1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Kiện ngay Trung Quốc để tránh dính bẫy khiêu khích?

(Dân trí) -“Những động thái gây hấn của Trung Quốc hiện nay có thể gây ra đụng độ, nếu không cẩn thận, bình tĩnh sẽ rất dễ mắc mưu. Cần khởi kiện ngay Trung Quốc về những vấn đề họ cố tình giải thích, áp dụng sai Công ước Luật biển vì động cơ độc chiếm Biển Đông”…

Đấu tranh chống Trung Quốc, cần tỉnh táo, có trái tim nóng nhưng cũng cần cái đầu lạnh.

"Đấu tranh chống Trung Quốc, cần tỉnh táo, có trái tim nóng nhưng cũng cần cái đầu lạnh". 

Tiến sĩ luật Trần Công Trục – nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ nhận định, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế.

Ông Trục phân tích, việc Trung Quốc đặt hạ giàn khoan trái phép và đưa một lượng lớn tàu hộ vệ trong đó có cả tàu quân sự, máy bay yểm trợ là để tổ chức một chiến dịch xâm chiếm chủ quyền trên biển Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã tuyên bố một cách rất rõ ràng, cứng rắn, kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế trên tinh thần thiện chí để giải quyết vấn đề.

Hiện tại, theo ông Trục, dư luận trong nước và quốc tế đang đặt vấn đề nên áp dụng giải pháp nào để ngăn cản bước tiến của Trung Quốc trên hành trình độc chiếm biển Đông một cách nguy hiểm, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lí. Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để Việt Nam tiến hành khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế.

Ông Trục bình luận, đây là cách thức an toàn, phù hợp về mặt thủ tục, nội dung mà Công ước luật biển của Liên Hợp quốc năm 1982 đã quy định. Đó cũng là biện pháp đấu tranh trong hòa bình tốt nhất mà Việt Nam nên làm ở thời điểm này.

Cụ thể, nếu khởi kiện, về thời điểm, chúng ta có thể đặt vấn đề Trung Quốc đã vi phạm trong sự việc đặt giàn khoan lần này hay nên trở lại cả lịch sử xâm phạm chủ quyền trên biển của nước này đối với Việt Nam?

Việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào khu vực biển Đông ở vị trí tọa độ nằm hoàn toàn trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là một cái kế sách của Trung Quốc. Họ muốn cố tình giải thích và áp dụng sai các quy định của Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982 ở chỗ dựa vào tiêu chuẩn xác định hiệu lực của các đảo, quần đảo mà họ nói là họ có chủ quyền nhằm vạch ra một đường cơ sở bao quanh đối với các quần đảo đó. Từ đó họ nhắm đến việc tạo thành một vị trí nhằm mở rộng các vùng biển. Việc Trung Quốc giải thích đặt giàn khoan là “hoạt động bình thường” trên vùng biển thuộc các đảo, quần đảo mà họ tự cho mình có quyền cai quản là vì thế.

Đề cập sự kiện xảy ra tại thời điểm này nhưng phải xác định, đương nhiên chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được xác lập và luôn luôn khẳng định. Vấn đề là Trung Quốc cố tình áp dụng sai quy định Công ước luật biển năm 1982 để xiên xẹo nội dung này.

Như phân tích của ông, nếu lý lẽ của Trung Quốc về chủ quyền trên vùng biển thuộc các đảo, quần đảo là bẻ cong Công ước luật Biển 1982 thì tuyên bố chủ quyền của Việt Nam với tư cách là quốc gia ven biển là đầy đủ, xác đáng?

Theo Công ước luật biển năm 1982, đối với các quốc gia quần đảo, người ta quy định cho phép việc vạch đường cơ sở bao quanh toàn bộ các thành phần của quần đảo, từ đó thiết lập, xác định các vùng biển thuộc quốc gia quần đảo đó. Thế nhưng, dù không phải là một quốc gia quần đảo, Trung Quốc lại vận dụng điều đó vào quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa cũng như các quần đảo khác Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền. Từ đó họ xác định vị trí để mở rộng vùng biển của mình. Đó là chuyện trái với Công ước luật Biển 1982, cần phải xem xét.

Các đảo này, rõ ràng không phải là quốc gia quần đảo mà là các đảo, quần đảo này là các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam với tư cách là “quốc gia ven biển”. Công ước Luật biển không cho phép vận dụng để vạch đường cơ sở bao quanh toàn bộ quần đảo như đối với một quốc gia quần đảo mà chỉ tính đến vị trí của từng đảo một để xác lập đường cơ sở cho từng đảo, từ đó mới tính ra các vùng biển. Hơn nữa, chỉ đảo có điều kiện diện tích đủ lớn, thích hợp cho cuộc sống con người, có đời sống kinh tế riêng thì mới được tính đến việc mở rộng các phạm vi, có các vùng biển như vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế riêng của từng đảo.

