1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kinh hoàng “chợ Việt” Hà Khẩu

(Dân trí) - Ở Hà Khẩu (Trung Quốc) có một khu chợ 3 tầng được đặt tên “chợ Việt” với dòng chữ chạy dọc “cơm hương vị Việt”. Nhưng đã đặt chân vào đó sẽ chỉ thấy toàn vũ khí, “đồ chơi người lớn” và cả “dịch vụ người lớn”, nhìn qua đã sởn gai ốc.

Hà Khẩu là thị trấn giáp với cửa khẩu quốc tế Lào Cai, nằm bên sông Nậm Thi đoạn cắt thượng nguồn sông Hồng. Chỉ với tấm giấy thông hành đơn giản là có thể sang Hà Khẩu. Những ngày cuối năm, khách du lịch Việt Nam sang Hà Khẩu nườm nượp vừa để tham quan, vừa tranh thủ mua sắm vì hàng hoá ở đây khá đa dạng và giá cả phải chăng. Nhưng cũng khối người lên Hà Khẩu vì những mục đích khác.

 

“Lên tầng 3 chưa?”

 

Kèm theo câu hỏi bí ẩn đó là cái nháy mắt giễu cợt của cô gái bán hàng quần áo. Sau dăm ba cái chỉ tay, chúng tôi cũng đến được một khu chợ cũ nát 3 tầng có tên là “chợ Việt Nam Hà Khẩu”, toạ lạc ngay cạnh đường phố chính của thị trấn Hà Khẩu.

 

Chưa kịp lên “tầng 3”, những mặt hàng được bán ở mặt tiền khu chợ đã chiếm hết sự chú ý của đoàn khách hiếu kỳ. “Chợ người Việt” bày bán đủ thứ hàng hoá, thượng vàng hạ cám. Băng đĩa, bật lửa zippo, dao đa năng, đồ lưu niệm, giày dép… Chưa kịp ngó ngàng đã thấy một bà chị tuổi “sồn sồn” đon đả: “Mua gì không, dùi cui điện, kiếm chiến, “đồ chơi” có tất, vào đây xem đi”.

 

Miệng nói, tay làm, bà chị nắm vai kéo chúng tôi vào nhà trong. Trong nhà ê hề những kiếm đao sáng loá treo tám hướng. Một cậu bé trạc 15 xưng người Vĩnh  Phúc hăm hở giới thiệu: “Chọn đao kiếm đi anh, anh khoái hàng treo chơi hay hàng “chiến”. Theo cánh tay chỉ của cậu, chúng tôi thực sự choáng trước hàng dãy kiếm được tạo dáng theo kiểu cổ: kiếm thẳng, kiếm cong, long đao, kiếm Nhật, dao mác, mã tấu… Có những thanh đao to vật vưỡng, nặng tới 3-4kg làm bằng thép bóng lộn soi rõ mặt người. Tất cả có đặc điểm chung là lưỡi và mũi cùn, có văn hoa theo kiểu cổ và được đính thêm những  viên ngọc rẻ tiền.

 

Thấy ông khách không mấy mặn mà, cậu bé lại thành thạo chuyển hướng: “Hay là xem hàng “chiến” nhé, đảm bảo với ông anh sợi tóc vướng vào cũng lìa làm đôi”. Chỉ mấy tiếng í ới, thêm mấy cậu nhóc khệ nệ lôi một mớ “hàng chiến” ra bày đầy nhà: nào dao ngắn, dao quắm, mã tấu, dao chém, kiếm ngắn, kiếm dài đủ hình hài.

 

Đại đa phần “hàng chiến” đều sắc nhọn, có vỏ bọc cẩn thận. Tuỳ kích thước, mức độ cầu kỳ mà các loại “hàng” được thách giá từ 1 triệu đến vài trăm nghìn đồng. Nhưng khéo mặc cả, giá thực chỉ còn non nửa. Khách có nhu cầu đặt hàng thì giá cao hơn chút đỉnh.

 

Kinh hoàng “chợ Việt” Hà Khẩu  - 1

Vũ khí loại nào cũng có, hàng bày, hàng "chiến".

