1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc:

“Không vì sức ép mà làm trái điều mình nghĩ”

(Dân trí) - Không chỉ được biết đến là một đại biểu Quốc hội với những lời phát biểu thẳng thắn, có phần gay gắt trước những vấn đề nóng bỏng của xã hội, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc còn được biết đến như một “người của công chúng”.

Người ta có thể thấy ông nghiêm nghị trong nghị trường, trầm ngâm trước những bài viết tranh luận về văn hóa - lịch sử, sôi nổi nói về một bộ phim và cũng có thể gặp ông thanh thản tản bộ trước Hồ Gươm trong một buổi chiều nắng nhạt. Ông là như vậy: Sâu sắc và quyết liệt; gần gũi và thân thiện; giản dị và đời thường.
 
“Không vì sức ép mà làm trái điều mình nghĩ”  - 1

Nhà sử học Dương Trung Quốc

 

“Đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm với lịch sử”

 

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII, ông đã phát biểu khá ấn tượng: "Tôi cho rằng Quốc hội phải công khai danh tính đại biểu khi bấm nút biểu quyết để nhân dân hôm nay và lịch sử ngày mai có thể phán xét hành động của mỗi người". Ông có nghĩ, ý kiến mình đưa ra đã đặt lên vai các nhà chức trách một gánh nặng?

 

Việc công khai danh tính mỗi lần biểu quyết, tôi đã phát biểu tại Quốc hội và đã viết bài đăng báo. Trước Kỳ họp này, trong thư gửi Chủ tịch Quốc hội, tôi lại nêu một lần nữa và nhận được hồi âm của TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Phó VPQH được Chủ tịch QH uỷ quyền trả lời cho rằng việc công khai danh tính khi biểu quyết không phải là một thông lệ bắt buộc. Có nước áp dụng, có nước không (thư đưa ra những dẫn chứng cụ thể). Nhưng quan niệm của tôi, trước hết, đây là hình thức biểu quyết công khai, không phải là "bầu kín" cho nên công khai danh tính sẽ giúp cho cử tri có thể giám sát được những người mình bầu ra và đại biểu QH ý thức được sự giám sát ấy. Chúng ta luôn nhắc đến nguyên lý xây dựng nhà nuớc của Bác Hồ (cũng là một nguyên lý chung đuợc Tổng thống Mỹ Lin-côn nêu lên từ những thế kỷ trước) "của dân, do dân, vì dân", và Đảng thì luôn nhắc đến vai trò "giám sát của nhân dân", thì ta không lẽ gì lại không công khai danh tính để biến một biểu quyết công khai thành "biểu quyết vô nhân xưng"!?

 

Thưa ông, chúng ta đã có tiền lệ này và ở các nước trên thế giới có nước nào công khai danh tính...?

 

Truớc khi tôi là ĐBQH , tôi cũng như các bạn, theo dõi các hoạt động ở QH,  khi chưa ứng dụng công nghệ điện tử, thì mỗi khi biểu quyết bằng cách trả lời câu hỏi của người chủ toạ phiên họp "có" hay "không" thì các đại biểu phải giơ tấm bảng có ghi mã số của mình để chủ toạ đếm và công bố. Trông thì cách rách nhưng lại rất ấn tượng, vì mỗi đại biểu phải công khai thể hiện quan điểm của mình trước mắt mọi người. Bây giờ thì không ai biết quan điểm của ai, tất cả chỉ  biết con số cuối cùng hiển thị trên màn ảnh. Đúng là việc biểu quyết mỗi thời một khác.

 

Về các nước, ví  dụ ở Anh, Hạ viện vẫn giữ tập quán từ nhiều trăm năm: "yes" thì đi ra theo cửa bên này, "no" thì đi ra bên cửa kia. Ra ngoài, các nghị sĩ còn phải ký vào cuốn sổ để ở hành lang, cho phép cử tri muốn vào xem lúc nào cũng được. Hàng trăm năm sau ai cũng có thể biết được danh tính một nghị sĩ nào đó, tại một phiên họp nào đó đã bày tỏ chính kiến của mình như thế nào trong cuộc biểu quyết về vấn đề nào đó. Nói cách khác là mỗi đại biểu không chỉ có trách nhiệm trong nhiệm kỳ của mình mà còn với lịch sử.