Nhưng rõ ràng, các quần đảo trong khu vực này đều hết sức nhỏ bé, thấp và ở trong điều kiện không thuận lợi cho con người sinh sống, không có điều kiện đời sống kinh tế riêng cho nên không thể nào xác định đường cơ sở cũng như xác định các phạm vi vùng biển như ý muốn chủ quan của phía Trung Quốc. Đó là điểm Trung Quốc đã vận dụng, áp dụng sai quy định của Công ước luật biển và chúng ta có thể kiện Trung Quốc về việc vận dụng này để biến vùng biển không có tranh chấp thành vùng tranh chấp.

Trong khối ASEAN, Philippine cũng đã và đang tiến hành kiện Trung Quốc theo hướng này. Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm gì từ việc này, thưa ông?

Câu chuyện của Philippine với ta là tương tự. Vấn đề quan trọng hơn của cả Việt Nam và Philippine là phải triệt ngay dạng đường biên giới “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra khi không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào theo Công ước Luật biển. Họ dùng “đường biên” này để tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo trong biển Đông và viện dẫn, đây là con đường biên giới lịch sử để lại, có trước khi ra đời Công ước.

Trung Quốc cố tình lập luận và giải thích sai rất nguy hiểm như vậy. Vậy nên sự kiện đặt giàn khoan lần này, lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định, đây là một hành động, một bước đi mới cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc để hiện thực hóa yêu sách vô lí của họ trong khu vực biển Đông.

Đó là điều mà chúng ta đã biết và có thể nghiên cứu, khai thác để đơn phương kiện Trung Quốc tới các cơ quan tài phán quốc tế. Tôi khẳng định có thể làm việc đó, tất nhiên sẽ có một số khó khăn có thể lường trước, ví dụ, công tác nghiên cứu chuẩn bị phải rất thận trọng.

Như Philippine, khi kiện Trung Quốc, họ đã tận dụng tất cả các chuyên gia, luật sư để cùng hướng tới vụ kiện. Thậm chí, Philippine còn nhờ đến luật sư của các nước khác như luật sư Mỹ để cùng với luật sư của mình làm việc này, để đảm bảo cả yêu cầu am tường về ngoại ngữ.

Vấn đề nữa là phải có phương án lường trước tất cả những tình huống có thể xảy ra.

Theo thông tin mà tôi được biết, việc kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế cũng đã nằm trong dự kiến của Việt Nam. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói: “Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết và thích hợp để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam”. Việt Nam rất mong muốn giải quyết vấn đề chủ quyền trên biển bằng đàm phán, hòa bình nên việc áp dụng giải pháp khởi kiện ra Tòa án Quốc tế chính là một trong những phương thức giải quyết trong hòa bình. Biện pháp giải quyết thông qua các cơ quan tài phán này cũng rất phổ biến trên thế giới.

Như phân tích của ông thì đây là thời điểm thích hợp để sử dụng biện pháp giải quyết này?

Tôi hy vọng, lúc này là thời điểm thích hợp nhất. Trước đây, chúng ta đã nhiều lần bàn tính và rất kiềm chế vì muốn trước hết phải tiến hành đàm phán, giải quyết song phương, giải quyết giữa những bên có liên quan, để thỏa thuận trước khi đưa vấn đề ra cơ quan tài phán.

Tôi luôn luôn ủng hộ và đề nghị chúng ta phải nhanh chóng tiến hành, sớm kiện Trung Quốc về những vấn đề họ cố tình giải thích, áp dụng sai Công ước Luật biển vì động cơ độc chiếm Biển Đông. Tôi ủng hộ những ý kiến nào cho rằng cần phải kiện Trung Quốc ngay.

Khi chúng ta khởi động việc này có nghĩa chúng ta chủ động vào cuộc và lôi đối phương vào cuộc. Nếu họ không muốn vào cuộc thì quốc tế cũng nhìn nhận, đánh giá được bản chất của vấn đề đúng sai như thế nào, chí ít thì về mặt chính trị, mặt dư luận là có lợi cho chúng ta.

Còn những động thái gây hấn của Trung Quốc hiện nay có thể gây ra đụng độ. Thậm chí, nếu chúng ta xử lý không cẩn thận, không bình tĩnh thì rất dễ mắc mưu của Trung Quốc. Lúc đó, chính Trung Quốc lại la làng lên rằng Việt Nam gây hấn, Việt Nam quân sự hóa vấn đề tranh chấp... Không ít nước đã “dính” vào cái bẫy này.

Cách đấu tranh với Trung Quốc của Việt Nam như hiện nay theo tôi rất chuẩn mực. Đấu tranh với Trung Quốc phải có trái tim nóng nhưng cũng cần phải có cái đầu lạnh.

Tuấn Hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm