Kiến nghị cơ chế “xử” cán bộ ký ban hành văn bản trái luật

(Dân trí) - Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ xem xét, xác lập cơ chế hiệu quả trong việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức tham mưu soạn thảo, thẩm định, trình, thông qua và ký ban hành văn bản trái pháp luật.

Kiến nghị cơ chế “xử” cán bộ ký ban hành văn bản trái luật

Năm 2014, sau khi Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật “tuýt còi”, Cục Nghệ thuật biểu diễn mới gỡ bỏ lệnh cấm diễn đối với hoa hậu Diễm Hương.

Đó là một trong những kiến nghị mạnh mẽ của Bộ Tư pháp trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2014.

Theo Bộ Tư pháp, công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ, ngành, địa phương. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh phải xử lý kịp thời và triệt để các văn bản có nội dung trái pháp luật đã được xác định, đặc biệt là các văn bản có liên quan trực tiếp, ảnh hưởng lớn đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức.

Tuy nhiên qua tự kiểm tra, các Bộ, cơ quan ngang Bộ (bao gồm cả Bộ Tư pháp) và địa phương đã phát hiện được 6.872 văn bản vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010 (cấp Bộ: 12 văn bản; địa phương: 6.860 văn bản). Ngoài ra, trên cơ sở văn bản do các cơ quan ban hành gửi đến, các Bộ, cơ quan ngang Bộ (bao gồm cả Bộ Tư pháp) và địa phương đã kiểm tra và phát 1.642 văn bản sai về thẩm quyền ban hành và nội dung (trong đó có 293 văn bản của cấp Bộ; 1.349 văn bản của địa phương) và 5.482 văn bản quy phạm pháp luật sai sót về hiệu lực văn bản, căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan.

Chính vì thế, Bộ Tư pháp đã kiến nghị Chính phủ xem xét, xác lập cơ chế hiệu quả trong việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, công chức tham mưu soạn thảo, thẩm định, trình, thông qua và ký ban hành văn bản trái pháp luật. Đồng thời xử lý đối với cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hoặc xử lý không đúng quy định pháp luật đối với văn bản trái pháp luật đã được phát hiện.

Ngoài ra cần đẩy mạnh công tác rà soát văn bản, ngay khi có căn cứ rà soát, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản mới, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. “Chú trọng kiểm tra văn bản theo một số chuyên đề thuộc những lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhiều bức xúc, có tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân và tổ chức, cần quan tâm giải quyết như: Đất đai; quản lý khai thác khoáng sản; phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại; thuế, hải quan.... Chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt trong việc tự kiểm tra, xử lý kịp thời, triệt để và đúng quy định đối với các văn bản đã được kiểm tra, phát hiện trái pháp luật; đề cao tính chịu trách nhiệm của cá nhân, cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật”- Bộ Tư pháp đề nghị.

Đáng chú ý, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ ngành, địa phương phải theo sát dư luận, phản biện xã hội về tình hình ban hành, thực thi văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin, báo chí để cung cấp cũng như tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin về văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.

Trong năm 2014, từ các nguồn thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc do cơ quan, tổ chức, công dân phản ánh, Bộ Tư pháp đã triển khai kiểm tra, phát hiện rất nhiều nội dung không phù hợp với quy định pháp luật của nhiều văn bản được dư luận xã hội quan tâm để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Điển hình như: Thông tư số 04/2013 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2010 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp; Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy; Thông tư số 01/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp; Quyết định số 1726/2014 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc ban hành Quy chế quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá; Công văn số 131/2014 của Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tạm dừng cho phép hoa hậu Lưu Thị Diễm Hương tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu; Công văn số 1747 ngày 14/5/2014 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc hỗ trợ sử dụng xi măng sản xuất trên địa bàn tỉnh để xây dựng các công trình bê tông hóa mặt đường giao thông nông thôn; Công văn số 5290 ngày 28/7/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc chung tay góp sức hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm bia sản xuất trên địa bàn tỉnh...

Thế Kha