“Không nên quá kỳ vọng vào gói kích cầu”
Chính phủ đã có một loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng như bù lãi suất vay, giảm thuế VAT, giãn thuế... Đánh giá về những chính sách này, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng “không nên quá kỳ vọng”.
Kích thích tiêu dùng thành công sẽ trực tiếp giải tỏa bớt khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, đó là nhu cầu sụt giảm trên cả thị trường trong nước và nước ngoài.
Để kích thích tiêu dùng, Chính phủ đã quyết định giảm 50% thuế VAT đối với 19 nhóm mặt hàng và hoãn thu thuế thu nhập cá nhân trong 5 tháng đầu năm 2009.
Các nhà làm chính sách cho rằng giảm thuế VAT sẽ giúp giảm giá bán, nhờ đó tăng cầu cho sản phẩm; còn hoãn thuế thu nhập cá nhân sẽ giúp tăng thu nhập khả dụng, nhờ đó tăng chi tiêu của người tiêu dùng.
Về mặt lý thuyết, đây là những kỳ vọng hợp lý. Tuy nhiên, trên thực tế có thể những chính sách này không kích được tiêu dùng như kỳ vọng vì phản ứng của người tiêu dùng có thể rất khác so với tính toán của các nhà làm chính sách.
Bên cạnh chính sách giảm và hoàn 90% thuế VAT cho doanh nghiệp, Chính phủ còn giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong quý 4/2008 và cả năm 2009, đồng thời giãn thuế trong thời gian 9 tháng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mặc dù chính sách này không trực tiếp giải quyết được vấn đề cơ bản của doanh nghiệp là thiếu đầu ra cho sản phẩm nhưng đây vẫn là một chính sách được cộng đồng doanh nghiệp hoan nghênh vì nhờ nó doanh nghiệp giảm được chi phí.
Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tăng tỷ giá USD/VND và hạ lãi suất cơ bản. Đây là những chính sách rất đúng hướng, vừa góp phần giảm chi phí vốn vay cho doanh nghiệp vừa giúp cải thiện cán cân ngoại thương.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp cho đến hết năm 2009. Bản chất của việc bù 4% lãi suất là sử dụng công cụ tài khóa để thực hiện chính sách tiền tệ.
Số tiền dùng để bù 4% lãi suất là từ ngân sách, được Ngân hàng Nhà nước triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Trong chính sách này, ngân hàng thương mại đóng vai trò trung gian giữa Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp để thực hiện việc hỗ trợ lãi suất.
Vì chính sách bù lãi suất vừa mới được triển khai nên chưa thể đánh giá một cách đầy đủ. Tuy nhiên, có thể nhìn thấy một số hạn chế tiềm tàng đối với chính sách này.
Thứ nhất, chính sách này không trực tiếp giúp giải quyết khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu nhu cầu thị trường.
Thứ hai, chính sách này có thể không đến được những đối tượng cần hỗ trợ, thậm chí có thể hỗ trợ nhầm đối tượng do tình trạng bất cân xứng về thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước với ngân hàng thương mại và giữa ngân hàng thương mại với doanh nghiệp.
Ngân hàng thương mại rất khó kiểm soát việc sử dụng đúng mục đích của đồng vốn do tính có thể hoán đổi mục đích sử dụng của đồng tiền.
Đồng thời, chi phí cho công tác hậu kiểm của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ rất tốn kém khi chỉ trong vòng hơn một tuần, riêng 5 ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước đã cho vay 32.000 tỷ đồng trong chương trình hỗ trợ lãi suất.
Với tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh như vậy, việc kiểm soát kịp thời và đầy đủ của Ngân hàng Nhà nước là rất khó.
Giữa các ngân hàng thương mại và khách hàng, việc thiếu thông tin sẽ khiến nhiệm vụ của ngân hàng thương mại trong việc bảo đảm khách hàng sử dụng vốn hỗ trợ đúng mục đích trở nên khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có hoạt động phức tạp và có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng.
Nếu không kiểm soát chặt chẽ, các khoản vay này có khả năng được sử dụng không đúng mục đích. Vốn vay được hỗ trợ lãi suất có thể được doanh nghiệp dùng để đầu cơ mua cổ phiếu, USD, vàng… thay vì đưa vào sản xuất kinh doanh.
