“Đòn lạ”: muốn ký phải trình giấy tiêm phòng
Chiều 10/9, đang vòng vèo từ xóm này sang xóm khác ở Cẩm Sơn (Hà Tĩnh) để tìm hiểu đời sống dân sinh nơi đây, nhóm PV được chứng kiến cảnh nhiều người dân ấm ức rời trụ sở ủy ban xã. Dừng xe tìm hiểu thì được biết người dân ấm ức, bức xúc trước “đòn” thu tiền hết sức oái oăm của chính quyền xã này.
Để kiểm soát tình hình tiêm phòng dịch lở mồm long móng, tụ huyết trùng cho đàn trâu bò theo chủ trương của trên, chính quyền xã Cẩm Sơn "đẻ" ra quy định vô cùng lạ lùng: Họ buộc bất cứ người dân nào khi đến liên hệ công việc với xã cũng phải mang theo “Giấy chứng nhận tiêm phòng trâu bò”, ai không có giấy này xã kiên quyết không làm việc, không ký, không đóng dấu.
Là diện xã 135 nên tất cả học sinh xã Cẩm Sơn tới trường đều được miễn giảm học phí. Nhưng khi đến xã làm thủ tục xác nhận, học sinh nào không có giấy chứng nhận tiêm phòng trâu bò sẽ không được ký.
Em Lê Thị Thu Hương, trú xóm 6, học sinh lớp 11 trường PTTH Hà Huy Tập vừa dắt xe ra khỏi cổng ủy ban xã, không giấu nỗi ấm ức, kể: “Năm nay, theo yêu cầu của nhà trường, chúng cháu phải làm hồ sơ đề xuất miễn giảm học phí và các khoản đóng đậu. Chiều hôm trước (8/9), để kịp hoàn tất thủ tục nộp cho nhà trường, cháu mang hồ sơ lên xã. Xem hồ sơ của cháu, lật lật không thấy giấy chứng nhận tiêm phòng đâu, cán bộ xã từ chối tiếp nhận làm thủ tục. Lúc ấy cháu đã cố giải thích, cháu chưa có giấy tiêm phòng vì phải đến sáng hôm sau bò nhà cháu mới tới lượt tiêm. Cán bộ xã vẫn kiên quyết bắt cháu phải về chờ xin giấy tiêm phòng bằng được rồi mới chứng nhận”.
Cùng buổi chiều 10/9, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng em Nguyễn Thị Anh, học sinh lớp 10, bị cán bộ xã mắng vì không có giấy chứng nhận tiêm phòng. Theo lời kể, gia đình em Anh trước có chăn nuôi bò nhưng mấy tháng trước do không có người chăn dắt nên đã đem bán. Tuy nhiên sau khi bán bò, bố mẹ Anh quên chưa nhờ cán bộ xóm xác nhận xóa phần tài sản bò nuôi trong phần kê khai ở sổ theo dõi. Vì thế khi em Anh lên xã xin ký xác nhận hồ sơ là học sinh xã nghèo đã bị thẳng thừng từ chối tiếp nhận.
- Giấy tiêm phòng mô? - một nữ cán bộ hỏi.
- Dì ơi, nhà cháu không nuôi trâu bò ạ.
- Chi? Trâu bò chi không biết, chớ gia súc ghi một con đây nì. Về tiêm phòng, rồi đưa giấy lên đây.
- Con bò ấy nhà cháu đã bán rồi mà dì.
- Bán thì phải ghi rõ chớ. Được, bán rồi nhá, nhưng nếu nhận được báo cáo từ xóm chưa tiêm phòng thì choa điệu cổ bay lên, đừng có trách.
Em Nguyễn Thị Anh bị cán bộ xã Cẩm Sơn từ chối xác nhận hồ sơ vì không có giấy tiêm phòng.
Mất cả tình làng nghĩa xóm
Trở lại với gia đình bà Nguyễn Thị Linh và ông Nguyễn Hữu Côi ở xóm 9 mà chúng tôi đã đề cập ở bài trước; trong nỗi bức xúc về những khoản đóng góp vô lý, kiểu truy thu lạ lùng của chính quyền xã, bà Linh kể: Giữa tháng 8, em Nguyễn Thị Cúc (SN 1993, con gái bà Linh) nhận được giấy báo nhập học của hai trường đại học. Vui với kết quả đỗ đạt của con nhưng bà Linh cũng tủi hờn vì khoản tiền đóng học quá lớn so với kinh tế gia đình.
Đậu cùng lúc hai trường đại học Nguyễn Thị Cúc, con gái của bà Linh, đã làm nức lòng làng trên xóm dưới ở mảnh đất nghèo khó Cẩm Sơn. Nhưng niềm vui ấy của Cúc kéo dài không lâu.
