1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với cán bộ thi hành án có sai phạm

Thế Kha

(Dân trí) - Tổng cục Thi hành án dân sự khẩn trương rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ thể chế nội bộ về công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống thi hành án dân sự.

Tại hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống thi hành án dân sự vừa diễn ra, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, đến nay đội ngũ công chức ngày càng có sự chuyển biến cả về số lượng và chất lượng, gần 100% chấp hành viên có bằng Cử nhân Luật. 100% số cán bộ tham gia thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên theo quy định mới của Luật Thi hành án dân sự đều phải có trình độ Cử nhân Luật và phải qua lớp đào tạo nghiệp vụ Chấp hành viên.

Bên cạnh kỷ cương, kỷ luật trong ngành ngày càng được giữ vững, tăng cường thì công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với cán bộ thi hành án có sai phạm được thực hiện thường xuyên.

Công tác tổ chức cán bộ cũng được tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn, từ kiện toàn tổ chức bộ máy đến việc tuyển dụng, tổ chức thi tuyển Chấp hành viên, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

Hệ thống thi hành án dân sự được tổ chức theo mô hình như hiện nay (gồm: Tổng cục Thi hành án dân sự, 63 Cục Thi hành án dân sự và 702 Chi cục Thi hành án dân sự) là phù hợp theo hướng tổ chức đồng bộ với hệ thống cơ quan xét xử; số việc, số tiền thi hành được ngày một tăng và ngày càng bền vững…

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với cán bộ thi hành án có sai phạm - 1

Ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp).

Ông Nguyễn Quang Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã lưu ý một số nhiệm vụ quan trọng cần tiếp tục triển khai như chủ động về quy hoạch, con người, đào tạo; nhận diện đúng tình hình, có giải pháp phù hợp. Đồng thời kiểm soát bằng công tác kiểm tra, giám sát tổ chức hoạt động của từng cơ quan, đơn vị và kịp thời trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự khẩn trương rà soát, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ thể chế nội bộ về công tác tổ chức cán bộ trong hệ thống thi hành án dân sự.

Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Đề án sắp xếp hệ thống thi hành án dân sự; khẩn trương tổ chức kỳ thi tuyển công chức đầu vào cho hệ thống, kịp thời bổ sung biên chế làm việc còn thiếu cho các đơn vị.

Ông Khôi nhấn mạnh yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển để xây dựng nguồn cán bộ lãnh đạo kế cận, có phương pháp theo dõi, đánh giá chặt chẽ, khoa học, sâu sát đối với các cán bộ đã được đưa vào quy hoạch, đã đưa đi luân chuyển. Đi liền với đó là tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình các cơ quan thi hành án dân sự để kịp thời phát hiện các điểm nóng, kịp thời xử lý theo quy định.

"Với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong hơn 10 năm phát triển của hệ thống thi hành án dân sự, bước sang giai đoạn mới cần tiếp tục duy trì và tạo vị thế mới vững chắc cho hệ thống thi hành án dân sự, trong đó công tác tổ chức cán bộ đóng vai trò vô cùng quan trọng"- ông Khôi nói.

Ông Khôi yêu cầu từng cán bộ, công chức thi hành án không ngừng tu dưỡng rèn luyện về phẩm chất, đạo đức, lối sống cho đến kỹ năng tổ chức công việc, xây dựng hình ảnh công chức "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư"; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, quản lý nhà nước…