1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Kinh hãi con đường nắng bụi mưa lầy

(Dân trí) - Từ sau Tết Nguyên đán 2017 đến nay, người dân trên tuyến đường ĐT 609B qua địa bàn huyện Đại Lộc khốn khổ bởi tình trạng xe quá tải, quá khổ băm nát đường, kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm nặng nề bởi khói bụi do hoạt động vận chuyển cát, vật liệu xây dựng.

Có đi qua đoạn đường này mới thấy sự chịu đựng “kiên cường” của người dân sống hai bên đường. Từ sáng đến tối, trời mưa thì bùn lầy, còn nắng nóng thì bụi tung mù mịt.

​Ổ voi xuất hiện trên tuyến đường mỗi khi trời mưa
​Ổ voi xuất hiện trên tuyến đường mỗi khi trời mưa

Đường ĐT 609B kéo dài từ ngã ba xã Đại Hiệp lên thị trấn Ái Nghĩa chỉ khoảng 10km nhưng đoạn “hành dân” nặng nhất là đoạn từ chợ Đại Hiệp lên đến UBND xã Đại Hiệp. Đoạn này chỉ có khoảng 4km nhưng tất cả loại xe qua lại chỗ này phải “bò”.

Ông Bùi Văn Tâm (thôn Phú Trung, xã Đại Hiệp) chia sẻ: “Đường ở khu vực này hẹp, nhiều đoạn cua ngặt, lại xuống cấp, toàn là ổ voi ổ gà, xe tải quá khổ chạy nhanh vượt ẩu khiến người và phương tiện qua lại đây và người dân sống hai bên đường hết sức khổ sở, bất an”.

Người dân khổ sở khi đi trên tuyến đường này
Người dân khổ sở khi đi trên tuyến đường này

Ông Tâm cho hay, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra; nhiều vụ trong số đó do người điều khiển phương tiện tự té ngã phải đi cấp cứu, nhất là đoạn đường vắng và vào ban đêm.

Một người dân khác sống trên đoạn đường này là ông Lê Văn H. bức xúc: “Từ trước tết đến nay, dân chúng tôi sống khổ sở, không ai dám ra đường vì bụi, nhà cửa dù đã gắn rèm hai ba lớp song vẫn không ngăn được bụi. Một hai ngày thì không hề hấn gì, nhưng cứ sống riết với bụi thì chắc ai nấy cũng bệnh tật hết. Tội nhất là trẻ con, lũ trẻ phải gánh chịu thảm họa này”.


Xe tải nặng lưu thông trên tuyến đường này hàng ngày

Xe tải nặng lưu thông trên tuyến đường này hàng ngày

Chủ một tiệm sửa điện thoại trên tuyến đường này cũng bức xúc không kém: “Lúc trước ô nhiễm quá, dân có ra ngăn cản, cấm không cho xe chở cát qua lại và yêu cầu khắc phục về môi trường, song rồi đâu cũng lại vào đấy. Giờ ai cũng quá mệt rồi.

Còn chị Lê Thị Châu (thôn Phú Trung) không giấu nỗi bức xúc khi cơ sở may của chị hằng ngày đều vướng bụi bẩn, nền nhà phủ đầy bụi sau khi quét sạch, áo quần màu trắng trở thành màu vàng sẫm khi mỗi lượt xe đi qua khiến khách phiền hà. “Tôi không muốn làm ăn, ở đây nữa, kiểu này thì có chết thôi. Cuộc sống của người dân ở đây là cả đời, chứ đâu phải ngày một ngày hai gì đâu”, chị Châu nói.

Bụi mịt mù kéo theo sau xe tải khiến người dân chịu không nổi
Bụi mịt mù kéo theo sau xe tải khiến người dân chịu không nổi

Bức xúc nhất là những người buôn bán đồ ăn sáng trên tuyến đường này. Từ ngày con đường này xuống cấp nắng bụi mưa lầy, công việc buôn bán ế ẩm vì khách sợ không dám ăn. Dù nhiều hàng quán đóng kín cửa nhưng bụi vẫn phủ đầy bàn, bám vào dụng cụ ăn uống, bay vào thức ăn…

Theo người dân, sở dĩ gần đây lưu lượng, mật độ của phương tiện trên tuyến ĐT 609B, trở nên đông đúc là do nhiều phương tiện cố tình “né” trạm cân đặt trên QL14B. Lúc nào trạm cân không được đặt trên QL14B thì xe tải mới ít lưu thông ở tuyến đường này.

Nhiều người kiến nghị ngành chức năng cần triển khai lắp đặt trạm cân tại khu vực ngã ba Đại Hiệp, vừa giúp kiểm soát tải trọng trên tuyến QL14B, vừa kiểm soát tải trọng của tuyến ĐT 609 và ĐT 609B, tránh tình trạng “né” trạm cân một cách hợp pháp như vừa qua.

Tuyến đường “hành dân” ĐT609B

Đi trên tuyến ĐT 609B qua xã Đại Hiệp này nhiều lần, chúng tôi chứng kiến cả đoàn xe tải lớn chở đất đá di chuyển qua lại, dù các xe có đậy bạt song vẫn làm rơi vãi cát, đất khiến con đường này trải thảm bụi mù mịt.

Trao đổi với PV Dân trí về con đường đau khổ này, Chủ tịch xã Đại Hiệp – bà Nguyễn Thị Hồng – cho biết, qua tiếp xúc cử tri, xã kiến nghị huyện để kiến nghị lên tỉnh nhưng do kinh phí khó khăn nên đến năm 2018 mới đầu tư tuyến đường này. Hiện tại do lưu lượng xe lưu thông quá nhiều nên cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

“Do đường hư hỏng quá nặng, dân phản ảnh quá nên xã cũng huy động kinh phí để vá nhưng đâu lại vào đấy”, bà Hồng nói.

Công Bính