Dù vậy bà Linh vẫn quyết lo cho con đi học. Ngày 20/8/2012, bà Linh bảo con gái lên xã xin xác nhận hộ nghèo, hộ chính sách của xã 135 để khi nhập trường được hưởng các khoản miễn giảm theo quy định. Khi em Cúc đến xã xin xác nhận, cán bộ xã cầm “cuốn sổ theo dõi gia đình” (cuốn sổ này gia đình nào cũng có, chính quyền nơi đây bắt dân phải mang theo quyển này mỗi khi lên xã liên hệ công việc) lật từng trang kiểm tra rồi nói với Cúc: “Nhà còn thiếu khoản đóng góp 400 ngàn. Mang về nhà bảo cha mẹ đóng đủ đi đã… ”.
Mặc cho Cúc năn nỉ, xin được chứng nhận trước cho kịp việc nhập học, trong khi gia đình chưa đủ tiền đóng, nhưng vị cán bộ xã vẫn kiên quyết không chứng nhận cho cô bé.
Khoản nợ vụ chiêm 409.000 đồng của gia đình bà Linh khiến con gái bà phải chịu "đòn" tủi nhục.
Ra khỏi trụ sở xã, Cúc khóc ròng đạp xe về nhà. “Tui không tin nổi vào tai mình. Lúc ấy đầu tui điên đảo. Tui giận bản thân, giận cả ông nhà tui bất tài không kiếm đủ tiền nuôi con thì một, mà giận mấy ông quan xã thì mười. Bố mẹ nó nợ thì bố mẹ nó chịu, răng họ lại chặn đường ăn học chính đáng của con trẻ” - bà Linh gạt nước mắt kể.
Uất ức, tủi nhục nhưng không còn cách nào khác, bà Linh đã phải cố vay mượn đủ khoản phí còn nợ xã lên đóng nốt, giúp con được ký nhận hồ sơ đi học đại học.
Phải đến khi gia đình đóng đậu đủ tiền, xuất chứng từ này, Nguyễn Thị Cúc mới được xã ký tá hồ sơ để nhập học
Tại Cẩm Sơn, không thiếu những trường hợp bị xã ức hiếp, truy thu kiểu lạ lùng như mẹ con bà Linh. Đơn cử như trường hợp của chị Trần Thị Toàn ở xóm 6. Năm 2007, vợ chồng chị bị xã xử phạt 500.000 đồng vì sinh con thứ 3. Gia cảnh quá nghèo khó, khoản phạt 500.000 là quá sức nên vợ chồng chị Toàn chưa đóng phạt.
Chị Toàn tủi hận thuật lại chuyện nhân con cần kíp nhập học đại học mà xã truy thu khoản phạt 500.000 đồng sinh con thứ 3.
Tháng trước con gái lớn của chị thi đậu đại học. Khi gia đình chị lên xã xin xác nhận hồ sơ cho con gái đi học thì bị cán bộ xã từ chối với lý do còn nợ tiền phạt. Đang sống cảnh nợ nần chồng chất vì khoản vay hàng chục triệu đồng cho chồng xuất ngoại làm thuê chưa trả hết, chị Toàn nài nỉ xin xã cho khất, sẽ nộp sau nhưng xã kiên quyết không đồng ý. Thương con, chị Toàn đành “xiết” 500.000 đồng trong khoản tiền vay cho con đi học để nộp cho xã, mở đường cho con đi học.
Gia đình bà Nguyễn Thị Từ (thôn 10) cũng chịu cảnh bị xã xiết nợ tương tự. Gia đình bà Từ mấy năm nay đã chuyển sang nghề cơ khí, mấy sào ruộng gia đình bà cho hàng xóm mượn. Vụ chiêm vừa rồi người mượn chưa đóng đậu khiến gia đình bà còn nợ lại xã 170.000 đồng. Khi con gái bà Từ mang hồ sơ lên xã xin xác nhận thuộc diện xã 135 để nộp cho nhà trường, thấy nhà bà còn nợ tiền, cán bộ xã từ chối xác nhận.
Chỉ sau khi đóng đủ số tiền 170.000 thuế vụ chiêm, được Trưởng xóm xác nhận "đã nộp đủ 170.000 đồng", chính quyền xã Cẩm Sơn mới ký vào hồ sơ cho con gái bà Từ nộp cho nhà trường
Bà Từ ấm ức nói thay lời bao người dân thấp cổ bé họng nơi đây: “Đấy anh xem, có chỗ mô như chỗ ni không? Việc học hành là quyền lợi chính đáng của con trẻ, được Đảng, Nhà nước khuyến khích, thậm chí học sinh, sinh viên nghèo còn được vay vốn đi học. Đằng này ở địa phương ni, họ mặc. Bố mẹ chúng nó nghèo, thiếu nợ thì con đừng đi học”.
(Còn nữa)
Văn Dũng - Huy Thái