Gia Lai:
Khu bảo tồn liên tục bị “đè” ra lập dự án thủy điện
(Dân trí) - Mặc dù luật pháp không cho phép xây dựng thủy điện trong các khu bảo tồn thiên nhiên, nhưng Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Kbang, Gia Lai) lại liên tục bị 4 doanh nghiệp xin khảo sát xây dựng thủy điện.
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng được thành lập từ năm 2004, với tổng diện tích 15.446 ha (số liệu năm 2014), mật độ che phủ rừng là 98,5%, hệ sinh thái của khu bảo tồn được đánh giá đa dạng và phong phú về chủng loại với gần 1.000 loài động, thực vật. Không chỉ vậy, đây là khu bảo tồn thiên nhiên hiếm hoi còn sở hữu nhiều loại gỗ quý cùng nhiều loài động vật được ghi vào sách đỏ, trong đó có 7 loài đang bị đe dọa ở cấp toàn cầu ghi trong sách đỏ thế giới…
Ngoài đa dạng sinh học, Khu bảo tồn Kon Chư Răng còn có rất nhiều cảnh đẹp với hệ thống thác tuyệt đẹp, trong đó có thác 50 cao đến hơn 50m. Vì vậy, phần lớn diện tích trong Khu bảo tồn Kon Chư Răng được xếp vào khu vực cần bảo tồn nghiêm ngặt. Thế nhưng, đã có tới 4 doanh nghiệp luôn “nhăm nhe” xin khảo sát xây dựng thủy điện tại đây.
Năm 2004, Công ty xây lắp Quyết Thắng đã xin khảo sát lập dự án chứa nước thủy điện Sông Liên trên lưu vực suối Say trong khu bảo tồn. Đến năm 2006, Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh xin khảo sát lập dự án xây dựng thủy điện Thượng sông Côn trong khu bảo tồn. Năm 2008, công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức xin khảo sát lập dự án xây dựng thủy điện Sơn Lang 1 và 2. Và đầu năm 2016, Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai tiếp tục xin “đè” Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng để lập dự án xây dựng thủy điện.
Việc Công ty TNHH MTV 30-4 Gia Lai xin lập dự án xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng mới tạm yên dư luận thì mới đây nhất, Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh lại lần thứ 2 “đè” khu bảo tồn này ra để xin khảo sát xây dựng thủy điện.
Tất cả các dự án trên ít nhiều đều ảnh hưởng lớn đến khu bảo tồn, trong đó có 2 dự án của Công ty Quang Đức và Quyết Thắng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới khu bảo tồn. Khi 2 công ty này đều có ý định xây đập thủy điện trên thượng nguồn suối Say; trong đó, công ty Quang Đức xin đặt ngay đập tràn trên đỉnh thác 50, đặt nhà máy dưới lòng hồ…. Tất cả hệ thống dự án thủy điện của doanh nghiệp này đều nằm trong khu bảo tồn nghiêm ngặt. Và nếu dự án này mà thành công, nó sẽ biến suối Say thành dòng suối khô kiệt, cả khu bảo tồn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và có nguy cơ biến mất trong tương lai không xa.
Điều khiến dư luận thắc mắc là, mặc dù luật pháp cấm xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn, nhưng không hiểu vì lý do gì các doanh nghiệp vẫn bất chấp làm trái quy định để xin xây dựng thủy điện ở đây? Và điều khiến nhiều người khó hiểu hơn khi vẫn có cơ quan chức năng cấp phép, đồng ý cho các doanh nghiệp trên lập dự án khảo sát xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn!
Ông Trịnh Viết Ty- Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết, nếu xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn thì đương nhiên sẽ gây nên những hệ quả xấu. Cụ thể:
Trong quá trình thi công thủy điện và tích nước thì sẽ làm ảnh hưởng đến rất nhiều thứ như: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm về mặt không khí, ảnh hưởng tới đời sống động vật vì chúng sẽ không dám về vùng này để ở nữa. Ảnh hưởng đến việc rửa trôi, xói mòi, sụt lở đất. Đất rừng sẽ phải chuyển đổi mục đích đất thành đất thủy điện. Và khi thủy điện thi công sẽ có hàng nghìn người đưa xe, máy móc vào thi công, nên việc lợi dụng để khai thác, săn bắn vận chuyển lâm sản trái phép rất dễ xảy ra… Việc ảnh hưởng này còn kéo dài cho đến khi thủy điện vận hành, đắp đập thì sẽ làm quá trình di cư của 1 số loại cá, khi chúng không vượt qua đập được sẽ làm tuyệt chủng các loại cá này; ngoài ra, việc đắp đập sẽ ngăn chặn việc di cư của một số động vật…
Ông Ty cũng thẳng thắn, tuy ông là Giám đốc khu bảo tồn nhưng ông không có thẩm quyền trong việc đồng ý hay không đồng ý trong việc cho phép xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn. Về luật pháp, xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn là sai. Chỉ có 1 dòng suối Say nhưng có đến 4 dự án thủy điện xin xây dựng chồng chéo lên dòng suối này.
Phó GS, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, nói đã là bảo tồn thì không tác động dưới mọi hình thức, không cho phép chuyển đổi một cái gì. Nếu xây dựng thủy điện thì sẽ cắt đứt sinh cảnh trong khu bảo tồn. Xây dựng thủy điện sẽ làm mất rừng vĩnh viễn chứ không có khả năng tái tạo được. Diện tích rừng bị mất không chỉ dừng ở mức dự kiến mà còn lớn hơn do tạo điều kiện lâm tặc vào đó chặt phá, công nhân vô trong ở, chặt cây rừng làm lán trại… Việc chuyển nước sẽ thay đổi sinh thái, thủy văn của vùng hạ lưu.
Đánh giá về việc xây dựng thủy điện hiện nay, PGS, TS Bảo Huy, Khoa Nông lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, thực tế cho thấy ở Việt Nam những năm qua, việc xây dựng thủy điện chủ yếu chạy theo lợi nhuận, nhiều khi bất chấp các tác động của nó. Một thủy điện xây dựng không hợp lý sẽ gây ra việc mất cân bằng thủy văn, gây hạn hán mùa khô, lũ lụt mùa mưa; mất cân bằng sinh học các loài, chuỗi thức ăn của hệ sinh thái tự nhiên gồm sông suối, rừng; Có thể làm biến mất một số loài đặc hữu như cá, động vật, chim, ếch nhái… khác và dần đến suy kiệt rừng, sinh cảnh tự nhiên; làm mất sinh kế, đời sống của hàng triệu cư dân sống dựa vào hệ thủy văn..
“Cho đến nay, thủy điện đã vắt kiệt các dòng sông. Thủy điện xây dựng làm chia cắt, manh mún hệ thống sinh thái, thủy văn. Vì vậy khi làm thủy điện, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm và hết sức thận trọng, không thể làm với mọi giá”, PGS, TS Bảo Huy nói.
Thiên Thư - Trần Linh