1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Không xây trung tâm thương mại lớn trong phố cổ Hà Nội

(Dân trí) - Theo Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ vừa được UBND thành phố Hà Nội ban hành, khu vực này không được xây dựng tầng hầm và các công trình nhà ở làm tăng dân số, mật độ xây dựng cũng như công trình thương mại.

Khu phố cổ Hà Nội là di tích lịch sử cấp Quốc gia có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn khóa qua các giai đoạn lịch sử. Phần lớn nhà ở phố cổ có tổ chức không gian hình ống, với các lớp công trình có sân trong xen kẽ, có mái dốc lợp ngói.

Cuộc sống gò bó của người dân sống trong khu phố cổ (ảnh Hữu Nghị)
Cuộc sống "gò bó" của người dân sống trong khu phố cổ (ảnh Hữu Nghị)

Dân số khu vực này hiện có khoảng 66.600 người, đến năm 2020 giảm còn khoảng 45.000 người. Chức năng chủ yếu khu phố cổ là thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.

Trong quy định không gian phố cổ nêu rõ không xây dựng tầng hầm (trừ các phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật với điều kiện không ảnh hưởng hoặc tiếp giáp các công trình di tích có giá trị). Các công trình nhà ở mới làm tăng dân số, tăng mật độ xây dựng, tăng chất tải hệ thống giao thông, ảnh hưởng môi trường và các công trình quy mô lớn khác cũng không được xây dựng. Những trung tâm thương mại lớn cũng không được xây dựng.

Hà Nội sẽ dỡ bỏ các chi tiết, kiến trúc cơi nới, lấn chiếm không gian ngoài chỉ giới đường đỏ và các biển hiệu, biển quảng cáo, vật che chắn cũ, bẩn, tạm bợ và trái với quy định của quy chế này.

Diện tích công cộng phục vụ cho hoạt động của cộng đồng dân cư cũng được khai thác tối đa.

Quang Phong