Kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ KH&ĐT

Hoài Thu

(Dân trí) - Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiến hành kiểm tra việc thể chế hóa các chủ trương về phòng chống tham nhũng thành pháp luật của Nhà nước tại Bộ KH&ĐT.

Chiều 25/10, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc (Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Đoàn kiểm tra số 1) chủ trì Hội nghị triển khai kế hoạch kiểm tra tại Ban cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thay mặt Đoàn kiểm tra, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học (Phó trưởng Đoàn kiểm tra) công bố kế hoạch, quyết định thành lập Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đoàn Kiểm tra sẽ làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước.

Kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ KHĐT - 1

Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc (Ảnh: TTXVN).

Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng.

"Đây là một trong những khâu then chốt quyết định hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", theo ông Trạc.

Mục đích của cuộc kiểm tra lần này của Ban Chỉ đạo, ông Trạc nhấn mạnh, nhằm đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân trong công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành pháp luật và việc tổ chức thực hiện của các cấp, ngành và địa phương trong phạm vi cả nước.

Kết quả kiểm tra sẽ là cơ sở thực tiễn để Ban Chỉ đạo tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục sơ hở, bất cập, khó khăn, vướng mắc.

Từ đó, ông Trạc cho rằng cần tiếp tục khẩn trương hoàn thiện pháp luật theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, không sơ hở, để "không thể tham nhũng, tiêu cực".

Trưởng ban Nội chính Trung ương lưu ý việc kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nội dung kiểm tra theo kế hoạch, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đấu thầu; giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu thầu; phát triển, quản lý, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước; quản lý tài sản Nhà nước liên quan đến đất đai…