Kiến nghị lùi thời hạn xử phạt xe “không sang tên đổi chủ”
(Dân trí) - Hiệp hội Vận tải Hà Nội vừa kiến nghị Bộ Công an lùi thời hạn xử phạt xe không sang tên đổi chủ nhằm tránh gây bức xúc cho người dân. Theo Hiệp hội này, phải hài hòa trong việc xử lý và coi việc “phạt, thu, giữ” là chế tài bất đắc dĩ.
Sẽ rất khó xử phạt đối với xe máy
Riêng đối với xe máy, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng, sẽ rất khó để xử phạt vì điều kiện lịch sử để lại.
“Trước kia Hà nội từng cấm người dân ở các quận nội thành mua xe máy mới, trong khi đó người dân ở các tỉnh đưa xe về Hà Nội làm ăn nên số lượng xe rất nhiều.” - ông Liên dẫn giải.
Đối với ô tô, phương tiện có giá trị là tài sản lớn, theo ông Liên, Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với nhau thực hiên bằng giải pháp quản lý khi chủ xe đưa phương tiện đến trạm Kiểm định để khám lưu hành định kỳ nên yêu cầu các chủ xe mang theo các loại giấy tờ cụ thể: Đối với xe mang chủ sở hữu Doanh nghiệp khi khám xe phải có giấy giới thiệu của Doanh nghiệp là chủ sở hữu; xe sở hữu tư nhân, khi khám xe phải mang theo CMTND hoặc sổ Hộ khẩu chủ sở hữu; xe có kinh doanh phải có giấy giới thiệu và Bản sao ĐKKD của Doanh nghiệp chủ sở hữu.
“Thực hiện giải pháp trên chỉ trong vòng một chu kỳ khám xe, hầu hết các xe sẽ được chuyển sang chính chủ (vì các xe không chính chủ rất khó có các giấy tờ của chủ sở hữu).” - ông Liên khẳng định.
Đối với những xe được các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có báo cáo đến Cục Đăng kiểm về những chủ xe cố tình không sang tên đổi chủ, Hiệp hội này đề nghị Cục Đăng kiểm tạm giữ sổ Kiểm định cho đến khi hoàn thành thủ tục sang tên đổi chủ và đề nghị cơ quan Công an xử phạt xong mới khám xe.
Theo ông Liên, Bộ Công an cần xây dựng quy trình cho đăng ký xe thông thoáng nhất để người dân dễ thực hiện như: cần có biểu mẫu kê khai cam kết tại chính quyền địa phương nơi người dân cư trú...
Người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị Bộ Công an xem xét lùi thời gian xử phạt sau khi đã tuyên truyền rộng rãi cho người dân, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện, đồng thời tiên lượng những trường hợp bất khả kháng để có hướng dẫn chi tiết hơn, hết sức tránh những điều gây bức xúc cho người dân nhằm ổn định chính trị - xã hội.
“Cổ nhân có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, các cơ quan nhà nước nên xem xét trách nhiệm của mình đã để hiện tượng trên kéo dài để thông cảm với người dân, có biện pháp hài hòa, phải coi việc: “phạt, thu, giữ” là chế tài bất đắc dĩ.” - ông Liên nhấn mạnh.
Quỳnh Anh