Khi thực hiện chính sách kích cầu, chúng ta cần hiểu rằng dư địa của chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam không còn nhiều. Về mặt tiền tệ, dư âm lạm phát 20% của năm 2008 vẫn còn đó, nên chính sách tiền tệ cần được mở rộng một cách thận trọng để tránh kích hoạt một làn sóng lạm phát mới.
Bên cạnh đó, cần lưu ý thêm là chính sách tỷ giá cố định trong khi VND bị định giá cao so với USD sẽ khuyến khích nhập khẩu hàng tiêu dùng.
Không những thế, với chế độ tỷ giá cố định, khi hạ lãi suất không đi với chính sách hợp lý khác thì không những chưa chắc đã kích thích được doanh nghiệp và người dân tăng đầu tư và chi tiêu mà còn khuyến khích đầu cơ, tích trữ vàng, ngoại tệ mạnh hay đầu tư quá mức vào bất động sản, cổ phiếu.
Hơn nữa, nền kinh tế của Việt Nam nhỏ, lại có tỷ lệ nhập khẩu trong tổng tiêu dùng cao nên không thể kích cầu đơn giản chỉ bằng cách tăng chi tiêu vì khi ấy một phần lớn nhu cầu tăng thêm sẽ được thỏa mãn bởi hàng nhập khẩu chứ ít có tác dụng kích thích sản xuất trong nước.
Điều này càng đúng hơn khi trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ theo đuổi thị trường xuất khẩu, nên không kịp điều chỉnh để quay lại thị trường nội địa khi cầu thế giới đột ngột sụt giảm.
Về mặt tài khóa, trong bối cảnh khó khăn của năm 2009, các nguồn thu ngân sách chủ yếu như xuất khẩu dầu mỏ, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu và thu nhập doanh nghiệp đều giảm mạnh, làm cho nguồn thu của Nhà nước giảm đáng kể, trong khi đó nhu cầu chi tiêu lại tăng sẽ làm cho tình hình ngân sách đã khó càng trở nên khó khăn hơn.
Tóm lại, mặc dù chính sách kích thích kinh tế một cách chủ động là cần thiết, nhưng chúng ta không nên quá kỳ vọng vào các biện pháp kích cầu hiện nay sẽ giải quyết được mọi khó khăn của nền kinh tế.
Không tăng được cầu, không thể chặn đà suy giảm
Theo như ông nói, thực hiện chương trình kích cầu này thật không dễ dàng. Theo ông, cần phải mất thời gian bao lâu nữa các chính sách hỗ trợ này mới phát huy tác dụng?
TS. Vũ Thành Tự Anh. |
Cho đến thời điểm này, có vẻ như điều kiện thứ nhất chưa đạt được, còn điều kiện thứ hai thì chưa đủ thời gian để có thể đánh giá một cách đầy đủ.
Cho đến nay, các đối tượng được vay với lãi suất hỗ trợ chủ yếu vẫn là những khách hàng quen của ngân hàng thương mại, đồng thời lượng tín dụng giải ngân chủ yếu vẫn từ các ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước.
Có vẻ như nguồn tín dụng rẻ này không thực sự rộng mở cho tất cả mọi đối tượng khách hàng mà chỉ đến tay những doanh nghiệp có quan hệ với ngân hàng, trong khi nhiều doanh nghiệp khác tuy thực sự có nhu cầu nhưng lại chưa vay được.
Phải mất bao lâu chính sách hỗ trợ này mới phát huy tác dụng? Theo logic của những phân tích ở trên, tôi cho rằng điều cần quan tâm lúc này là làm thế nào để chính sách kích thích kinh tế thực sự giúp tăng được cầu, có nghĩa có kích thích được sản xuất và tiêu dùng, sau đó mới có thể trả lời cầu hỏi cần bao lâu để chính sách phát huy tác dụng như mong muốn.
Theo yêu cầu của Chính phủ, các ngân hàng đồng loạt triển khai cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi nhằm kích cầu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc làm này chủ yếu nghiêng về kích cung. Ý kiến của ông như thế nào?
Đúng là một số biện pháp trong gói kích thích của Chính phủ thiên về kích cung. Tuy nhiên không thể nói là cả gói kích thích chủ yếu nghiêng về kích cung vì trong gói này có những biện pháp kích thích tiêu dùng (hoãn thuế thu nhập cá nhân), kích thích sản xuất (giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp) và tăng chi tiêu của Chính phủ.
