1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Không thể tiếp tục tình trạng lương thưởng mập mờ”

(Dân trí) - “Lương tối thiểu để đóng BHXH thực tế đang quá thấp, dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm. Không thể tiếp tục để tình trạng lương thưởng mập mờ, phần mềm cao hơn phần cứng như thế này” - Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội - ông Bùi Sỹ Lợi - nói.

Ngày 24/9, UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị giới thiệu Bộ Luật Lao động (sửa đổi - chính thức có hiệu lực từ 1/5/2013) và Luật Công đoàn.

Chỉ quản được 30% thị trường lao động
 
Hội nghị này mở đầu quá trình đưa luật mới vào thực thi.
Hội nghị này mở đầu quá trình đưa luật mới vào thực thi.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, quá tình xây dựng, thẩm tra Bộ luật Lao động sửa đổi, UB đặc biệt quan tâm đến vấn đề tiền lương theo quan điểm là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường và có sự quản lý của nhà nước. Vai trò của nhà nước thể hiện thông qua việc đưa ra các quy định nhằm hỗ trợ cho tiền lương được thực hiện hợp lý, bình đẳng và công bằng. Định kỳ, nhà nước công bố tiền lương tối thiểu nhằm xây dựng mức sàn tối thiểu bền vững để bảo vệ nhóm lao động yếu thế, dễ tổn thương.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi thừa nhận, thực chất lần sửa đổi này cũng chỉ điều chỉnh được 30% lực lượng trong thị trường lao động (tương đương 15 triệu người). Trong khi Bộ luật áp dụng từ năm 1994 đến nay chỉ “khoanh vùng” được 7-8 triệu lao động.

Đề cập đến nội dung quy định về tiền lương, ông Lợi nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện luật lao động hiện hành, có đến 95% các cuộc đình công đều vì vấn đề tiền lương nhưng 90% khó giải quyết vì tổ chức không đúng quy định. Mức lương tối thiểu hiện được dùng làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động nhưng thực tế mức lương này quá thấp, không đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ Bảo hiểm xã hội.

“Không thể tiếp tục để tình trạng lương thưởng mập mờ, phần mềm cao hơn phần cứng như thế này” - ông Lợi nêu quan điểm.

Quy định về tiền lương tối thiểu trong luật mới, ông Lợi phân tích, là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Cơ chế xác định tiền lương tối thiểu vùng theo cơ chế ba bên là Hội đồng tiền lương quốc gia.

Phó Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra dự án luật giải thích, Hội đồng tiền lương quốc gia cơ bản là ban tư vấn cho Chính phủ để từng thời điểm định được mức lương tối thiểu phù hợp.

Sẽ quy định chi tiết về nghề giúp việc

Ghi nhận điểm đổi mới này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân chia sẻ: “Hội đồng tiền lương quốc gia khi chính thức “nhận nhiệm” từ năm 2014 sẽ giúp Chính phủ đỡ áp lực hơn trong việc điều hành chính sách tiền lương tối thiểu. Công việc này hiện tại rất khó khăn, Chính phủ luôn phải đối diện với nghịch lý người sử dụng lao động thì muốn kìm giữ lương này ở mức thấp trong khi công đoàn, người lao động lại luôn muốn một mức cao hơn.

Lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu thời gian qua đều được đẩy sớm hơn dự kiến. Nhưng ông Huân cũng phán đoán, do tình hình khó khăn, năm 2013 tới, mức điều chỉnh lương tối thiểu chắc chắn phải thấp hơn.

Tuy nhiên, đề cập đến những công việc phải làm trước mắt để đưa những quy định mới vào thực tế, Thứ trưởng LĐ-TB&XH than nhiều nỗi khó.

Quốc hội nêu yêu cầu đối với 25 vấn đề phải ra được nghị định hướng dẫn thi hành để luật có thể triển khai. Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH phải xây dựng 11 Nghị định trong số đó. Các nội dung cơ bản là về dịch vụ việc làm, quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam, quy định chi tiết về hợp đồng lao động với nhóm lao động là người giúp việc gia đình, lao động đặc thù như thuê giám đốc, thuê lại lao động, lao động bán thời gian…

Dù tình thực thực tế “vướng” nhiều điểm, ông Huân khẳng định, Bộ LĐ-TB&XH cũng như Chính phủ đặt quyết tâm cao, đến tháng 12 năm nay phải hoàn thành ít nhất 2 nghị định, số còn lại cũng sẽ xong trong tháng 1/2013.

Đại diện đến từ Tổ chức lao động quốc tế (ILO, bà Sandra Polaski - Giám đốc điều hành khối Đối thoại xã hội) đánh giá, cơ quan soạn thảo, thẩm định Bộ luật đã đang phải giải quyết một chương trình đầy tham vọng, nhằm hướng tới thông qua luật Việc làm, làm tiếp luật Bảo hiểm xã hội, Luật về tiền lương tối thiểu…

“Bộ luật Lao động sửa đổi sẽ tạo ra tầm ảnh hưởng tích cực trong quan hệ lao động về việc thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia, với tư cách là cơ quan chủ đạo trong việc ấn định tiền lương tối thiểu. Với quy định này, người sử dụng lao động và công đoàn cũng có trách nhiệm trực tiếp trong việc ấn định mức lương tối thiểu. Điều này sẽ giúp các đối tác xã hội trở nên tích cực hơn trong việc tham gia điều chỉnh thị trường” – bà Sandra nhận định.

Bộ luật cũng được đại diện ILO đánh giá cao trong việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với nhóm lao động giúp việc gia đình và lao động làm việc không trọn thời gian. Lần đầu tiên, các quy định về cho thuê lại lao động cũng được xây dựng. Bà Sandra cho rằng, đây là những sáng kiến quan trọng và thực tế đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tiên phong trong các nền kinh tế mới nổi có quy định điều chỉnh về những vấn đề này.
 

Bộ luật Lao động sửa đổi được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp thứ 3 thay thế cho Luật Lao động cũ (đã qua 3 lần sửa đổi). So với Bộ luật Lao động hiện hành, Bộ luật Lao động sửa đổi gồm 17 chương, 242 điều và đã kịp thời điều chỉnh để phù hợp với thực tế thị trường lao động và quan hệ lao động hiện nay. Nội dung chủ yếu tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện một số quy định như: Hợp đồng lao động và những vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động; tiền lương và tiền lương tối thiểu; thương lượng tập thể; bổ sung một số quy định mới về thỏa ước lao động tập thể ngành… Bộ luật Lao động sửa đổi đồng thời cũng mở ra khả năng chính thức ghi nhận các mối quan hệ lao động thực tế giữa chủ lao động và người lao động dù hai bên có ký hợp đồng lao động hay không.

Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng được thông qua tại kỳ họp thứ 3. Luật Công đoàn sửa đổi gồm 6 chương, 33 điều, tăng 2 chương và 14 điều so với Luật Công đoàn năm 1990 và có nhiều nội dung mới được quy định chặt chẽ hơn, như: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn; thừa nhận và tạo điều kiện để Công đoàn cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật… góp phần phát triển quan hệ lao động lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Luật Công đoàn sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

P.Thảo