguyện, thì ở đây người dân năm nào cũng phải đóng theo hình thức bắt buộc.
 
Chị Tứ ấm ức: “Đấy các anh xem, nhà nước đã bãi bỏ vô số khoản thu cho người dân rồi, vậy mà mỗi năm người dân chúng tôi còn phải đóng đậu bao nhiêu khoản vô lý, cao ngất, mà đến cả bán hạt lúa cuối cùng chúng tôi cũng không thể đóng đậu nổi”.
 
Chi chít các khoản đóng góp cho xã, xóm mà gia đình chị Tứ anh Vinh phải đóng đậu hàng năm
Chi chít các khoản đóng góp cho xã, xóm mà gia đình chị Tứ anh Vinh phải đóng đậu hàng năm
 
Tại xóm 3, có lẽ vừa được "cởi trói" sau khi vừa nghỉ chức trưởng xóm nên gặp chúng tôi bà Nguyễn Thị Bình không giấu diếm: “Chúng tôi vừa liệt kê, tất tần tật người dân trong xóm tôi phải đóng tới 18 khoản. Tất cả các khoản đóng góp người dân không biết trông chờ vào đâu ngoài thóc lúa”. Bà Bình thừa nhận, nhiều khoản xã, xóm thu sai nguyên tắc, nhưng việc thu xuất phát từ những khó khăn của địa phương, xóm xã phải thu mới có đủ kinh phí hoạt động. 
 
Ngoài chi chít các khoản thu vô lý, từ 2 năm nay, dù đời sống dân sinh hết sức khó khăn (xã Cẩm Sơn là xã thuộc diện 135 - đặc biệt khó khăn), chính quyền xã còn bắt dân đóng góp xây dựng nông thôn mới thuộc loại cao nhất huyện. Mức thu từ 250.000 đến 300.000/khẩu, thuộc mức "khủng" so với các địa phương khác.
 
Cán bộ xã Cẩm Sơn lý giải, phải thu cao như vậy mới có kinh phí xây dựng nông thôn mới! Họ "quên" rằng theo báo cáo mới nhất của xã, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn tới 56%. 

Người dân méo mặt, bất bình

Chịu nhiều khoản đóng góp cao ngất trong tình cảnh kinh tế khó khăn khiến nhiều người dân rơi vào cảnh khốn khổ. Như gia đình bà Linh - ông Côi ở xóm 9, không nghề nghiệp, mọi chi phí chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng. Nếu được mùa, mỗi sào cho 2,5 tạ thóc, tổng cộng 5 sào được 1,25 tấn, nếu quy ra giá thành tiền sẽ được khoảng 6.250.000 đồng. Chưa tính khoản phí xây dựng nông thôn mới 1.250.000 đồng (5 khẩu), các khoản phí đóng đậu, chỉ nghe bà Linh nhẩm một loạt các khoản chi như thuê cày bừa 140.000/sào, lân đạm 300.000/sào, thuốc trừ sâu 50.000/sào, công gặt 50.000/sào, công tuốt 60.000/sào, công chở 50.000/sào, tiền giống, thuế nông nghiệp... đã hết veo tiền bán thóc.

Chi chít các khoản đóng góp cho xã, xóm mà gia đình chị Tứ anh Vinh phải đóng đậu hàng năm
Bà Linh ngán ngẩm kể các khoản đóng góp

Ngao ngán trước cảnh lúa chưa về ấm chỗ ở sân nhà đã theo gánh hàng xáo về xuôi, bà Linh rơm rớm nước mắt bảo rằng, chưa bao giờ gia đình bà và những người nông dân nghèo khó ở đây vất vả, túng thiếu như lúc này. Cũng vì chi chít các khoản đầu tư cho nông nghiệp, phí đóng đậu hàng năm mà năm nào gia đình bà cũng rơi vào cảnh nợ nần. Vụ chiêm năm nay dù đã rất cố gắng gia đình bà vẫn còn nợ xã 409.000 đồng. “Cộng các khoản vụ chiêm vừa rồi gia đình tui phải đóng gần 1,5 triệu đồng. Khoắng vét hết mọi khoản cũng không đủ tiền, đành phải khất xã cho nợ lại chừng ấy tiền” - bà Linh than. Thương bố mẹ nghèo cùng cực, người con thứ 3 của bà Linh đã phải bỏ học cùng bố rời làng vào Nam làm thuê kiếm sống.

Ở Cẩm Sơn không thiếu cảnh con em bỏ ruộng, rời làng đi làm thuê kiếm sống. Sau bao năm cày ải trên mấy sào ruộng nhưng nợ vẫn chồng chất, không muốn thấy đứa con gái còn lại phải bỏ học như hai đứa đầu, vợ chồng chị Nguyễn Thị Phúc, xóm 9, đã phải gửi con nhỏ ở nhà với bà nội để vào Nam tìm đường sống mới. Bố mẹ đi làm thuê, bà nội già yếu, Nguyễn Thị Yến, con gái của chị Phúc giờ sống với người dì ruột.
 
Chi chít các khoản đóng góp cho xã, xóm mà gia đình chị Tứ anh Vinh phải đóng đậu hàng năm
Những đứa trẻ ở Cẩm Sơn cũng đang sống chung với khó khăn của bố mẹ.
 
Có một sự thật mà chúng tôi đã ghi lại được trong suốt những ngày có mặt ở Cẩm Sơn: Không những không thông cảm, sẻ chia với người dân, chính quyền địa phương còn ra sức o ép người dân. Người dân không đóng đậu đủ cho xã là không xong. Những khoản "triệt thu", "ngáng thu" được chính quyền thẳng tay thực hiện, khiến nhiều gia đình khốn đốn.
 

“Xã Cẩm Sơn có 4.618 nhân khẩu, gồm 10 đơn vị thôn xóm - là một xã nghèo đang thực hiện chương trình 135 của Chính phủ, trình độ dân trí còn ở mức thấp, điểm xuất phát kinh tế chủ yếu là từ ngành nông nghiệp thuần túy, tập quán sản xuất của người dân đang chủ yếu quảng canh, các ngành nghề truyền thống hầu như không có, trên địa bàn chỉ có một doanh nghiệp tư nhân vừa mới thành lập nên việc giải quyết lao động gặp khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người thấp dưới mức trung bình của huyện là 7 triệu đồng/năm”- trích báo cáo của UBND xã Cẩm Sơn tại Báo cáo sơ kết 2 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới vào tháng 9/2012.

(Còn tiếp)

 Văn Dũng - Huy Thái