Kiến nghị thu phí trở lại tại BOT Cai Lậy với giá vé thấp nhất cả nước
(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa kiến nghị Chính phủ cho phép thu phí trở lại đối với Dự án BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang). Sau khi giảm giá, mức thu tại trạm này thấp nhất trên toàn tuyến quốc lộ 1, phạm vi miễn giảm giá cho các phương tiện cũng lớn nhất so với các trạm trên cả nước.
Nguy cơ phát sinh nợ xấu!
Bộ GTVT nêu rõ đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu các phương án và phối hợp với địa phương, các Bộ, ngành để báo cáo thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý bất cập tại trạm Cai Lậy, việc đảm bảo an ninh trật tự tại trạm Cai Lậy. Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã triển khai cơ bản đầy đủ các công việc cần thiết để triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trở lại tại trạm Cai Lậy.
Theo Bộ GTVT, đến thời điểm hiện tại, dự án đã phải dừng thu gần 2 năm, nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và ngân hàng cho vay vốn lo ngại về khả năng thu hồi vốn. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Văn bản 2566 ngày 9/4/2019 về khả năng phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, phát sinh nợ xấu và đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến thu phí.
“Để sớm giải quyết các khó khăn của dự án, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án theo hình thức hợp đồng BOT, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT báo cáo Phó Thủ tướng trường trực Trương Hòa Bình cho phép triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Cai Lậy theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến.” - Bộ GTVT kiến nghị.
Trong gần 2 năm Dự án BOT Cai Lậy tạm dừng thu phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết đã cùng các Bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và nhà đầu tư tích cực để tìm hướng xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho dự án. Trong đó, Bộ GTVT đã nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng nhiều giải pháp, sau đó lấy ý kiến thống nhất của các Bộ, ngành, địa phương, để hoàn chỉnh phương án trình Chính phủ quyết định.
Giữ trạm, giảm phí thấp nhất cả nước
Bộ GTVT cho biết, Dự án BOT Cai Lậy đã được Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Thanh tra Bộ GTVT, đặc biệt là Kiểm toán Nhà nước tiến hành thanh tra, kiểm toán toàn diện. Trong các kết luận thanh tra, kiểm toán, các cơ quan có thẩm quyền đều đánh giá dự án BOT Cai Lậy triển khai thực hiện đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ quy định của pháp luật. Dự án đầu tư bằng hình thức BOT là cần thiết và phù hợp với quy định hiện hành, công trình mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế - xã hội.
Các cơ quan thanh tra, kiểm toán cũng xác định, phương án đầu tư ban đầu của dự án không thay đổi và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Trạm thu phí của dự án đặt vị trí hiện nay nằm trong phạm vi đầu tư của công trình và đã được sự chấp thuận của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai đầu tư.
Đặc biệt, kể từ khi BOT Cai Lậy buộc phải tạm dừng thu phí, thường trực Chính phủ đã tổ chức 3 phiên họp (ngày 8/12/2017, 23/4/2018 và 8/11/2018) để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho dự án. Cuối cùng, trên cơ sở thống nhất của các Bộ, ngành, địa phương và các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức chốt phương án xử lý cho BOT Cai Lậy.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT triển khai theo phương án giữ nguyên trạm Cai Lậy như hiện nay và thực hiện miễn giảm giá vé cho các phương tiện. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan triển khai đảm bảo giao thông thông suốt trên toàn tuyến của dự án…
Về việc miễn giảm giá vé theo chỉ đạo của Thủ tướng, trên cơ sở thống nhất của địa phương và nhà đầu tư, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận giảm giá chung cho các phương tiện và mở rộng vùng miễn giảm giá dịch vụ cho các phương tiện lân cận. Mức phí tại dự án được giảm tối đa cho tất cả phương tiện qua trạm (xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, tương ứng giảm 57%...).
“Sau khi giảm giá, mức thu tại trạm BOT Cai Lậy thấp nhất trên toàn tuyến quốc lộ 1. Đặc biệt, phạm vi miễn giảm giá cho các phương tiện lân cận trạm thu phí Cai Lậy cũng lớn nhất so với các trạm thu phí khác trên cả nước hiện nay với 41 xã, phường, thị trấn được miễn, giảm giá.” - Bộ GTVT cho biết.
Liên quan đến công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, Bộ GTVT và nhà đầu tư đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan của Bộ Công an xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự khi trạm Cai Lậy hoạt động trở lại.
Dự án Xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường Km1987+560-Km2014+000, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT, được khởi công năm 2014 và hoàn thành năm 2017, tổng mức hơn 1.398 tỷ đồng.
Dự án bao gồm 26,5km tăng cường nền, mặt đường; sửa chữa, gia cường công trình cầu; xây dựng bổ sung, khơi thông hệ thống thoát nước dọc trên quốc lộ 1 hiện hữu và xây dựng mới 12km đường tránh thị trấn Cai Lậy đạt quy mô đường cấp III - Đồng bằng.
Châu Như Quỳnh