1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh

(Dân trí) - Sáng 27/3, Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (Escap) đã công bố Báo cáo điều tra kinh tế - xã hội năm 2008 khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tại Việt Nam, Escap cho rằng: Trong năm 2008, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức 8,2% do đầu tuhư tăng cao kết hợp với việc mở rộng khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Cúng trong bản báo cáo, Escap cho biết tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm đi một chút nhưng vẫn còn khá cao (7,7%) vào năm 2008 - mặc dù có những bất trắc về kinh tế ở Hoa Kỳ và các đồng tiền trong khu vực tiếp tục tăng giá.

Escap cũng đưa ra báo cáo dự báo tỷ lệ lạm phát của các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2008 sẽ ở mức 4,6%, và sự tăng giá của các đồng tiền trong khu vực sẽ hạn chế tác động của giá dầu và lương thực tăng cao.

Tuy vậy, với tỷ lệ lạm phát khá cao (dự báo ở mức 7,7% trong năm 2008), mức nhập siêu gia tăng và mức thâm hụt tài khoản vãng lai cao sẽ là những yếu tố tiêu cực dẫn đến tình trạng lạm phát ở Việt Nam trong năm tới.

Escap cũng cho rằng: “Những dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam đã tăng đáng kể (gần 70% trong năm 2007) gây khó khăn cho cơ quan quản lý tiền tệ trong việc kiểm soát lạm phát, khiến tỷ lệ lạm phát vẫn duy trì ở mức cao hơn so với chỉ tiêu đề ra”.

Cũng theo Escap, việc kiểm soát chặt chẽ đồng Việt Nam đã từng bị giảm giá so với đồng đô la Mỹ (xuống khoảng 16.000 VND/USD) cũng như các dòng vốn nước ngoài lớn đổ vào Việt Nam làm “phức tạp thêm” nỗ lực của Việt Nam trong việc ngăn chặn không cho đồng tiền tăng giá.

Quỹ dự trữ ngoại tệ của Việt Nam cũng đang gia tăng, đạt mức tương đương với 20 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2007, (tăng so với 13,6 tuần năm 2006).

Nông nghiệp bị bỏ quên

Báo cáo điều tra của Escap cho hay: nền nông nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dường như không được chú ý đúng mức, mặc dù nó cung cấp việc làm cho 60% lực lượng lao động và là chỗ dựa cho đại đa số người nghèo. Trong vài năm qua, mức tăng trưởng và năng suất của ngành này đã giảm sút, và cuộc cách mạng xanh dường như đã bỏ sót hàng triệu người.

Theo Escap, nếu tăng năng suất nông nghiệp bình quân trong toàn khu vực thì có thể giúp cho 218 triệu người dân, tức là 1/3 người nghèo trong khu vực, thoát khỏi đói, nghèo, đặc biệt là ở các quốc gia: Ấn Độ, Trung Quốc, Bănglađét và Inđônêxia. Vì vậy, khôi phục ngành nông nghiệp cần được coi là trọng tâm chính sách hiện nay đối với toàn khu vực.

Tại Việt Nam, tuy vai trò tạo việc làm của nông nghiệp đã giảm, song ngành này vẫn chiếm 55% tổng số việc làm năm 2006. Bởi vậy, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa năng suất lao động nông nghiệp để có thể giảm nghèo nhanh hơn.

P. Thanh