 

Số đông chưa hẳn là chân lý

 

Những ý kiến của ông trước Quốc hội thường đứng về số đông người dân để lên tiếng. Tuy nhiên, có một câu chuyện khác, lại đi ngược lại. Đó là chuyện về bộ phim Đường tới thành Thăng Long bị dừng phát sóng. Vào thời điểm có nhiều người phản ứng, ông lại có bài bênh vực. Trên không ít những diễn đàn mạng, đã có những ý kiến phản biện gay gắt với bài viết của ông, ông có biết điều này?

 

Tôi không nghĩ trong mọi quyết định, mình đã đứng về số đông lên tiếng mà tôi chỉ cảm thấy điều mình nói được số đông ủng hộ. Còn về nguyên lý, tất nhiên, người đại biểu QH phải nói lên được tiếng nói của nhân dân. Khả năng nắm bắt được tâm nguyện người dân là một năng lực cần có của đại biểu QH; nhưng "số đông" như khái niệm của bạn chưa hẳn là "nhân dân", trừ khi đã qua một cuộc trưng cầu dân ý. Và số đông đó được thể hiện như thế nào, trên mạng ư? Số đông là một định lượng đáng quan tâm nhưng số đông chưa hẳn là chân lý. Biểu quyết ở QH chẳng hạn, nguyên tắc "đa số thắng thiểu số" hiện áp dụng phổ biến mặc dàu người ta biết rằng trong không ít trường hợp ý kiến của đa số không phải lúc nào cũng đúng. Chỉ có thời gian mới kiểm chứng được điều đó mà thôi. Đương nhiên, chúng ta phải chấp nhận một thực tế ấy để từng bước mà tiến lên.

 

Còn về câu chuyện bộ phim?

 

Nếu bạn là người cùng nghề với tôi thì chúng ta phải xác định rằng những ý kiến liên quan đến bộ phim này đươc thể hiện vào thời điểm mà hầu như những người tham gia thảo luận chưa hề được xem phim. Nói chính xác, bộ phim này không những chưa được công chiếu mà ngay khâu duyệt phim cũng đang tiến hành. Cũng như mọi bộ phim khác nó còn phải được chữa và phải sau khi kết thúc công đoạn này, nó mới được gọi là bộ phim hoàn chỉnh, để được phép chiếu rồi dư luận mới góp ý khen chê. Bản thân tôi cũng chưa xem mà chỉ muốn trao đổi với một số ý kiến phê phán những người làm phim về hai phương diện: Vua ta có nên sử dụng trang phục Tàu không? Và ta có nên làm phim tại Trung Quốc không?

 

Ông có nhận được phản hồi từ bạn đọc của "Lao Động Cuối Tuần", nơi ông đăng bài báo đó?

 

Tôi giữ chân trang "Nghỉ ngơi cuối tuần" của tờ báo này đã gần 4 năm và luôn nói với người phụ trách cho tôi biết mọi ý kiến phản hồi để tôi sẵn sàng trao đổi với ý kiến khác mình, xin lỗi hay đính chính nếu mình có sai sót. Nhưng đến nay, tôi chưa nhận được một ý kiến trao đổi nào liên quan đến bài báo này. Tôi cũng theo dõi trên các cơ quan ngôn luận (viết và mạng)  thấy có những  ý kiến khác mình nhưng chưa thấy ai có ý kiến trao đổi với mình. Nếu chị phát hiện cho tôi biết, tôi sẽ sẵn lòng trao đổi một cách chân thành. Nhưng, tôi nhắc lại, vào thời điểm này thì tôi không bàn về bộ phim mà chỉ có thể bàn về quan điểm làm phim lịch sử mà thôi. Còn trên mạng thì vô cùng.... Vả lại, chúng ta đều mong hướng tới những giá trị dân chủ. Chấp nhận sự khác biệt, tranh luận bằng những lý lẽ để thuyết phục lẫn nhau trên tinh thần tôn trọng nhau chính là dân chủ. Còn khi đã vượt quá giới hạn... không còn giữ được sự tôn trọng lẫn nhau thì tôi không còn quan tâm nữa.

 

Có ý kiến bình luận, ông đã "dung túng" cho một bộ phim sai sự thật lịch sử?

 

Bộ phim ấy đã ra mắt đâu mà "dung túng"? Vả lại, tôi có phải là thành viên tham gia làm phim hay hội  đồng kiểm duyệt đâu mà "dung túng". Bình luận là việc của mỗi người, còn đối với ý kiến trên mạng thì làm sao mà nghe cho hết, nghĩ cho hết và thoả mãn cho hết. Nếu như chị đọc mạng rồi trao đổi với tôi theo quan điểm của chị thì tôi sẵn sàng. Tôi chưa hiểu khái niệm "có ý kiến bình luận" là ai?

 

Khi ông cho rằng: "Nhưng cũng có một cách ứng xử khác là họ có gì ta cũng có nấy. Họ có hoàng đế thì  ta cũng "Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư". Hoàng đế của họ đội mũ bình thiên thì  vua ta, đế ta cũng đội mũ bình thiên", theo nhiều ý kiến, đó là cách bị đồng hóa dễ dàng nhất, đơn giản nhất. Ông phản hồi như thế nào với những ý kiến trên?

 

Tôi nhắc lại "nhiều người là ai"? Tôi chỉ có thể trả  lời cho người đối thoại với mình, làm sao có thể  trao đổi với "nhiều người" vô danh tính. Còn với câu hỏi e rằng mặc đồ Tàu là bị đồng hoá thì thử hỏi ông cha ta hàng ngàn năm dùng chữ Hán là ngôn ngữ viết mà có bị đồng hoá hay không? Hay chính bằng những chữ Hán ấy mà ta đã nêu cao cái thông điệp "Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư..." còn biết bao nhiêu áng văn tiêu biểu cho tinh thần tự chủ dân tộc viết bằng chữ Hán? Có cả một thế hệ học tiếng Tây, sang bên Tây, ăn mặc Tây mà lại là những người chống Tây quyết liệt nhất. Chị có mặc áo mớ ba, mớ bẩy hay vẫn ưa xài đồ hiệu của thiên hạ... có phải vì thế mà chúng ta bị đồng hoá hay khôn? Các nhà lãnh đạo của ta nay đang mặc gì? Ngay cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc bây giờ cũng không cón khoác bộ cánh "Tôn Trung Sơn" nữa thì nên hiểu thế nào? Tuy nhiên, mỗi người có cách nghĩ riêng, cách lo riêng thì cứ để họ lo nghĩ theo cách của mình, hy vọng thực tế sẽ làm chúng ta tìm thấy sự đồng thuận.

 

"Ai có thể toàn bích được!"

 

Cách nói mạnh mẽ, quyết liệt, trong mọi vấn  đề, có thể là điểm mạnh, cũng có thể  là một điểm yếu. Với ông, đó là điểm mạnh hay điểm yếu?

 

Không hề có vấn đề mạnh hay yếu trong lối nói. Tôi không bao giờ phải đưa lên bàn cân sự lợi hay hại khi bày tỏ quan điểm của mình. Tôi chỉ cân nhắc kỹ  những điều mình định nói và chịu trách nhiệm về điều mình nói. Nói đúng điều mình nghĩ bằng một cách nói dễ hiểu để người khác không hiểu sai ý mình là điều tôi quan tâm. Mạnh mẽ hay quyết liệt là do mọi người cảm nhận. Tôi đặc biệt cẩn trọng khi nói (phê phán) về người khác với cái nguyên lý các cụ đã dạy: "Tiên trách kỷ hậu trách nhân".

 

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc luôn thẳng thắn, quyết liệt trước Quốc hội, trước những cái chưa làm được, trước những cái sai của Quốc hội và Chính phủ. Vậy nếu bản thân có những sai sót, ông sẽ "xử lý" như thế nào?

 

Đương nhiên nếu sai thì phải sửa, vì điều đó trước hết có lợi cho mình. Ai có thể toàn bích được! Nhưng để nhận thức về đúng-sai thì phải có chính kiến, tôn trọng dư luận nhưng không chỉ vì sức ép của ai mà hành xử khác điều mình nghĩ. Những lúc cần đến sự suy nghĩ thì im lặng là cần thiết.

 

Hiền Hương (thực hiện)