DNews

Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, việc thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới để đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn.

Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước

Sai thì phải sửa, thiếu thì bổ sung, khó thì phải gỡ

Sáng 28/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đã có buổi làm việc với Bộ Dân tộc và Tôn giáo. 

Báo cáo về tình hình, kết quả công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo quý I, Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr cho biết ngày 18/2, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 176/2025/QH15 về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Trong đó, Bộ Dân tộc và Tôn giáo là một trong 17 Bộ, cơ quan ngang Bộ của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Bộ Dân tộc và Tôn giáo được thành lập từ ngày 1/3, trên cơ sở Ủy ban Dân tộc (UBDT) tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ. Ngày 26/2, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

Theo đó, Bộ Dân tộc và Tôn giáo là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực như công tác dân tộc; tín ngưỡng, tôn giáo và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức Bộ Dân tộc và Tôn giáo có 13 vụ, đơn vị; trong đó có 9 đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; 4 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Về tình hình dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo trong quý I, Thứ trưởng Y Vinh Tơr cho biết, tình hình vùng dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản ổn định, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, các hoạt động tôn giáo diễn ra đúng pháp luật; đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được đảm bảo, các vấn đề an sinh, xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện,...

Theo Thứ trưởng Y Vinh Tơr, trong quý I, lãnh đạo Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt các nghị quyết, kết luận,... của Trung ương, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là về công tác tinh gọn tổ chức bộ máy.

Đặc biệt, trong tháng 3, ngay sau khi thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo theo Nghị quyết của Quốc hội, thành lập sở Dân tộc và Tôn giáo theo Nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc với phương châm "chỉ bàn làm, không bàn lùi những việc, nội dung được giao; sai thì phải sửa, thiếu thì bổ sung, khó thì phải gỡ".

Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước - 1

Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương tham mưu trình Bộ ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ,...

Người dân thụ hưởng thành tựu phát triển kinh tế - xã hội

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung, cho biết, Việt Nam là đất nước đa tôn giáo, có 5 tôn giáo lớn, khoảng 27% người dân có đạo. 

Trong những năm qua, các tổ chức tôn giáo, đồng bào tôn giáo, chức sắc giúp việc tuân thủ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, mục tiêu lớn nhất trong vấn đề tôn giáo là đại đoàn kết toàn dân tộc và những vấn đề này có ý nghĩa chiến lược, không chỉ trước mắt mà bền vững, lâu dài và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Chính vì vậy việc thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. 

Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước - 2

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Nguyễn Hải).

"Chúng ta không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội, ổn định môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế và suy đến cùng để làm sao huy động mọi người dân tham gia, thụ hưởng thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận.

Ông cho biết, thời gian qua công tác dân tộc và tôn giáo đạt được nhiều kết quả, thành tựu nhưng cũng có nhiều vấn để phải chăm lo. 

Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đảng, Nhà nước, Chính phủ,... cần ban hành các nghị quyết, chuyên đề về công tác dân tộc trong kỷ nguyên mới; tập trung vào các đề án phát triển dân tộc thiểu số, thể hiện tính nhân văn của Đảng, Nhà nước; xóa đói, giảm nghèo; xóa nhà tạm.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (chương trình 1719), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là chương trình rất lớn với ngân sách đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng.

Trong đó, chương trình giảm nghèo bền vững tập trung vào 74 huyện nghèo trên cả nước nhưng sắp tới không còn cấp huyện nên có thể sẽ phải tích hợp cùng các chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ gây khó khăn trong quá trình triển khai.

Do đó, ông mong muốn Phó Thủ tướng Mai Văn Chính sớm phê duyệt tiếp tục thực hiện các dự án còn lại.

Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước - 3

Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Y Vinh Tơr (Ảnh: Nguyễn Hải).

Về vấn đề tổ chức bộ máy của các địa phương, Bộ trưởng cho biết hiện có 46/63 tỉnh, thành đã thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo. Song có một số địa phương thừa tiêu chí để thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo nhưng lại không thực hiện.

Chính vì vậy, ông mong muốn Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương nếu đủ tiêu chí cần thành lập Sở để đảm bảo các hoạt động về dân tộc, tôn giáo,...

Đối với công tác chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, địa điểm tổ chức diễn ra tại TPHCM - là khu vực có nhiều đồng bào tôn giáo, đông người dân nên sẽ thu hút sự quan tâm của mọi người. 

Do đó, địa phương cần đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự, an toàn vệ sinh cho du khách và phật tử. 

"Đại lễ Phật đản Vesak có ý nghĩa cực kỳ lớn, do đó chúng ta cần phải thực hiện tốt mọi công tác", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước - 4

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Nguyễn Hải).

Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã bắt tay ngay vào công việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính ghi nhận, đánh giá cao các kết quả mà Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã thực hiện trong thời gian qua. 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà Bộ đang gặp phải. 

Ông nhìn nhận, mặc dù mới thành lập thời gian ngắn nhưng Bộ đã bắt tay ngay vào công việc, thực hiện các đề án trọng tâm như các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng nhà cho người có công, xóa nhà tạm, nhà dột nát,... những việc làm này đã góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc, ổn định quốc phòng an ninh, an toàn xã hội. 

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo cũng được Bộ Dân tộc và Tôn giáo triển khai, thực hiện mạnh mẽ. 

"Thay mặt lãnh đạo Chính phủ tôi biểu dương, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng và chúc mừng các kết quả mà Bộ Dân tộc và Tôn giáo đã đạt được trong thời gian qua", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Dân tộc và Tôn giáo trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, lãnh đạo bộ này cần cụ thể hóa, thực hiện các nghị quyết, các kết luận của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo.

Bên cạnh đó, Bộ cũng cần tập trung thực hiện các đề án được giao, đảm bảo chất lượng; thực hiện tốt công tác an sinh, xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo; phối hợp tổ chức tốt Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025,...