1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Không thể tái hiện sự kiện lịch sử trên con đường gốm sứ”

(Dân trí) - Tác giả của ý tưởng con đường gốm sứ, Nguyễn Thu Thuỷ, cho rằng không nên tái hiện các trận đánh lịch sử với các nhân vật phức tạp trên con đường này vì đây là nghệ thuật công cộng...

Thời gian qua đã có không ít bài báo phê bình những khía cạnh khác nhau của con đường gốm sứ, thưa chị?

Thực ra những chỉ trích tập trung nhiều vào chuyện logo. Chúng tôi tiếp thu những góp ý đó và sẽ chỉnh sửa lại các logo cho phù hợp với tổng thể bức tranh, không phá vỡ bố cục bức tranh… Còn về chất lượng nghệ thuật của con đường chúng tôi cảm thấy yên tâm.

Chúng tôi có cả một hội đồng nghệ thuật gồm các họa sĩ đầu ngành và họ đã thẩm định trước khi gắn gốm sứ lên bức tường. Rất nhiều quỹ nghệ thuật chuyên nghiệp tham gia tài trợ và họ đều có hội đồng nghệ thuật để thẩm định dự án trước khi tài trợ.

Chúng tôi rất tự hào khi nhiều quỹ nghệ thuật, các đại sứ quán, các bạn nghệ sĩ quốc tế đã tham gia… Nếu là một dự án không chất lượng thì làm sao lại thu hút rất nhiều người muốn tham gia như vậy.

Rất nhiều người đã đặt ra vấn đề, tại sao con đường không tái hiện các sự kiện lịch sử, chẳng hạn những trận đánh từng diễn ra trên đất Thăng Long?

Hạn chế của bức tường trên đường đê này là không cao và chia thành 2 bậc nên rất khó thể hiện được tranh lịch sử có nhân vật. Hơn nữa, khi họp Hội đồng nghệ thuật để bắt đầu triển khai dự án, tất cả các thành viên trong hội đồng đều nhất trí không nên tái hiện các trận đánh lịch sử với các nhân vật phức tạp vì nghệ thuật công cộng không phải là bức tranh ở trong bảo tàng để mọi người có thể đứng lâu, ngắm kĩ.

Nhưng nói rằng không thể tái hiện các trận đánh lịch sử vì tường thấp sẽ có những ý kiến “bẻ lại” là tại sao chúng ta không tái hiện theo chiều ngang hoặc tại sao chúng ta không nâng cao bức tường lên để có thể thực hiện điều này?

Ở không gian công cộng như thế này không nên gây mất tập trung giao thông bằng những bức tranh quá phức tạp, quá cầu kì mà chỉ nên làm tranh trang trí mang tính nhẹ nhàng. Hơn nữa, những bức tranh lịch sử phải có bố cục, phải có xa gần… trong khi với chiều dài đê chạy dài như thế này mà làm một bức tranh liên hoàn như thế sẽ rất phức tạp.
“Không thể tái hiện sự kiện lịch sử trên con đường gốm sứ” - 1
Tác giả của ý tưởng bên một đoạn tranh được thể hiện từ bức vẽ của các em nhỏ

Bức tường cũng không thể xây cao hơn được nữa, bởi chúng tôi xây thêm 60cm như hiện nay, nhiều người đã “kêu” rồi. Còn nữa, khi nâng cao thành đê thêm 60cm như hiện tại chúng tôi đã tính toán là bức tranh đủ vừa tầm mắt, không gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.

Với chiều dài và độ cao của đoạn tường trên đê như thế chỉ nên là tranh trang trí.

Không có sự kiện lịch sử với những nhân vật cụ thể, tính tiếp nối của dòng chảy lịch sử thể hiện trên con đường này như thế nào?

