1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Kiến nghị bỏ án tử hình đối với người già từ 70 tuổi trở lên

(Dân trí) - Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) cần bỏ án tử hình đối với người già từ 70 tuổi trở lên vì hiện nay đã có quy định không tử hình đối với phụ nữ có thai, trẻ em, nhưng lại chưa có quy định đối với những phạm nhân già yếu (trên 70 tuổi).

Đó là kiến nghị nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các chuyên gia pháp lý tại Hội nghị khu vực phía Nam đóng góp ý vào dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 23/9.

Không bỏ án tử hình với kẻ gieo cái chết trắng

Các ý kiến tại Hội thảo đồng ý với chủ trương bỏ tử hình đối với 7 tội danh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình việc bỏ án tử hình đối với hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy.

Ông Trịnh Văn Huy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Phước cho rằng, không nên bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển, tàng trữ ma túy và nên giữ nguyên như Bộ luật Hình sự năm 1999. “Tại Bình Phước thời gian qua chúng tôi ghi nhận quá trình từ trinh sát, theo dõi đến quyết định truy quét bắt được một vụ vận chuyển ma túy là rất khó khăn. Chẳng hạn như các lực lượng thuộc Bộ đội biên phòng phải trinh sát hàng năm trời ở biên giới, rất tốn kém về nhân lực, có thể đổ cả xương máu mới truy quét được các loại tội phạm này”, ông Huy nói.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị trong dự thảo không bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển, tiêu thụ chất ma túy. “Nếu vận chuyển hàng trăm viên thuốc lắc, cũng như số lượng ma túy lớn thì rất nguy hiểm cho cộng đồng. Do đó, không thể bỏ tử hình đối với loại tội phạm này”, đại diện VKS Đồng Tháp nói.

Nhiều ý kiến cho rằng không nên bỏ án tử hình đối với tội phạm về ma túy
Nhiều ý kiến cho rằng không nên bỏ án tử hình đối với tội phạm về ma túy

Cũng theo ý kiến một số Sở ngành các tỉnh Tây Nam bộ, dự thảo nên có quy định về miễn hình phạt tử hình cho người già, trong đó thống nhất quy định 70 tuổi trở lên (căn cứ trên Luật người cao tuổi quy định). Theo đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Tháp, quy định này nhằm hoàn thiện hơn cho Bộ luật Hình sự, bởi vì hiện nay đã có quy định không tử hình đối với phụ nữ có thai, trẻ em, nhưng lại chưa có quy định đối với những phạm nhân già yếu (trên 70 tuổi).

Ông Trịnh Văn Huy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Phước cho rằng dự thảo luật nên quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nên quy định là từ 13 – 15 tuổi; 15 – 17 tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo ông Huy, hiện nay trẻ em ngày càng phát triển về thể chất, trí tuệ. Biểu hiện rõ nhất là có rất nhiều trường hợp trẻ vị thành niên gây án nghiêm trọng trong những năm gần đây. Do đó, cần thiết có điều chỉnh quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Định danh các vi phạm nổi cộm

Bà Phan Quỳnh Giao, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ cho rằng cần phải định danh cho nhóm các hành vi vi phạm nổi cộm, gây nhức nhối dư luận trong những năm gần đây. Điển hình như các vụ việc rải đinh, vật sắc nhọn, đổ hóa chất trên đường gây trơn trượt…

“Tôi cho rằng, đối với những hành vi này cũng cần có chế tài xử lý đủ sức răn đe và cũng nên chăng gom các hành vi này vào nhóm tội “gây cản trở giao thông””, bà Giao đề xuất.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ cũng cho rằng, dự thảo của Bộ luật Hình sự cần cân nhắc về tội danh cho vay nặng lãi. Bởi vì, hành vi này phát sinh trong giao dịch dân sự, do đó ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng mới cần có hình phạt nặng để răn đe (xem xét trách nhiệm hình sự), nhất là các yếu tố như xiết nợ, cho vay nặng lãi từ hai người trở lên và gây hậu quả lớn.

Bà Hoàng Thị Lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ P.Bến Nghé (Q.1, TPHCM) đề nghị xây dựng khung hình phạt nặng hơn đối với các tội danh tham ô, tham nhũng. “Tội tham nhũng cả ngàn tỷ đồng, nộp lại mấy trăm tỷ đồng. Nghĩa là họ còn giữ lại 1/3 số tham nhũng thì vẫn đủ dư giả cả đời, mà tiền này là tiền thuế của dân, nhìn vào dư luận sẽ rất xót xa. Do đó, nên có hướng tăng nặng so với khung hình phạt cũ và không nên bỏ án tử hình đối với các tội danh tham ô, tham nhũng”, bà Lợi nói.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến nay đã nhận được báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của 16 Bộ, ngành, cơ quan trung ương; 39 tỉnh/thành trực thuộc trung ương; 20 cơ quan, tổ chức và 15 cá nhân. Tổng cộng hơn 3 triệu lượt ý kiến của nhân dân đã góp ý cho dự thảo luật, với nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết được ghi nhận vào quá trình sửa đổi bộ luật.

Kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, những góp ý sát sườn của các đại biểu là cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm