1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đồng Nai:

Khuyến khích các công ty xây dựng nhà trẻ

(Dân trí) - Sau 2 vụ việc gây chấn động dư luận, liên quan đến các điểm nuôi dạy trẻ tư nhân ở Đồng Nai vừa qua, sáng 23/1, UBND tỉnh này đã tổ chức cuộc họp bất thường nhằm tìm ra giải pháp củng cố lại hệ thống nuôi dạy trẻ mầm non.

Mỗi ban ngành phải có trách nhiệm cụ thể

 

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh đã phân công trách nhiệm cho từng cấp, ngành cụ thể để giải quyết một cách thấu tình đạt lý vụ “bảo mẫu” Quảng Thị Kim Hoa ngược đãi trẻ em và vụ cháu Đinh Trần Quang Khải tử vong tại nhà trẻ tự phát của bà Tô Thị Phương Lan.

 

Sở Giáo dục và Đào tạo phải rà soát các cơ sở nuôi dạy trẻ trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết, xác định việc phân cấp các cơ sở nuôi giữ trẻ.

 

Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh có trách nhiệm quản lý, phối hợp với các ban ngành xử lý tốt 2 trường hợp đã xảy ra. Ủy ban xem xét và có đề xuất để bảo vệ quyền của bà mẹ và trẻ em trong vấn đề học tập, bảo hộ.

 

Sở Tư pháp có nhiệm vụ tổng rà soát lại các văn bản xem những điều nào còn bất cập và chưa hợp lý để kiến nghị làm sao cho thông suốt.

 

Sở Công an tập trung xử lý 2 vụ việc đúng quy trình và quy định của pháp luật trên cơ sở đầy đủ chứng cứ.

 

UBND TP Biên Hoà phải chấn chỉnh lại các cơ sở nuôi dạy trẻ trên địa bàn, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm 2 vụ việc đã xảy ra. Đồng thời phải phối hợp tuyên truyền làm sao để tránh tình trạng các nhà giữ trẻ nghỉ hàng loạt. Động viên các cơ sở đủ điều kiện và cấp giấy phép cho họ hoạt động. Xử lý nghiêm những cơ sở không đủ điều kiện chăm sóc trẻ em…

 

Trong tháng 1/2008, các ban ngành trong toàn tỉnh phải có trách nhiệm  báo cáo các cơ sở giữ trẻ cho UBND tỉnh để Uỷ ban báo cáo với phó thủ tướng.

 

Giải pháp “chữa cháy” và hướng đi lâu dài

 

Theo Luật Giáo dục quy định, các cơ sở giữ trẻ tư nhân phải có giấy phép do UBND phường, xã cấp sau khi đã được kiểm tra cơ sở vật chất và nhiều điều kiện khác. Cơ sở nuôi giữ trẻ chỉ được nhận trẻ trên 12 tháng tuổi.

 

Đồng Nai hiện có 309 cơ sở nuôi giữ trẻ ngoài công lập, trong đó có 226 cơ sở có giấy phép hoạt động. Tính riêng thành phố Biên Hoà đã có tới 135 cơ sở ngoài công lập, chưa tính các nhóm giữ trẻ tư nhân.

Đồng Nai hiện có 70-80% các công nhân đang làm việc trên địa bàn nhưng có cha mẹ, người thân ở xa. Sau khi sinh con, do không có người chăm sóc, họ thường gửi con vào các điểm trông trẻ tự phát. Nếu bây giờ cấm các nhà trẻ tư nhân không phép, người lao động biết gửi con vào đâu, trong khi vì sự mưu sinh, họ không thể nghỉ ở nhà chăm con?

 

Do vậy, vấn đề đặt ra trước mắt mà chính quyền địa phương phải rà soát ngay các cơ sở nuôi dạy trẻ trên toàn địa bàn tỉnh; cơ sở nào đủ điều kiện thì cấp phép hoạt động. Giải pháp “chữa cháy” trong giai đoạn hiện nay, đối với trẻ từ 4 đến 11 tháng tuổi, là các bà mẹ tự tìm giải pháp làm sao để con mình an toàn mà không mất việc. Có thể, sáng người này trông con cho người kia và ngược lại.

 

Về phần mình, Sở Giáo dục sẽ tiến hành xem xét những cơ sở nào đã đăng ký và được tập huấn, nếu hoạt động tốt sẽ cấp phép, ngược lại sẽ bị đình chỉ. Giám đốc Sở cũng khuyến khích một số cơ sở đã hoạt động tốt cần hoạt động tốt hơn nữa, không nên có tâm trạng hoang mang, lo lắng.

 

Giải pháp lâu dài, theo bác sĩ Huỳnh Cao Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em Đồng Nai - hiện các công ty trên địa bàn có số lượng nữ công nhân chiếm phần lớn. Do vậy, các công ty nên trích một phần phúc lợi làm nhà mẫu giáo cho công ty, để chị em công nhân yên tâm gửi con đi làm.

 

Có 3 cách để xây trường chăm sóc trẻ: các công ty tự xây, nhà nước và công ty cùng làm, các công ty liên kết lại với nhau. Về lâu dài, những cơ sở này sẽ được đưa vào trường công lập hoặc dân lập theo chuẩn giáo dục.

 

Công Quang