 

Để tăng thêm phần thuyết phục, cậu nhóc lại giới thiệu thêm: “Nếu không ưa mấy thứ này, hay ông anh thử tí hàng công nghệ đi”. Vẫn nhanh như sóc, ông chủ nhỏ lại lôi ra mấy khẩu súng điện đen ngòm kèm lời quảng cáo: 10 mét đổ lại bắn đâu ngất đó. Bình xịt hơi cay và dùi cui điện cũng được kéo từ hộc tủ ra, bày lăn lóc trước mắt.

 

Báng súng ngắn tũn, trong có pin sạc lại, có duy nhất 2 nút bấm: một công tắc và một nút khai hoả. Loại súng này ngắm bắn bằng tia laze, đạn nhựa  trong đó chứa tụ điện, cuộn dây đồng nhỏ đầu gắn kim. Lúc súng nố, hai chiếc kim sẽ phóng ra, mang theo sợi dây truyền điện và có thể khiến đối tượng bất tỉnh nhân sự trong vòng mươi phút. Mỗi khẩu súng được “hét” giá 2 triệu, đạn 100 đồng/viên còn số lượng thì nói như cậu bán hàng là “lấy tàu mà chở”.

 

Thấy tôi trù trừ muốn đi ra, cậu nhóc hếch mũi: “Ông anh khoái thì chọn, chỉ cần đặt trước mấy đồng rồi để số điện thoại, khoản mang về nước tụi này lo”. May sao có điện thoại reo (ở Hà Khẩu các mạng điện thoại Việt Nam đều có sóng), chúng tôi rút lui, nghe vẳng sau lưng mấy tiếng chửi đổng. 

 

Thực hư “đồ chơi người lớn”

 

Náo nhiệt hơn là những hàng sex toy và thuốc kích dục. Những thứ này được bày bán nhan nhản trong chợ, với đủ thứ hình ảnh bắt mắt của những cô gái không mảnh vải che thân. Nào thuốc uống, dạng gel, thuốc bôi nhằng nhịt chữ Trung Quốc. Các loại thuốc dành cho nam được quảng cáo có thể tăng cường “sinh lực đàn ông” về cả “chất lượng” lẫn kích thước. Thuốc cho nữ cũng hằng hà sa số, có cả loại dạng thỏi như kẹo cao su.

 

Một bà chị trạc 35 tuổi giới thiệu không chút ngượng ngùng: “Cậu em trẻ chắc chưa cần thuốc nam, nhưng “làm” một ít thuốc nữ đi, hay lắm”. Để cụ thể hoá cái sự “hay lắm”, bà chị luyên thuyên giải thích: các loại thuốc này đều không màu, không mùi, không vị, đảm bảo chị em “dính” phải là không thể cưỡng nổi.

 

Như thể sợ thiếu thuyết phục, bà chị quả quyết: “Bọn chị bán đây 365 ngày một năm, lừa đảo thì ai còn mua cho, dùng không hiệu nghiệm cứ mang lên trả lại”. Chẳng hiểu có tin lời hay không mà ngay hàng bên cạnh, đã thấy mấy ông khách nhoay nhoáy móc tiền.

 

Kinh hoàng “chợ Việt” Hà Khẩu  - 2

Cổng vào khu chợ "hương vị Việt".

 

Các loại “đồ chơi” phòng the cũng được bày bán công khai. Từ bộ phận sinh dục nam, nữ đến các loại bao cao su dị hợm. Những món hàng “12 con giáp” chỉ là “muỗi”, thay vào đó là các loại bao cao su có gân, bi, gai nhằng nhịt đủ màu. Có loại còn gắn pin ngoài, tạo rung và đèn màu nhoe nhoét. Bà chị bán hàng còn gợi ý: “Nếu không ưa mấy loại này, hay chịu khó bỏ tiền mua con búp bê mà “dùng”, như người thật, có cả âm thanh hifi (!?) mà giá chỉ 800 nghìn/con”. 

 

Trong số những quày hàng san sát nhau, chúng tôi để ý người bán hàng đa phần là người Việt từ các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái… đứng quầy. Có những cô, cậu chỉ trạc lớp 9, lớp 10 nhưng đã rất thành thục trong cách chào hàng, giới thiệu. Một cậu quê Phú Thọ còn nhanh nhẩu: “Nếu ông anh thích, làm thử một lô mang về bán, mấy bà sồn sồn sang đây là mê mấy thứ này lắm…”. Lân la hỏi mới biết phần lớn các cô cậu bé này đều bỏ học sang kiếm tiền, số nữa sang ngày sang bán hàng, đêm lại về nhà ở bên kia biên giới.

