Kiến nghị Hà Nội sớm triển khai nhà hát Opera ở Quảng An
(Dân trí) - Quận Tây Hồ kiến nghị Hà Nội sớm triển khai thực hiện 3 dự án trọng điểm trên địa bàn quận, trong đó có Nhà hát Opera tại khu vực Đầm Trị và khu văn hóa đa năng Quảng An.
Đề xuất trên được UBND quận Tây Hồ đưa ra tại buổi làm việc ngày 11/1 giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Quận ủy Tây Hồ, về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020-2023, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo.
Nhấn mạnh trên địa bàn quận có 3 dự án trọng điểm gồm Bệnh viện Tim cơ sở 2, dự án Nhà hát Opera và khu văn hóa đa năng Quảng An, dự án cầu Tứ Liên, quận Tây Hồ đề nghị thành phố sớm triển khai thực hiện 3 dự án trên để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của quận trong thời gian tới…
Ngoài đề xuất trên, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến nêu thêm nhiều nhóm kiến nghị khác.
Trong đó, quận Tây Hồ đề xuất Hà Nội cho phép quận đầu tư các dự án thuộc phân cấp của thành phố như: Xây dựng tuyến đường ngoài đê sông Hồng trên địa bàn quận; xây dựng tuyến đường Nguyễn Hoàng Tôn, tuyến đường từ Lạc Long Quân đến Cống Đõ (phường Bưởi).
Địa phương cũng kiến nghị được cấp thành phố giao thực hiện dự án xây dựng Khu nhà tái định cư tại X1 (phường Phú Thượng) với 828 căn hộ; giải phóng mặt bằng và làm chủ đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư đối với ô đất CT4 thuộc Khu tái định cư Xuân La.
Cùng với đó, quận đề nghị được hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường hồ Tây.
Nhấn mạnh phải coi hồ Tây là tiềm năng, giá trị cốt lõi để phát triển, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu đội ngũ lãnh đạo quận cần có "khát vọng, tầm nhìn", từ đó đưa ra được kiến nghị có tầm khu vực, quốc tế.
Ông Thanh yêu cầu sớm thành lập Ban quản lý hồ Tây với đề án phát triển nghiêm túc, bài bản.
Theo đó để phát triển không gian văn hóa hồ Tây cả về cả tâm linh, môi trường, mua sắm, gắn với văn hóa, lãnh đạo Hà Nội cho biết phải có cách làm đồng bộ, bài bản, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường nước, hạ tầng khu vực hồ, các tuyến giao thông kết nối...
Ông Thanh gợi ý quận có thể nghiên cứu phương án xây dựng những khu phố điển hình để người dân có thể hoán đổi, chia lại không gian sống, tổ chức lại trật tự đô thị, từ đó tạo không gian mới, người dân được tham gia vào quá trình phát triển đô thị.
"Thành phố sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để quận triển khai thực hiện", ông Thanh nói.
"Phải giữ được hồ Tây đúng nghĩa báu vật quốc gia"
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến lưu ý để khai thác hồ Tây và khu vực bãi sông Hồng sau khi đã có quy hoạch hai bên sông, quận cần sớm triển khai một số dự án.
Trong đó, bà Tuyến đề cập các dự án như tuyến đường ngoài đê sông Hồng trên địa bàn quận, góp phần giải quyết ách tắc trên tuyến Âu Cơ; dự án nhà hát Opera tại khu Đầm Trị, khu văn hóa đa năng Quảng An để nâng cao giá trị khu vực hồ Tây.
Phó Bí thư Hà Nội cũng đề xuất thành phố sớm có chủ trương cho phép các địa phương triển khai khai thác khu vực bãi giữa sông Hồng khi đã có quy hoạch hai bờ sông Hồng. Các chợ dân sinh tại quận cũng cần sớm được đầu tư để đồng bộ với cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại.
Cùng với đó, quận cần đầu tư xây dựng không gian văn hóa phố đi bộ Trịnh Công Sơn để tổ chức các sự kiện của thành phố và quốc gia; tiếp tục nghiên cứu mở rộng không gian phát triển quận, đưa Tây Hồ trở thành quận trung tâm của thành phố.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị thời gian tới, quận Tây Hồ phải giữ gìn, khơi thông được giá trị hồ Tây và khu vực xung quanh, coi đây là nguồn lực và phát triển bền vững.
Trong đó, ông Dũng yêu cầu quận xây dựng đề án tổng thể, đồng bộ với sự tham gia của sở, ngành để chung tay giải quyết các vấn đề về môi trường, hạ tầng, cảnh quan và "phải giữ được hồ Tây cho đúng nghĩa là báu vật quốc gia".