Kinh hoàng an toàn thực phẩm tại Hà Nội!
(Dân trí) - Người dân vô tư tưới rau bằng phân tươi tại Tây Hồ. Rau sống được ủ trong khăn bẩn hơn cả giẻ lau, thớt chặt thịt lên rêu mốc xanh... Đó là những nguyên nhân khiến nhiều nhà hàng như Lá Cọ, Anh Tú Xịn, Trần Mục... bị buộc đóng cửa tại chỗ.
Kết quả kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm của 5 đoàn kiểm tra lưu động ngày 16/4 cho thấy, hầu hết các hàng quán đều rất mất vệ sinh, kể cả những quán được cấp phép kinh doanh.
7/10 cửa hàng bị đóng cửa
Đoàn kiểm tra thứ nhất do PGS.TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm là trưởng đoàn đã kiểm tra 5 cơ sở kinh doanh thịt chó tại phường Quảng An (Tây Hồ) và quận Cầu Giấy thì có đến 4/5 cơ sở phải đóng cửa ngay lập tức.
“Như cửa hàng thịt chó Lá Cọ (đường Nguyễn Khang) thì không có đủ một tiêu chuẩn nào để kinh doanh thực phẩm. Từ mắm tôm, thịt chó đến rau sống sử dụng tại cửa hàng đều không có nguồn gốc xuất xứ. Riêng rau sống được bọc trong một chiếc khăn bẩn hơn cả…giẻ lau. Và việc đóng cửa cửa hàng là điều không thể tránh khỏi”, ông Đáng bức xúc.
Đoàn kiểm tra do TS Nguyễn Huy Nga dẫn đầu đã phát hiện cửa hàng bán lòng lợn, tiết canh (nhà 20 Hai Bà Trưng) đã bị đóng cửa trong đợt kiểm tra mới đây của Sở Y tế Hà Nội do không đảm bảo vệ sinh và có bán tiết canh lợn giờ lại hoạt động trở lại với mặt hàng mới: Cơm bụi. Đoàn đã làm biên bản và chuyển chính quyền phường giải quyết. |
Tại cửa hàng Trần Mục điều kiện vệ sinh cũng không hơn. Không chỉ bẩn ở hai thùng mắm tôm to tướng, mà cơ sở này cũng chưa có giấy phép kinh doanh thực phẩm nên tạm thời bị đúng cửa.
Ruồi bay vo vo trong khu chế biến
Ngay trong khu nấu, chặt, thái thức ăn, ruồi nhặng bay vo vo, hết đậu vào những cọng rau sống đã rửa, sà xuống vũng nước còn vương trên sàn lại thản nhiên đáp xuống đĩa thức ăn sắp sẵn. Đó là cảnh tượng mất vệ sinh khủng khiếp mà đoàn kiểm tra thực phẩm do PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dẫn đầu gặp phải tại một số cửa hàng khu vực Trung Hoà, Yên Hoà.
Theo ông Hiển, đoàn quyết định kiểm tra thực phẩm ở địa điểm này do đây là khu vực có nhiều bệnh nhân bị tiêu chảy cấp nguy hiểm. Kiểm tra tại 3 nhà hàng Vườn Nhãn, Kim Oanh, Minh Ngọc thì thấy các cơ sở này đều chưa thực hiện đầy đủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, như không có bếp một chiều, sàn nhà vẫn còn đọng nước, rồi dao, thớt thái thịt chín, sống vẫn lẫn lộn và có rất nhiều ruồi bay vo vo trong khu chế biến thực phẩm. Nhất là khăn lau dao, thớt thì rất bẩn.
Đoàn đã lập biên bản 1 cơ sở do không có giấy chứng nhận vệ sinh thực phẩm rồi giao cho phường xử lý, và lấy 17 mẫu rau, 3 mẫu dao thớt, 4 mẫu nước thải để kiểm tra.
Chợ 19/12, nơi mà một số người dân mua thịt chó tại chợ này về ăn và bị tiêu chảy cấp nguy hiểm, cũng rất mất vệ sinh và xuống cấp trầm trọng. Chợ thì chật hẹp, tạm bợ, cống rãnh đều lộ thiên. Đoàn đã kiểm tra 4 quầy thịt chó, các quầy này tuy có để riêng thịt chó sống và chín, nhưng không đảm bảo vệ sinh do để quá gần nhau, rất dễ lây nhiễm. Hơn nữa, nguồn thịt chó đều được lấy từ các địa phương khác, nên việc vận chuyển không đảm bảo vệ sinh.
Tại địa bàn huyện Thanh Trì, đoàn kiểm tra tập trung tại các xã Ngũ Hiệp, Vĩnh Quỳnh, Ngọc Hồi, Đại Áng, trong 13 cửa hàng được kiểm tra, có 3 quầy thịt chó, 3 quầy thịt lợn, 2 quán lòng lợn tiết canh, 3 quầy rau. Đoàn đã lấy 135 mẫu, trong đó 63 mẫu thực phẩm…Kết qủa cho thấy, hầu hết hệ thống hàng ăn, chế biến thực phẩm ở đây đều chưa có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra thứ 5 do GĐ Sở Y tế Hà Nội dẫn đầu cũng đã kiểm tra 3 cửa hàng thịt chó, một hàng bún đậu, miến lươn Nghệ An và đã đình chỉ 2 cơ sở do thực phẩm không rõ nguồn gốc, rau sống thì ủ trong khăn bẩn. Thớt chặt thịt chín, sống để lẫn lộn.
Trong cuộc họp giao ban phòng chống tiêu chảy cấp, nhiều đại biểu bày tỏ, vệ sinh an toàn thực phẩm tại Hà Nội càng đáng báo động sau kết quả kiểm tra dù chỉ trong một ngày của 5 đoàn chuyên ngành. Nhiều người đau khổ thốt lên, hàng quán Hà Nội, đụng đâu bẩn đó.
Sử dụng phân tươi tưới rau ngay tại Hà Nội
Tại phường Quảng An, khi đoàn kiểm tra đến vùng trồng rau, thấy bà con “tập kết” phân tươi vào những hố đào sẵn, rồi sử dụng dần cho việc tưới rau, từ cà chua, rau cải, rau sống… đến hoa loa kèn cũng được “tắm đẫm” bằng phân tươi.
Ông Đáng cho biết, đoàn đã lấy mẫu rau và hoa để xét nghiệm. Theo kết quả ban đầu, có một mẫu nước tại bể ở cánh đồng Quảng An mà người nông dân dùng để nhúng rau trước khi đem bán nghi ngờ có vi khuẩn tả.
Đoàn đã đề nghị chính quyền địa phương cần xử lý triệt để, chấm dứt tình trạng tưới rau bằng phân tươi, nhưng những người đại diện này cho rằng, điều đó vượt qua quyền hạn của họ.
Trước tình hình ATVSTP rất đáng báo động tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn chỉ đạo, các đoàn cần tập trung kiểm tra các nơi đang có diễn biến phức tạp về bệnh nhân. Đồng thời sẽ hoạt động trên địa bàn rộng hơn là các vùng lân cận, chứ không riêng gì Hà Nội. Song song với việc đảm bảo an toàn thực phẩm, cần đẩy mạnh công tác khử khuẩn, vệ sinh môi trường. Mùa mưa đang tới rất gần, nếu xử lý không triệt để ổ dịch, mưa ngập, vi khuẩn tả sẽ lây lan ra nguồn nước, tràn ra khắp nơi. Khi đó, việc khống chế dịch càng khó khăn hơn.
Hồng Hải