"Không tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật"

Hoài Thu

(Dân trí) - Trong xây dựng pháp luật, Thủ tướng yêu cầu phải kiểm soát quyền lực, không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực.

Thông điệp này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9, ngày 14/9.

Thủ tướng cho biết tại kỳ họp thứ 8 tới đây, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật, trình Quốc hội cho ý kiến 10 dự án luật. Đây là khối lượng công việc rất lớn.

Lãnh đạo Chính phủ lưu ý phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động được các nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho đất nước trong giai đoạn mới.

Không tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp xây dựng pháp luật tháng 9 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Theo yêu cầu của Thủ tướng, xây dựng quy định pháp luật phải rõ ràng, không quá cứng nhắc; tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để; đồng thời huy động, phân bổ các nguồn lực có hiệu quả, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm các khâu trung gian.

"Phải kiểm soát quyền lực; không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật", Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt.

Ông yêu cầu xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh phải kịp thời, không để xảy ra khoảng trống pháp lý, vướng mắc gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của luật do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.

Nêu nguyên tắc xây dựng luật, Thủ tướng lưu ý đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát; tăng cường hậu kiểm, giảm tiền kiểm để bảo đảm linh hoạt.

Không tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật - 2

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Với các dự án luật liên quan đến đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh cần huy động năng lực quản lý và nguồn lực của các thành phần kinh tế trong thực hiện dự án đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư tư.

Cùng với đó, sử dụng nguồn vốn ODA không dàn trải, tập trung cho một số dự án lớn, trọng điểm mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung xử lý triệt để những vướng mắc, điểm nghẽn trong thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khuyến khích, huy động có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển trong bối cảnh mới.

Ông nêu rõ, sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước; sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế phải định hướng tăng thu, mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chi hiệu quả, giảm chi thường xuyên, tập trung cho đầu tư phát triển, tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển phải tăng cao hơn tốc độ tăng chi thường xuyên…

Đề nghị trình Quốc hội Luật Báo chí sửa đổi vào năm 2025

Liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc tới yêu cầu hoàn thiện các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.

Mục tiêu được Thủ tướng nhấn mạnh là xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực, truyền thông đa phương tiện phục vụ đắc lực, hiệu quả lợi ích quốc gia, dân tộc; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Luật sửa đổi cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất, có thêm nguồn thu nhập hợp pháp, chính đáng cho các cơ quan báo chí và người hoạt động báo chí; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, phù hợp.