DNews

Kinh nghiệm giúp người dân Quảng Bình cứu tài sản từ trận lũ lịch sử

Tiến Thành

(Dân trí) - Thường xuyên phải gánh chịu lũ lụt, bởi vậy người dân vùng "rốn lũ" ở Quảng Bình đúc kết nhiều kinh nghiệm, luôn sẵn sàng tâm thế để ứng phó một cách chủ động, giảm triệt để thiệt hại.

Kinh nghiệm giúp người dân Quảng Bình cứu tài sản từ trận lũ lịch sử

Không chủ quan trước thiên tai

"Ở Lệ Thủy gần như năm nào cũng có lũ, chỉ là lớn hay nhỏ mà thôi. Chúng tôi luôn sẵn sàng tâm thế, chủ động ứng phó, không chủ quan, bởi thiên tai khó lường trước, nhất là khi thời tiết ngày càng cực đoan", bà Lê Thị Mai (trú huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ.

Kinh nghiệm giúp người dân Quảng Bình cứu tài sản từ trận lũ lịch sử - 1

Huyện Lệ Thủy được xem là "rốn lũ" tại tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).

Sau nhiều ngày tất bật, vợ chồng bà Mai và con trai đã dọn dẹp, khắc phục xong hậu quả do mưa lũ gây ra những ngày qua. Gia đình bà Mai vẫn để nhiều tài sản có giá trị như: tủ lạnh, tivi và một số vật dụng dễ hư hỏng ở trên gác cao, chưa hạ xuống vì lo ngại đợt mưa lớn sắp tới sẽ tiếp tục gây lũ lụt.

Với bà Mai và nhiều người dân Lệ Thủy, sau những trận lũ lớn, đặc biệt là trận lũ lịch sử năm 2020, họ đúc kết được nhiều kinh nghiệm, luôn sẵn sàng tâm thế để ứng phó với lũ một cách chủ động, giảm triệt để thiệt hại có thể xảy ra.

Kinh nghiệm giúp người dân Quảng Bình cứu tài sản từ trận lũ lịch sử - 2

Người dân Quảng Bình luôn sẵn sàng tâm thế để ứng phó với mưa lũ (Ảnh: Tiến Thành).

Từng trải qua nhiều trận "đại hồng thủy", bởi vậy mỗi khi mưa lớn, nguy cơ có lũ, ông Võ Minh (trú thôn Lộc An, xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) lại thu xếp, chuyển đồ đạc trong nhà lên cao. Nhờ vậy mà trận lũ vừa qua, gia đình ông Minh không thiệt hại gì nhiều.

Theo người đàn ông, những thiết bị điện tử sẽ được đưa lên gác, bếp nấu nướng đặt ở nơi vừa phải để sử dụng hàng ngày; bàn ghế, giường, tủ gỗ tự nhiên có thể ngâm nước thì dùng làm giá đỡ, kê các vật dụng khác.

Hai chiếc xe máy và vật nuôi được ông Minh chuyển lên sàn gỗ kê trên mấy thùng phuy rỗng, nước dâng đến đâu, nổi đến đó. Trước khi nước lũ vào nhà, ông Minh dùng tấm nilon và dây cao su buộc miệng giếng lại, sau khi lũ rút, có nước sạch để dùng.

Kinh nghiệm giúp người dân Quảng Bình cứu tài sản từ trận lũ lịch sử - 3
Kinh nghiệm giúp người dân Quảng Bình cứu tài sản từ trận lũ lịch sử - 4

Người dân Quảng Bình kê cao tài sản để tránh thiệt hại do lũ gây ra (Ảnh: Nhật Anh).

"Mình phải chủ động ngay từ đầu để phòng các trường hợp có thể xảy ra. Bên cạnh biện pháp bảo vệ tài sản, tôi cũng mua đầy đủ thực phẩm dự phòng, đèn pin, áo phao, sạc dự phòng cho điện thoại. Thậm chí còn để sẵn lối thoát trên mái, phòng lũ lên quá nóc nhà sẽ thoát ra dễ dàng hơn, tránh bị mắc kẹt", ông Minh chia sẻ kinh nghiệm.

Lấy mốc lũ lịch sử để ứng phó với lũ mới

Theo ông Trần Đức Tài, Bí thư Đảng ủy xã An Thủy (huyện Lệ Thủy), người dân địa phương luôn lấy mốc lũ lịch sử để chủ động kê cao tài sản. Những năm qua, người dân xây nhà mới đều chọn mốc vượt lũ năm 2020 để thi công, nhà mới bây giờ được xây dựng khang trang, kiên cố và đều làm 2 tầng hoặc có chòi vượt lũ.

