“Không thể khắc phục triệt để lỗi kỹ thuật của tiền polymer”
Hôm qua (8/10), ông Nguyễn Văn Chu, nguyên Phó xưởng trưởng Xưởng chế bản, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng, Trưởng ban Thanh tra nhân dân Nhà máy in tiền Quốc gia, cho biết: những lỗi kỹ thuật của tiền polymer được phát hiện gần đây sẽ không thể khắc phục được một cách triệt để, bởi nó liên quan đến bản chất công nghệ in polymer.
Theo ông Chu, “ngay hãng bán các máy móc in tiền polymer cho Việt Nam trước đây cũng đã khuyến cáo chúng ta không nên sử dụng công nghệ này để in tiền”.
Một vấn đề khác quan trọng hơn, theo ông Chu, tất cả các mẫu tiền polymer hiện nay, ngoại trừ hai mẫu 10.000 đồng và 20.000 đồng được chế bản tại Việt Nam, còn lại đều được làm chế bản tại nhà máy in tiền của Australia.
Tất cả các dữ liệu liên quan đến mẫu mã tiền của Việt Nam đều làm trên các máy móc ở đó, cái chúng ta cầm về chỉ là bản phim chế bản của tờ tiền. Trong khi đó, đối với tiền cotton, bản khắc đồng mẫu tiền là duy nhất nên khi đã sở hữu rồi thì đảm bảo sẽ không có cái thứ hai.
Ngoài ra, theo thông tin từ một chuyên gia trong lĩnh vực in tiền, giấy polymer nhập về để in tiền đã từng có lẫn cả giấy không đảm bảo yếu tố chống làm giả. Trong khi đó, theo thiết kế, yếu tố này đã được đưa vào các tờ tiền polymer có mệnh giá từ 50.000 đồng trở lên.
Cụ thể, với các tờ tiền này, thông thường khi ta đưa mắt nhìn thật sát cửa sổ đồng tiền và nhìn thẳng vào một nguồn sáng, ta sẽ thấy các màu sắc của quang phổ phát ra xung quanh nguồn sáng này. Đó là tờ tiền thật và bảo đảm chất lượng. Chính nhờ đặc tính này, người ta có thể sử dụng để phát hiện nhanh tiền giả bằng mắt thường, khi chỉ cần bật một que diêm lên nhìn ô cửa sổ của tờ tiền và thấy bảy sắc cầu vồng hiện lên (do ánh sáng bị khúc xạ khi đi qua các hoa văn được thiết kế ở đây).
Tuy nhiên, theo chuyên gia trên, trong quá trình mua giấy polymer về, cơ sở in tiền đã phát hiện có những tờ giấy có phần cửa sổ bị lỗi, không tạo ra quang phổ như vậy.
Theo H.Y
Sài Gòn Giải Phóng