1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phận người ở khu chung cư cao cấp:

Kỳ 2: Những không gian bị “đánh cắp”

(Dân trí) - Khi chủ đầu tư tận dụng tối đa những không gian có thể vào mục đích kinh doanh, đồng nghĩa với với việc người dân chung cư cao cấp bị “giam lỏng” trong bốn bức tường bê tông và lối đi về chỉ là chiếc thang máy lạnh lẽo.

Kỳ 1: Sau 3 năm vẫn lùng nhùng chuyện nước sạch, nước bẩn

 

Họp tổ dân phố ở lối đi

 

Vòng vèo mãi cuối cùng tôi cũng tìm được lối đi xuống tầng hầm khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội) để gửi xe. Xuống đến nơi, anh bảo vệ lại chỉ lên bãi xe vỉa hè trước tòa nhà mà không cần giải thích thêm vì sao. Lách qua những chiếc xe ô tô để ngang dọc đúng một vòng quanh toà nhà tôi mới tìm đước lối vào cầu thang máy.

 

Tìm hiểu, tôi được biết hàng trăm con người sinh sống tại đây cũng chẳng có lấy một mét vuông làm nơi sinh hoạt công cộng bởi. Toàn bộ diện tích được coi là “thừa” đã được tận dụng tối đa cho việc kinh doanh.

 

Dẫn tôi ra trước hành lang (lối đi chung của một tầng), ông Nguyễn Đức Thuần - Bí thư chi bộ khu đô thị mới thuộc phường Nhân Chính, Tổ trưởng tổ dân phố tòa nhà 18T2 - thở dài ngán ngẩm: “Đây là “hội trường” của hơn 100 hộ dân sống trong tòa nhà này đấy ạnh ạ! Họp ở hành lang thế này mà chúng tôi cũng phải xin mãi mới được đấy. Phông trang trí và một vài chiếc bàn tổ trưởng tự đứng ra sắm, còn ghế thì của nhà nào nhà ấy mang đi như các em học sinh vẫn mang ghế đến trường những ngày thao giảng ấy. Chen chúc lắm thì chỗ này cũng chỉ chứa được 60-70 người, thôi thì đành thay phiên nhau để đi họp”.

 

Theo khảo sát của phóng viên, tình trạng không có phòng sinh hoạt cộng đồng diễn ra ở toàn bộ các tòa nhà. Ông Thuần cho biết: “Cứ đến dịp lễ tết là lãnh đạo tổ dân phố lại rối tung hết cả lên… Từ việc tổ chức tết thiếu nhi cho các cháu nhỏ đến điểm sinh hoạt cho những người cao tuổi đều không biết tổ chức ở đâu”.

 

Kỳ 2: Những không gian bị “đánh cắp”  - 1

Họp tổ dân phố ở hành lang. (Ảnh: Thái Bình)
 

Ông Bùi Đức Nhuận ở phòng 1805, tòa nhà 18T2, than phiền: “Sống ở đây chúng tôi gần như bị cô lập dưới sự áp đặt của nhà cung cấp dịch vụ. Những việc làm kỳ lạ của Vinasinco như bóc xé bản tin, hạ bản tin của tổ dân phố, của ban quản trị; không cho dân phát thanh để thông báo, tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện nghĩa vụ công dân nhà nước. Trong khi đó lại “độc quyền” phát thanh liên tục nhiều lần những tin tức “áp đặt” về giá cả dịch vụ. Không thể chịu đựng được, ngày 4/6/2007, dân chúng tôi đã đồng loạt “nổi dậy”. Chỉ đến khi ấy giá dịch vụ mới được thu theo giá cũ”.

 

“Cuộc sống người dân dần bị sa mạc hóa”

 

Quan sát khu đô thị, chúng tôi nhận thấy những lối đi xen giữa hai tòa nhà đều đã bị xây nối liền lại làm văn phòng cho thuê. Phần lớn khuôn viên cây xanh dưới chân các tòa nhà đều bị chiếm dụng làm nơi trông giữ xe. Nhiều nơi còn xây dựng cả bãi gửi xe kiên cố.

 

Bà Bùi Thị Chi, phòng 1907, nhà 24T2 kể: “Những người già chúng tôi rất cần nơi để đi bộ nhưng anh xem, trên vỉa hè mà xe cộ lao ầm ầm thế này thì còn đi ở đâu. Chả nhẽ lại thuê xe ôm chở ra Công viên Thủ Lệ!”.  

 

Nghe đến đây, ông Bùi Đức Nhuận, xen vào: “Hôm trước mấy bà dẫn cháu xuống sân chơi, bị xe máy quệt phải ngã tóe máu đầu, may mà chỉ bị thương nhẹ! Bản thân tôi, năm nay đã ngoài 60 tuổi rồi, cả ngày sống trong bốn bức tường bê tông đến chiều muốn xuống mặt đất đi bộ để hít thở không khí trong lành, nhưng nghĩ đến tai nạn lại sợ không dám đi”.

 

“Sống ở nhà mình mà nhiều khi lại phải đi chỗ khác gửi xe, trong khi đó tầng hầm lại dành cho những xe ô tô từ nơi khác đến gửi. Giá vé gửi xe tăng đến chóng mặt. Khi người dân không chịu đóng, Vinasinco liền ra văn bản nêu rõ thời hạn nếu không đóng vé sẽ được thu về và bán cho người khác”, ông Nguyễn Đức Thuần bức xúc.

 

Sau những tòa nhà cao trọc trời nối nhau là liên tiếp các khu nhà thấp tầng và khu biệt thự. Toàn bộ khu đô thị rộng hàng chục ha không có nổi một diện tích đáng kể làm khuôn viên cây xanh. Theo những người dân nơi đây, khi đến xem nhà, đại diện chủ đầu tư giới thiệu rất cụ thể: Đây là khuôn viên cây xanh, đây là nhà trẻ, đây là lối đi chung…

 

“Nhưng những điều đó chỉ tồn tại trên giấy tờ. Đô thị hiện đại mà cuộc sống của người dân cứ dần bị sa mạc hóa. Chất lượng cuộc sống của người dân là một chuyện nhưng quan trọng hơn là bộ mặt của thành phố”, ông Thuần chia sẻ quan điểm.

 

Ông Nhuận phân tích thêm: “Chúng tôi sống ở đây, đúng ra chúng tôi phải là chủ, vậy chúng tôi phải có quyền lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cho mình chứ. Hơn ba năm nay kể từ khi chuyển đến đây chúng tôi đã quá mệt mỏi với việc kiến nghị cái này, đòi hỏi cái kia. Mà thực chất đây chỉ là những yêu cầu tối thiểu trong cuộc sống như: nước sạch để sinh hoạt, một chỗ để sinh hoạt cộng đồng, một vườn hoa nho nhỏ để người già tập dưỡng sinh...”.

 

Thái Bình

 

Kỳ 3: Biến nhà trẻ thành... sân tennis