Điều cần lưu ý là nếu không tăng được nhu cầu thị trường, thì dù có kích thích như thế nào đi chăng nữa cũng không giúp ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, vì không có cầu thì doanh nghiệp càng cung nhiều, càng lỗ vốn.
Cũng cần phải nói thêm là ngay cả những biện pháp rõ ràng là có tính kích cầu, nhưng nếu không được triển khai một cách hiệu quả, đồng tiền kích cầu được sử dụng sai mục đích hay có tính đầu cơ thì cũng không có tác dụng kích cầu.
Vốn cho doanh nghiệp đã rộng cửa, chính sách hỗ trợ lãi suất cũng sẵn sàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn ngại chưa muốn tiếp cận vốn ngân hàng vì cho rằng thời hạn vay ngắn. Theo ông, Chính phủ có nên kéo dài thời hạn vay cũng như mở rộng đối tượng cho vay như yêu cầu của nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề?
Chưa thể nói là thời hạn vay này dài hay ngắn vì nó phụ thuộc vào tốc độ hồi phục của nền kinh tế thế giới và trong nước.
Nếu nền kinh tế hồi phục nhanh vào cuối 2009 và đầu 2010 thì thời gian hỗ trợ này không thể bị coi là ngắn. Nhưng nếu nền kinh tế thế giới và Việt Nam vào thời điểm cuối 2009 và đầu 2010 vẫn chưa thể hồi phục thì thời gian vay này đúng là chưa đủ.
Vì vậy Chính phủ cần có chính sách linh hoạt. Nếu theo dõi thấy nền kinh tế không có khả năng hồi phục vào cuối 2009 hoặc đầu 2010 thì có thể kéo dài thêm thời hạn áp dụng chính sách với điều kiện tác dụng của chính sách được đánh giá một cách khách quan, để tránh trường hợp việc kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất vừa không có tác dụng như mong muốn, vừa làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho ngân sách nhà nước, đồng thời gia tăng tính ỷ lại của doanh nghiệp và ngân hàng.
Chuẩn bị cho thời hậu khủng hoảng
Để những chính sách kích cầu này nhanh chóng phát huy hiệu quả, Việt Nam cần phải có những giải pháp triển khai như thế nào?
Theo tôi cần phải đặt chính sách kích cầu vào trong tổng thể chung chính sách của Nhà nước và phải được phối hợp đồng bộ và hiệu quả với các chính sách vĩ mô khác.
Cụ thể là đối với chính sách tiền tệ, cần tiếp tục từng bước điều chỉnh chính sách tỷ giá trong mối quan hệ với chính sách lãi suất (tiền đồng và Đô la) một cách hợp lý.
Bởi vì nếu vẫn để VND mạnh một cách tương đối so với USD, trong khi USD vẫn đang lên giá so với các đồng ngoại tệ khác, thì sẽ làm giảm sức cạnh tranh, đồng thời khuyến khích nhập khẩu - và đây rõ ràng là những điều chúng ta không muốn.
Đối với chính sách tài khóa, vì đầu tư công của Nhà nước đã rất cao nên ưu tiên hiện nay không phải là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công mà là điều chỉnh cơ cấu và tăng cường hiệu quả cho đầu tư công.
Nhà nước cần có chính sách cơ cấu lại và kiểm soát chặt chẽ hiệu quả của các khoản đầu tư công để tránh lạng phí.
Bên cạnh các chính sách tài khóa và tiền tệ, Nhà nước cần chú trọng đúng mức đến các chính sách xã hội, đặc biệt là hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong bối cảnh kinh tế suy giảm.
Cụ thể là cần nhanh chóng có những chính sách hạn chế tình trạng thất nghiệp, hỗ trợ người lao động mất việc, trợ cấp cho những hộ nghèo ở cả thành thị và nông thôn.
Vì mọi cuộc khủng hoảng dù tồi tệ đến đâu cũng phải có hồi kết thúc, nên Chính phủ cũng cần chuẩn bị cho sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và trong nước. Những bất ổn vĩ mô có tính nội tại cùng với tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới đã giúp chúng ta nhận diện rõ những yếu kém nội tại, có tính cơ cấu của nền kinh tế.
Đây chính là lúc chúng ta cần sáng suốt và đẩy mạnh quyết tâm khắc phục những yếu kém nội tại, thực hiện những cải cách có tính cơ cấu tuy rất khó khăn nhưng hứa hẹn sẽ đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững.
TheoTú Uyên
VnEconomy