Gia Lai:
Làm thủy điện trong khu bảo tồn: Chỉ mất 16ha rừng?
(Dân trí) - Ông Huỳnh An - Phó Ban quản lý dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2, Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn- Sông Hinh, Chủ đầu tư dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 cho biết, nếu xây dựng thì công trình này chỉ làm ảnh hưởng đến 16ha rừng trong khu bảo tồn Kon Chư Răng (Kbang, Gia Lai).
Ông An cho biết, UBND tỉnh Gia Lai không gửi văn bản phản đối xây dựng thủy điện trong khu bảo tồn Kon Chư Răng cho công ty ông, mà ông biết được thông tin từ Văn phòng Chính phủ. Hiện tại phía công ty đang đợi văn bản chỉ đạo từ Văn phòng Chính phủ, rồi sẽ làm việc với Bộ TN-MT, Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT, cùng 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định.
Ông An cho rằng, việc UBND tỉnh Gia Lai nói thủy điện xây dựng sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm ha rừng là không đúng, mà chỉ ảnh hưởng có 16ha, trong đó có 9ha thuộc khu bảo tồn Kon Chư Răng, còn lại là sông suối…
Dự án trên của phía công ty đã được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch, hiện đang lập dự án đầu tư. Phía UBND tỉnh Bình Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho phía công ty. Tuy nhiên, do quá trình lập dự án đầu tư đã không thỏa thuận được với UBND tỉnh Gia Lai, nên dù phía công ty đã có kế hoạch xây dựng từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, quan điểm của huyện ngay từ đầu là không đồng ý xây dựng thủy điện này bởi vì khu vực xây dựng thủy điện là rừng nguyên sinh rất quý, không chỉ vậy, nó còn liên quan đến du lịch và nhiều vấn đề khác.
Trước ý kiến của chủ đầu tư cho rằng, việc xây dựng thủy điện chỉ làm ảnh hưởng đến 16ha rừng, ông Kpă thuyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Công ty nói thế thôi, còn chuyện cụ thể sau này ai biết được. Xin chủ trương… thì nói thế chứ ai đi khảo sát cụ thể đâu”.
Liên quan đến dự án thủy điện trên, trước đó báo Dân trí đã thông tin về việc UBND tỉnh Gia Lai đã có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phản đối, không đồng ý xây dựng thủy điện Vĩnh Sơn 2 tại khu bảo tồn Kon Chư Răng (Kbang, Gia Lai). Dự án thủy điện này nếu xây dựng sẽ gây ngập lòng hồ 265ha rừng trong khu bảo tồn. Không chỉ vậy, việc chuyển nước từ suối Say của tỉnh Gia Lai sang hồ Đăk Kron Bung của tỉnh Bình Định sẽ làm cạn kiệt 10km dòng suối Say vào mùa khô… gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, động thực vật của khu bảo tồn và ảnh hưởng đến môi trường.
Và tỉnh Gia Lai cũng đã lấy dẫn chứng từ thủy điện An Khê- Ka Nak, được xem là “công trình sai lầm thế kỷ”, khi thủy điện này đã lấy nước từ dòng sông Ba chuyển sang sông Côn (Bình Định), khiến cho hàng vạn người dân phía hạ lưu ở tỉnh Gia Lai và Phú Yên bị ảnh hưởng nặng nề, gây bức xúc cho nhân dân.
Thiên Thư