1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không siết xe cá nhân, Hà Nội sẽ không còn đường để đi

(Dân trí) - Ông Phạm Hoài Chung - Giám đốc trung tâm phát triển Giao thông đô thị và nông thôn cảnh báo nếu Hà Nội không hạn chế xe cá nhân thì đến năm 2030, phương tiện giao thông sẽ không thể di chuyển trong nội thành.

Ngày 30/11, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Đề xuất các giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Tại đây, các đại biểu đồng thuận với Hà Nội trong việc tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, biện pháp này cần phải có phương án và lộ trình cụ thể.

Phát biểu tại hội thảo, Thạc sĩ Phạm Hoài Chung - Giám đốc trung tâm phát triển Giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và phát triển GTVT) tập trung chủ yếu đến các giải pháp, phương án, kịch bản kiểm soát phương tiện cá nhân.


Hà Nội đang xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân

Hà Nội đang xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân

Ông Chung cảnh báo nếu cứ để phát triển tự nhiên, thì dự báo đến năm 2030, trên địa bàn Hà Nội sẽ có hơn 1,77 triệu ô tô và hơn 7,6 triệu xe máy. Theo kịch bản này, đến 2020, ùn tắc thường xuyên xảy ra và đến năm 2030, phương tiện sẽ không thể di chuyển trên địa bàn thành phố. Theo ông Chung, đây là kịch bản phát triển không hợp lý, làm tiếp diễn bùng nổ phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Còn nếu kiểm soát phương tiện cá nhân, thì đến năm 2020, Hà Nội phải có thêm 1.500 km xe buýt mới mở, hoàn thiện 3 tuyến xe buýt nhanh (BRT) và 6 đoạn tuyến đường sắt đô thị; đến năm 2025 thêm 1000 km buýt mới, hoàn thiện thêm 4 tuyến BRT và 5 đoạn tuyến đường sắt đô thị...

Ông Phạm Hoài Chung cho rằng, Hà Nội phải có quy định cụ thể về mức tăng số lượng phương tiện ô tô, xe máy hàng năm cho từng giai đoạn, từng khu vực và đặc biệt tập trung làm cho các quận nội đô; Giảm dần tiến tới dừng cấp phép vỉa hè làm nơi đỗ xe tại 4 quận nội đô; tăng cường xử phạt xe vi phạm.

Ngoài ra, Hà Nội có thể áp dụng phương án tổ chức dừng hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực đối với xe ô tô con cá nhân; Một số khu vực theo lộ trình cho phép xe ô tô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí; Tổ chức đỗ xe theo ngày chẵn (lẻ) đối với các tuyến phố cụ thể khu vực trung tâm; Nghiên cứu tổ chức các khu vực hạn chế lưu thông đối với xe ô tô con và xe máy, tiến tới dần đến dừng hoạt động trên một số trục chính và một số khu vực trong vành đai 3.

Về nhóm giải pháp giao thông, phương án do ông Phạm Hoài Chung trình bày đề xuất đẩy mạnh việc phân làn, phân luồng quy định thời gian hoạt động của phương tiện tham gia giao thông theo các tuyến đường; Cấm taxi hoạt động trên một số tuyến đường có lưu lượng cao hoặc các tuyến có ưu tiên xe buýt; Mở rộng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm; Thí điểm hạn chế hoạt động của ô tô, xe máy tại các tuyến đường, khu vực có phương tiện vận tải hành khách công cộng tốt;

Về giải pháp kinh tế, ông Chung đưa ra giải pháp tổ chức thu phí xe ô tô vào khu vực nội đô giờ cao điểm; xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho người dân khi tiến hành thu hồi phương tiện xe máy không đảm bảo tiêu chuẩn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng đề xuất phân luồng, hạn chế phạm vi hoạt động của xe máy; thu phí lưu hành ô tô con vào giờ cao điểm; tăng phí đỗ xe, đặc biệt là ở các khu vực nhạy cảm về giao thông.

Ông Tô Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, thời hạn cụ thể đến năm 2025 hạn chế phương tiện cá nhân như kế hoạch Hà Nội đưa ra dường như là quá gấp gáp, khó khả thi. Theo ông Tuấn, cấm xe máy hoạt động ở trung tâm thành phố chỉ là một trong nhiều biện pháp để đạt mục tiêu đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Biện pháp trên phụ thuộc nhiều vào các biện pháp phát triển kết cấu hạ tầng và vận tải hành khách công cộng. Do vậy, ông Tuấn cho rằng, khi hệ thống vận tải hành khách công cộng không đạt được mức độ phát triển đã xác định của Đề án thì việc dừng hoạt động của xe máy theo Đề án cũng không có cơ sở để thực hiện.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền - Phó tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam xe cá nhân (ô tô, xe máy) là đối tượng góp phần gây ùn tắc giao thông nên dù biết là khó, động chạm nhưng cũng cần có lộ trình hạn chế. “Không có giải pháp nào đáp ứng tất cả các đối tượng, nên cần xác định mục tiêu ưu tiên và đưa ra giải pháp, chứ không thể hài hòa tất cả các đối tượng”, bà Hiền nói.

Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến, kể cả những ý kiến trái chiều để báo cáo Thành phố, hoàn thiện đề án hạn chế phương tiện cá nhân. Ông Viện cũng mong người dân ủng hộ để sớm thực hiện được mục tiêu giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố.

Quang Phong