 

Theo những người có kinh nghiệm, hầu hết các loại thuốc được quảng cáo là “thần dược” trên đều là đồ dỏm, không có tác dụng hoặc… tác dụng ngược. Một chị bán giày dép 8 năm ở Hà Khẩu quả quyết: “Thuốc “diệt phụ nữ” thì đồ bịp bợm là nhiều, còn thuốc của nam thì đừng có dính vào mà khốn, dùng một thời gian là hỏng hết “bánh kẹo”, lúc đó có thuốc nhà trời cũng chịu”.

 

“Thiên đường” tầng 3

 

Sau những gì được chứng kiến ở tầng dưới, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ tinh thần cho “tầng 3”. Nhưng vừa bước chân ra khỏi cái cầu thang bốc mùi hỗn tạp, tôi đã suýt bị cưỡng bức theo đúng nghĩa đen của từ này. Ba cô gái ăn mặc diêm dúa ùa tới rồi kéo tuột ông khách đang chới với vào cái phòng bé tẹo, nồng nặc đủ thứ mùi, rồi nhanh như cắt hai cô bước ra, đóng cửa đánh “sầm” một cái.

 

Chưa kịp hoàn hồn, tôi đã thêm một lần sốc khi cô gái còn lại mặt tỉnh queo, trút hết xiêm y, cười tình: “Người Việt sang hả?”. Sau một hồi xin xỏ, tôi đã được “tha bổng” vì lời hứa nộp đủ 60 tệ, tức bằng giá 2 lần “tàu nhanh” ở đây. Chỉnh tề xiêm áo, cô gái nhìn tôi bằng ánh mắt vừa ngạc nhiên, vừa dò la.

 

Cô người Bắc Kạn, trước lên đây bán hàng quần áo nhưng tiền công bèo bọt quá nên dần dà chuyển “nghề”. Cô kể, cách đây 2 năm có người gạ “bán trinh” giá 3.000 tệ, tức gấp 5 lần mức tiền công hàng tháng từ cửa hàng quần áo. Cô đã gật đầu và theo “kiếp” này tới giờ.

 

Qua lời cô gái tên Hường này, tôi bắt đầu hình dung ra được bức tranh “tầng 3”. Đây là một ổ chứa, tập trung đa phần gái Việt từ các tỉnh lân cận quanh biên giới. Một số vì đồng tiền mà nhắm mắt đưa chân, số còn lại là “hàng quá date” không còn chốn nương thân nên lên đây kiếm cơm. Có cô mới 16, 17 tuổi đã xuất hiện ở tầng 3 này được 2 năm.

 

Khu tầng 3 không lớn, nhưng có “mật độ” cực kỳ cao, có đến hàng trăm cô đang hành nghề. Họ đều ăn ở luôn trong “động”, mỗi lượt tiếp khách giá chỉ 30 tệ, trong khi đó mỗi tháng phải đóng “thuế” cho chủ 4-5.000 tệ. Hầu hết gái ở đây đều phải tiếp 7-10  khách/ngày, từ cửu vạn tới những ông già ế vợ. Những cô còn chút nhan sắc thì phải tiếp nhiều hơn.

 

Hường kể, làm mãi rồi quen nên cũng chẳng còn thấy nhục nhã gì nữa, chỉ thấy khổ mỗi khi “đến tháng” mà vẫn phải tiếp khách kiếm tiền trả chủ, nuôi thân. Để đảm bảo thu nhập, hầu hết các cô đều phải dùng đến thuốc gây tê và cả thuốc kích dục.

 

Câu chuyện đang trôi thì có tiếng gõ cửa, một giọng lơ lớ vẳng vào: “Nhanh lên, hết giờ”. Tôi vội vã móc 200 nghìn đồng để trả cho cuộc tâm tình chớp nhoáng. Đảo mắt nhìn quanh, toàn những dãy hàng san sát, những cô gái bự phấn son diêm dúa túm tụm đợi khách đến để kéo tuột vào phòng. Những căn phòng xập xệ, nặc mùi và che rèm nhem nhúa.

 

Bước ra khỏi khu chợ, hình ảnh những cô cậu bé, những câu mời chào, những món đồ “độc” và cả những cô gái làm tiền trên đất khách cứ xen cài như một nỗi ám ảnh không tên…

 

Hồng Kỹ