Kinh nghiệm giúp người dân Quảng Bình cứu tài sản từ trận lũ lịch sử - 5

Thường xuyên xảy ra lũ lụt, đặc biệt là sau trận lũ lịch sử năm 2020, nhiều gia đình tại Quảng Bình đã cải tạo, xây thêm gác tránh lũ (Ảnh: Tiến Thành).

Những năm qua, tại huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), nhiều nhà phòng tránh lũ cộng đồng được xây dựng với 2 tầng để làm nơi tránh trú lũ lụt cho hàng trăm người. Mùa vụ sản xuất và tập quán chăn nuôi đều được bố trí "né" mùa mưa lũ nhằm giảm bớt thiệt hại. Các trang trại được quy hoạch ở những vị trí cao, đề phòng lũ lụt.

Theo người dân và chính quyền địa phương huyện Lệ Thủy, tuy chưa đạt tới mức đỉnh lũ năm 2020 nhưng trận lũ vừa qua cũng khá lớn, được so sánh với kỷ lục mưa lũ năm 1979. Nhờ chủ động ứng phó, chính quyền và người dân phần nào giảm thiểu được thiệt hại do lũ gây ra.

Theo thống kê, đợt mưa lũ vừa qua tại Quảng Bình làm 7 người chết, gần 1.000ha rau, hoa màu, cây trồng hư hỏng; trên 70.000 con gia cầm, gần 500 con gia súc bị chết, cuốn trôi; 5 tàu cá bị sóng đánh chìm. Ước tính tổng thiệt hại ban đầu hơn 500 tỷ đồng.

Trận lũ lịch sử năm 2020, toàn tỉnh Quảng Bình có 106.000 ngôi nhà bị ngập, 25 người chết, thiệt hại 3.500 tỷ đồng. Tại huyện Lệ Thủy, lũ ngập sâu và kéo dài đến 6 ngày, hàng trăm nghìn dân không thể di dời mà phải chung sống với lũ.

Kinh nghiệm giúp người dân Quảng Bình cứu tài sản từ trận lũ lịch sử - 6
Kinh nghiệm giúp người dân Quảng Bình cứu tài sản từ trận lũ lịch sử - 7

Chính quyền địa phương tại Quảng Bình và các lực lượng bộ đội, công an di dời người dân tại vùng trũng, thấp (Ảnh: Tiến Thành).

Bên cạnh sự chủ động của người dân, mỗi đợt mưa lớn, chính quyền các địa phương tại huyện Lệ Thủy nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung luôn nỗ lực triển khai hiệu quả phương châm "4 tại chỗ".

Khi mưa lớn, có nguy cơ lũ lụt, những hộ dân, đặc biệt người già, trẻ nhỏ, người đau ốm… ở vùng thấp trũng, trong các nhà cấp 4 nguy cơ ngập sâu thường được khẩn trương di dời đến các nhà dân, trụ sở cao tầng. 

Cơ quan chức năng cũng chuẩn bị đầy đủ trang, thiết bị, thực phẩm thiết yếu, tổ chức lực lượng ứng trực, sẵn sàng các kịch bản có thể xảy ra để ứng phó hiệu quả. Chính quyền địa phương tại Quảng Bình luôn công bố rộng rãi số điện thoại để người dân biết, gọi điện trong trường hợp cần hỗ trợ.

Sẵn sàng ứng phó với đợt mưa được dự báo rất lớn, kéo dài

Trước dự báo mưa lớn xảy ra trong ít ngày tới, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ".

Tinh thần chỉ đạo của tỉnh Quảng Bình với các đơn vị, địa phương là chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân và nhà nước, tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ.

Các đơn vị, địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp gia cố bảo vệ các đập hồ chứa thủy lợi xung yếu, nhất là các hồ, đập vừa và nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao; bố trí lực lượng trực canh, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để đảm bảo an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra sự cố...

Kinh nghiệm giúp người dân Quảng Bình cứu tài sản từ trận lũ lịch sử - 8

Dự báo tại Quảng Bình nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung sẽ có mưa kéo dài ít ngày tới, nguy cơ xảy ra lũ, lụt (Ảnh: Tiến Thành).

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 3/11 đến 10/11, khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu.

Dự báo sẽ có đợt mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn, gây ra lũ trên báo động 3 ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, ngập úng diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi. Vùng mưa lớn không chỉ tập trung ở các tỉnh đã có mưa lớn trong những ngày qua mà còn mở rộng ra phần phía Nam, từ Quảng Nam đến Phú Yên.

Dự báo sau 10/11, mưa lớn ở miền Trung còn có diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa. Trong đó, nửa đầu tháng 11 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên.