1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TPHCM:

Kiến nghị xây thêm cầu vượt tại ngã tư Thủ Đức

(Dân trí) - Cho rằng lưu lượng xe lưu thông quá lớn và tải trọng vượt mức cho phép khiến mặt bê tông bị trồi nhựa, tạo rãnh sâu gây mất an toàn giao thông, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 kiến nghị xây thêm cầu vượt song song với cầu vượt thép Thủ Đức hiện hữu.

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên xa lộ Hà Nội, đoạn qua ngã tư Thủ Đức, TPHCM lần đầu tiên cho xây dựng cầu vượt bằng thép. Tháng 1/2013, cầu vượt thép Thủ Đức được đưa vào khai thác. Cầu được thiết kế 4 làn xe chia thành 2 chiều lưu thông, mỗi chiều 2 làn xe. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, cầu vượt thép Thủ Đức thường xuyên xảy ra hiện trạng mặt bê tông bị trồi nhựa.

cauvuot1-3b095
Đoạn giữa cầu vượt thép Thủ Đức bị xuống cấp nghiêm trọng do lưu lượng xe quá lớn (ảnh Quốc Anh)

Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 2, vào tháng 8/2014, cây cầu được đưa vào công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Trong quá trình khai thác thì phát hiện có hiện trạng bị trồi nhựa ở đường vào cầu, đặc biệt là cầu thép hướng từ TPHCM đi Biên Hòa, chiều ngược lại thì vẫn khai thác bình thường.

Để khắc phục sự cố, tháng 12/2014, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đã xử lý tạm bằng cách cho xe cào bằng phần bê tông bị trồi nhựa (cả đường vào cầu phía TPHCM và Đồng Nai). Tiếp đó, đến tháng 5/2015, tiếp tục cho cào phần đường vào cầu phía TPHCM.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân trí ngày 4/8, đoạn từ đầu cầu lên giữa cầu vượt thép Thủ Đức bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Mặt bê tông bị trồi nhựa, nhiều chỗ lún sâu tạo thành rãnh khiến các phương tiện qua đây phải chật vật “vượt ải” và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Xe tải chở đầy hàng, xe container liên tục chao đảo, lắc lư mà phía dưới cầu là hàng ngàn phương tiện đang lưu thông nên một khi xảy ra sự cố, tai nạn thì hậu quả khôn lường.

cauvuot2-199bb
Mặt bê tông bị trồi nhựa tạo thành những rãnh sâu rất nguy hiểm (ảnh Lê Nhiên)

Về nguyên nhân mặt bê tông bị trồi nhựa, Khu Quản lý giao thông số 2 cho rằng chủ yếu là thời điểm nắng nóng, do lưu lượng xe quá lớn (mà hầu hết là xe đầu kéo vận chuyển hàng hóa từ các cảng lưu thông qua cầu), mật độ xe cao chỉ lưu thông chủ yếu 1 làn đường bên phải dẫn đến tải trọng dồn hết lên làn đường này làm kết cấu mặt bê tông nhựa bị phá hoại.

Cụ thể, do phân luồng trên xa lộ Hà Nội có 4 làn xe ô tô, chỉ cho xe tải nặng đi 2 làn giữa và khi gần lên cầu (cách cầu khoảng 200 m) thì chỉ còn 3 làn, trong đó 2 làn xe lên cầu và 1 làn xe di chuyển dưới cầu. Tuy nhiên, các xe tải nặng rất ít di chuyển qua làn bên trái để lên cầu mà chỉ chọn làn bên phải nên dẫn đến tình trạng trồi nhựa ở làn đường này. Quá trình theo dõi cho thấy mặt bê tông bị trồi nhựa từ 1 – 3 cm.

Trước mắt, để đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện tham giao lưu thông trên cầu, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 tiếp tục cho cào bằng phần bê tông nhựa bị trồi. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu đưa ra phương án xử lý triệt để tình trạng này vào tháng 10/2015.

Về lâu dài, để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu với lưu lượng xe quá lớn như hiện nay, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 kiến nghị Sở GTVT TP cho phép đầu tư xây thêm công trình cầu vượt song song với cầu vượt thép Thủ Đức hiện hữu để tăng số làn xe từ 4 làn như hiện nay thành 8 làn xe nhằm đồng bộ với trục xa lộ Hà Nội.

Quốc Anh

xahoi-ca949

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm