Hải Phòng:
Kiến nghị điều tra lại vụ cưỡng chế đầm tôm của gia đình ông Vươn
(Dân trí) - Cho rằng bản kết luận điều tra của CQĐT - CATP Hải Phòng còn bỏ lọt tội phạm, chưa đúng người đúng tội, Liên Chi hội NTTS nước lợ huyện Tiên Lãng đã làm đơn kiến nghị gửi VKSND TP Hải Phòng để đề nghị điều tra lại vụ án.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1887/Vu-cuong-che-dam-tom-gay-nhieu-tranh-cai-tai-Hai-Phong.htm'><b> >> Vụ cưỡng chế đầm tôm gây nhiều tranh cãi tại Hải Phòng</b></a>
Trong khi đó, CQĐT kết luận hành vi của Lê Văn Hiền - nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng tiếp tục điều tra làm rõ. Đối với ông Bùi Thế Nghĩa - Bí thư huyện ủy huyện Tiên Lãng, tài liệu điều tra chưa đủ căn cứ chứng minh có hành vi phạm tội hủy hoại tài sản nên không khởi tố điều tra.
Không đồng tình với bản kết luận này, ngày 21/12, Liên Chi hội NTTSNL huyện Tiên Lãng đã làm đơn kiến nghị gửi Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hải Phòng đề nghị xem xét nghiên cứu trả lại hồ sơ để CQĐT Công an TP Hải Phòng tiến hành điều tra lại vụ việc một cách khách quan, toàn diện, đúng pháp luật không bỏ lọt tội phạm.
Theo quan điểm của Liên Chi hội, Cơ quan CSĐT đã làm rõ các đối tượng trực tiếp huỷ hoại tài sản nhà ông Vươn, ông Quý nhưng không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong kết luận, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã xác định được 19 người trực tiếp tham gia trong vụ phá nhà ông Đoàn Văn Vươn và ông Đoàn Văn Quý gây hậu quả nghiêm trọng gồm các ông Nguyễn Quốc Hiểu, Lê Văn Mải, Hoàng Đăng Chinh, Nguyễn Quốc Toản, Ngô Ngọc Khánh, Bùi Đặng Nga, Phạm Văn Học, Vũ Văn Hè, Lê Xuân Hữu, Lưu Trọng Hân, Phạm Huy Dũng, Vũ Văn Tuyền, Đoàn Văn Bừng, Đặng Văn Dũng. Tuy nhiên, bản kết luận điều tra cho rằng những người này là người thi hành nhiệm vụ nên không đủ căn cứ chứng minh có hành vi phạm tội nên không đề nghị truy tố mà chỉ đề nghị xử lí hành chính.
Cùng với đó, bước đầu, Cơ quan CSĐT đã điều tra đối với các đối tượng chủ mưu nhưng chưa xử lí hình sự với các đối tượng này. Theo quan điểm của Liên chi hội, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hải Phòng quy kết ông Nguyễn Văn Khanh phải chịu trách nhiệm toàn bộ về hành vi tổ chức và thực hiện việc huỷ hoại tải sản là hoàn toàn không chính xác. Bởi ông Khanh không ban hành quyết định thu hồi và cưỡng chế đất của ông Vươn và hàng trăm hộ khác tại huyện Tiên Lãng.
Theo Liên chi hội NTTS nước lợ huyện Tiên Lãng, Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng chưa khép các đối tượng về tội cướp tài sản là hoàn toàn không phù hợp với diễn biến vụ án đã xảy ra. Đối chiếu với diễn biến vụ cưỡng chế trái pháp luật ngày 5/1/2012 tại đầm ông Đoàn Văn Vươn, tất cả sự chuẩn bị về công cụ và kế hoạch để đập, đốt, phá và tiến hành cướp tài sản của gia đình ông Vươn đẩy gia đình ông Vươn lâm vào tình trạng không thể chống cự được.
Từ đó, Liên Chi hội NTTS nước lợ huyện Tiên Lãng đưa ra quan điểm và kiến nghị: Thứ nhất, kết luận ông Nguyễn Văn Khanh chịu trách nhiệm toàn bộ về hành vi tổ chức và thực hiện việc huỷ hoại tài sản là không chính xác. Thứ hai, việc không truy cứu trách nhiệm hình sự với Ban chỉ đạo cưỡng chế về việc họ đồng phạm, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là bỏ lọt tội phạm. Thứ ba, không truy cứu trách nhiệm hình sự với những đối tượng trực tiếp đốt, phá, cướp tài sản của gia đình ông Vươn là tiếp tục bỏ lọt tội phạm.
Cuối cùng, việc không truy cứu trách nhiệm hình sự với ông Bùi Thế Nghĩa, Lê Văn Hiền vì các đối tượng này là chủ mưu đã chỉ đạo Hội đồng cưỡng chế gây hậu quả nghiêm trọng là một điều không thể chấp nhận được. “Kết luận như vậy, theo chúng tôi là không khách quan, cố tình bao che không truy cứu trách nhiệm hình sự với kẻ phạm tội”, đơn kiến nghị của Liên chi hội NTTS khẳng định.
Theo bản cáo trạng, tại CQĐT, ông Nguyễn Văn Khanh khai nhận việc hủy hoại tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn hoàn toàn thừa lệnh của Bí thư và Chủ tịch UBND huyện khi đó. Theo lời ông Khanh, ngày 28/11, ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, chủ trì họp công bố quyết định thành lập ban chỉ đạo cưỡng chế phân công ông Khanh làm trưởng ban chỉ đạo trong khi ông Khanh vắng mặt trong cuộc họp. Sau đó, ông Khanh chỉ được ông Lê Văn Hiền trao đổi lại là ban chỉ đạo không phải lập kế hoạch cưỡng chế mà chỉ cần ra thông báo về việc phân công nhiệm vụ cho thành viên ban chỉ đạo và lực lượng tham gia cưỡng chế thu hồi đầm.
Ông Khanh không thừa nhận việc ra lệnh, chỉ đạo lực lượng cưỡng chế và không giao cho UBND xã Vinh Quang phá dỡ lều, nhà trông đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý.
Tuy nhiên, theo KLĐT, lời khai của 19 người trực tiếp tham gia tháo dỡ lều, nhà trông đầm của ông Vươn đều xác định Nguyễn Văn Khanh trực tiếp chỉ đạo và tham gia phá dỡ nhà. Căn cứ vào những tài liệu chứng cứ thu thập được có đủ căn cứ chứng minh Nguyễn Văn Khanh có hành vi hủy hoại tài sản của gia đình ông Vươn và Nguyễn Văn Khanh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành vi tổ chức và hủy hoại tài sản.
Trái ngược với lời khai của ông Khanh, ông Nghĩa và ông Hiền phủ nhận không có việc này. Những người có mặt tại cuộc hội ý cũng không thừa nhận nghe thấy ông Nghĩa, ông Hiền chỉ đạo phá nhà 2 tầng.
Ông Hiền chỉ khai đã ký quyết định số 4322/QĐ-UBND ngày 30/12/2011 trưng dụng 102 cán bộ tham gia cưỡng chế. Ngày 5/1,với trách nhiệm là Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, ông Hiền có mặt tại hiện trường nhưng không kiểm tra, phát hiện kịp thời ngăn chặn việc phá dỡ nhà trông đầm của Ban chỉ đạo cưỡng chế.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Anh Thế - Quốc Đô