Trước đây nhiều người hay theo lối mòn, tái hiện lịch sử là phải có tượng đài, có nhân vật, nhưng chính những điều này thường gây tranh cãi nhiều khi thực hiện…

Dự án của chúng tôi với chiều dài, độ cao hạn chế như thế, việc tái hiện lịch sử bằng họa tiết hoa văn là lí tưởng nhất. Ngôn ngữ của các họa tiết hoa văn tự nói lên dấu ấn văn hóa, nghệ thuật và đời sống tinh thần của mỗi thời đại… Chính các họa tiết hoa văn đã mang thông điệp lịch sử trong đó.

Đã có những người tỏ ra hoài nghi tính kết nối, tính tổng thể của con đường gốm sứ. Quá trình thực hiện dự án liệu có hiện tượng chắp vá, có đến đâu làm đến đó hoặc làm theo hướng của các nhà tài trợ không?

Chúng tôi có một bản qui hoạch đã được hội đồng nghệ thuật và UBND TP phê duyệt từ tháng 3/2009 nên khi các nhà tài trợ tham gia vào đoạn nào cũng phải tuân theo bản qui hoạch tổng thể đó.

Bản qui hoạch là kết quả làm việc hơn một năm trời của tập thể các nghệ sĩ, nhà điêu khắc và bản qui hoạch này đã phân chia ra thành các trường đoạn rất chi tiết. Ví dụ như đoạn A1 tái hiện lại họa tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua Lý - Trần - Lê - Nguyễn, đoạn A2 là hoa văn trên thổ cẩm và trang trí kiến trúc của 54 dân tộc anh em, A3 là thanh thiếu nhi Việt nam và quốc tế với  chủ đề “Em yêu Hà Nội, thành phố vì hòa bình”, A4 là tranh gốm đương đại của các họa sĩ Việt Nam và quốc tế…

Ở đây không phải vừa làm vừa sáng tác mà đã có một ý tưởng được sắp đặt và bây giờ chỉ có chuyển thể sang chất liệu gốm, gắn lên tường đê.  

Liệu công trình có đứng vững được với thời gian hay không cũng là câu hỏi khiến nhiều người băn khoăn. Chị đánh giá như thế nào về độ bền của công trình và chị hi vọng công trình của mình sẽ tồn tại bao lâu?

Chất liệu gốm dùng để làm con đường này được nung ở nhiệt độ trên 1.200 độ C sẽ bền vững với thời gian, màu men không bị phai mờ, không bị rêu mốc và đặc biệt, với chất liệu gốm này, trời mưa sẽ sạch như mới. Keo gắn kết ở đây được sản xuất theo công nghệ hiện đại, thường được dùng gắn những tấm đá lớn tại những công trình 20 - 30 tầng…
“Không thể tái hiện sự kiện lịch sử trên con đường gốm sứ” - 2

Tôi nghĩ là công trình tồn tại ít nhất 100 năm nữa trong tình trạng còn mới. Còn tuổi thọ, công trình có thể trụ được hàng ngàn năm.

Từ thực tiễn gắn bó hàng ngày với công trình đang thực hiện, chị đánh giá công trình có tác động như thế nào đến người đi đường?

Cách đây hơn 2 năm khi dự án vẫn trên giấy tờ, đi trên con đê này là một dải xi măng màu đen, nhiều chỗ bị bôi bẩn, vẽ bậy trông rất mất mỹ quan… Khi đoạn tranh gốm đầu tiên được thực hiện trên đường Yên Phụ, tôi nhận thấy ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân tốt lên đáng kể. Họ thấy vui và tự hào vì có bức tranh ở gần nhà. Có nhiều đôi uyên ương đã ra đây chụp ảnh cưới.

Rất mừng khi cả quá trình triển khai dự án như thế, khung cảnh thay đổi dần dần và các nghệ sĩ được khích lệ rất nhiều vì công chúng đến xem, động viên, khen ngợi. Thậm chí, khi đang làm ở đoạn gần cửa khẩu Tân Ấp, có người dân ở dốc Bác Cổ hỏi, bao giờ dự án đến chỗ họ. Có vẻ như họ đã “ghen tị” với khu đã được gắn tranh gốm rồi…

Xin cảm ơn chị!

Cấn Cường (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm