1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

"Không thể kéo dài mãi việc chắp vá cầu Long Biên"

Thế Hưng

(Dân trí) - "Cầu Long Biên rất cần có dự án tổng thể để gia cố, nâng cấp, không thể kéo dài mãi việc sửa chữa chắp vá, nhỏ lẻ như hiện tại", ông Bùi Khắc Điệp - Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT - nói.

Mỗi ngày "gánh" hàng chục nghìn lượt phương tiện

Ngày 8/6, tại cuộc tọa đàm "Ứng xử thế nào với cầu Long Biên?", ông Nguyễn Quốc Vượng - Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải, đơn vị trực tiếp quản lý, duy tu, bảo trì cầu Long Biên - cho biết: "Sau hơn 120 năm sử dụng, cầu Long Biên được xếp vào loại cầu yếu nhưng hàng ngày vẫn gánh trên mình hàng chục nghìn lượt phương tiện qua lại, trong đó có cả tàu hỏa, xe máy, xe đạp, người đi bộ".

Theo ông Vượng, trong tháng 5 vừa qua đã xảy ra 2 vụ sập tấm đan trên lối đi dành cho người đi bộ và mặt đường bộ dành cho xe máy, xe thô sơ lưu thông, nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Các sự cố xảy ra là những cảnh báo quan trọng, đòi hỏi một phương án dài hơi cho cầu Long Biên, không thể kéo dài tình trạng duy tu nhỏ giọt, hỏng đâu sửa đó như hiện nay.

Ông Vượng cho biết, nhằm khắc phục thực trạng cầu yếu, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hạn chế tốc độ cho tàu qua cầu Long Biên là 15km/h (trước đây là 25-30km/h) cũng như cắm biển cấm ô tô, cấm xe máy thồ, xe đạp thồ lưu thông qua cầu từ 5h-20h hàng ngày.

Không thể kéo dài mãi việc chắp vá cầu Long Biên - 1

Cầu Long Biên đã hơn 120 năm tuổi (Ảnh: Thế Hưng).

Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải thông tin, kinh phí bảo trì cầu Long Biên những năm gần đây đã được chú trọng, năm sau tăng hơn năm trước. Riêng năm 2022, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dành nguồn kinh phí 9,7 tỷ đồng cho việc bảo trì cầu Long Biên, trong đó phần duy tu đường sắt hơn 7 tỷ đồng, phần bảo vệ và tuần cầu đảm bảo ATGT 1,3 tỷ đồng, phần đường bộ 400 triệu đồng...

"Số kinh phí này chỉ đảm bảo được việc thay các thanh tà vẹt gỗ bị mục nát, các thanh ray bị cong vênh, cạo gỉ các dầm cầu, lan can và sửa chữa các ổ gà trên đường bộ cũng như thay các tấm đan bị hư hỏng; chỉ đáp ứng được 35-40% so với yêu cầu định mức kinh tế kỹ thuật tính đúng, tính đủ" - ông Vượng nói và bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, ngoài kinh phí sửa chữa thường xuyên sẽ bố trí thêm các dự án sửa chữa định kỳ cho cầu Long Biên. 

Ông Bùi Khắc Điệp - Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT - cho biết, sau khi xảy ra những sự cố trên cầu Long Biên thời gian gần đây, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, khẩn trương sửa chữa ngay những hư hỏng; giao Tổng công ty trong năm nay kiểm định tổng thể cây cầu, đề xuất những hạng mục cần sửa chữa, quy mô, nguồn vốn và lộ trình sửa chữa cầu Long Biên.

Cũng theo ông Điệp, Bộ GTVT đang báo cáo các cấp thẩm quyền để bố trí vốn triển khai. Trước mắt, trong năm nay đã bố trí nguồn vốn để sửa chữa phần đường bộ bao gồm cả phần đường bộ cho xe đạp, xe máy và lối cho người đi bộ. Đây cũng là phần đường vừa qua xảy ra hiện tượng sập tấm đan. Bộ GTVT cũng Công ty CP Đường sắt Hà Hải có giải pháp ngay, ví dụ mua tấm thép dự phòng để kịp thời để lên những vị trí nguy hiểm trong khi chờ khắc phục, sửa chữa.  

"Có thông tin phản ánh cầu rung lắc khi tàu đi qua, lo sợ an toàn chạy tàu, nhưng với đặc trưng của cầu kết cấu thép thì điều này là bình thường. Tàu vẫn an toàn khi qua cầu, việc kiểm tra được tổ chức thường xuyên, các yêu cầu kỹ thuật vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, cầu Long Biên rất cần có dự án tổng thể để gia cố, nâng cấp, không thể kéo dài mãi việc sửa chữa chắp vá, nhỏ lẻ như hiện tại. Song nguồn kinh phí rất lớn vì hầu như các cấu kiện của cầu đã đều quá tuổi thọ" - ông Điệp nói.

Phó Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng của Bộ GTVT cho rằng, trong khi chờ định hướng rõ ràng với cầu Long Biên hiện hữu, cần tăng vốn bảo trì, đồng thời có dự án sửa chữa tổng thể cầu Long Biên để đảm bảo an toàn khai thác giao thông qua cầu; cần sớm đẩy nhanh việc xây dựng cầu mới thay thế để đáp ứng nhu cầu giao thông, vừa giảm tải cho cầu Long Biên hiện nay.

"Đã là cầu thì phải có hoạt động, đi lại"

Chia sẻ tại tòa đàm, ông Trần Đăng Hải - Trưởng phòng kết cấu hạ tầng, Sở GTVT Hà Nội - cho biết, cầu Long Biên hiện hữu có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Hà Nội trong mọi giai đoạn, thời kỳ. Hiện nay, mặc dù cầu đã quá tải, xuống cấp nhưng vẫn phục vụ giao thông qua lại cho người dân vùng lõi hai bên cầu như quận Hoàn Kiếm, khu vực Ái Mộ quận Long Biên, giảm tải rất nhiều cho cầu Chương Dương.

Theo ông Hải, thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Bộ GTVT đang bàn giao hồ sơ các tuyến đường sắt theo quy hoạch cho Hà Nội. Trong đó có tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên có liên quan đến cầu Long Biên. Sau khi bàn giao xong, Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu tuyến này, khi đó sẽ rõ định hướng ra sao với cầu Long Biên hiện hữu.

"Đường sắt quốc gia sẽ không đi qua cầu nữa, dừng tại khu vực đường sắt đầu mối Ngọc Hồi. Tại Ngọc Hồi là đầu mối của tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị" - ông Hải thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Hải, ngay cả khi đã hoàn thành xong tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi - Yên Viên hay làm xong các cầu mới bắc qua sông Hồng thì cầu Long Biên vẫn có ý nghĩa quan trọng, vừa phục vụ người dân hai bên đầu cầu, vừa phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của du khách trong và ngoài nước đến thủ đô. Do đó cần thiết phải đầu tư bảo tồn cầu.

Chứng kiến những thăng trầm của cầu Long Biên, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: "Đã là cầu thì phải có hoạt động, đi lại. Không đi lại thì cầu chỉ là cái xác công trình, là phế tích. Nhưng đi lại thế nào phải tính toán, phải phù hợp với thực trạng, tải trọng cầu và cả nhu cầu của người dân".

Theo ông Dương Trung Quốc, cầu Long Biên phá đi thì dễ, dựng lại rất khó, nhất là với một di sản. Do đó, cần phải đầu tư nhiều hơn cho duy tu. Nhà nước nên có cái nhìn tổng thể, sao cho vừa bảo tồn được giá trị văn hóa phi vật thể cầu Long Biên, vừa phục vụ người dân đi lại, đồng thời phát triển được du lịch, bao gồm cả du lịch bãi giữa - khi đó sẽ có đầu tư tương xứng.

Nhà sử học nhận định, Hà Nội nếu coi trọng giá trị này sẽ tìm được giải pháp tốt nhất cho cầu Long Biên. Để giảm áp lực cho cây cầu yếu, Cảnh sát giao thông phải xử lý vi phạm ngay đầu cầu, không để lên cầu rồi mới ghi lại hình ảnh phạt nguội. Có thể phân khung giờ, giờ nào cho xe máy qua, giờ nào cho khách du lịch lên cầu, chụp ảnh...

"Nhu cầu được đi lại, chụp ảnh trên cây cầu lịch sử của người dân, của du khách là chính đáng. Không chỉ Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phải vào cuộc, có tiếng nói để khai thác, phát huy giá trị của cầu cả trước mắt và lâu dài" - ông Dương Trung Quốc nói.