1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Không lo ngại việc đổi tên nước có thể bị xuyên tạc

(Dân trí) – Trưởng Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý khi lý giải về việc giữ tên nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa trong bản dự thảo mới đã "bác" lo ngại về việc trở lại tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thể bị lợi dụng, xuyên tạc...

Trưởng Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý đã “giải trình” về vấn đề tên nước khi đến cuối buổi thảo luận chiều 27/5, các ý kiến tranh luận về việc này vẫn rất sôi nổi.

Phó Trưởng ban Nội chính TƯ Phan Đình Trạc (Nghệ An) đồng tình với phương án giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng cho rằng cách lý giải chưa thuyết phục.

Cụ thể, UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trong bản báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý nêu rõ, tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt không làm ảnh hưởng tới nội hàm xã hội chủ nghĩa, con đường và mục tiêu phát triển đất nước. Tuy nhiên, UB Dự thảo lại đề nghị giữ nguyên tên nước hiện tại nhằm tiếp tục khẳng định con đường xây dựng XHCN ở Việt Nam.

Vừa khẳng định dân chủ cộng hòa không ảnh hưởng tới định hướng, con đường phát triển lại quay sang lập luận cần giữ nguyên để khẳng định đường lối này, ông Trạc cho là cách lập luận “gượng”.

Đại biểu Trần Văn Hằng (Nghệ An) xác nhận, phần lập luận về tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong báo cáo còn… hùng biện hơn những lý lẽ đưa ra cho phương án giữ tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý là Trưởng Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý là Trưởng Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhận định, bản dự thảo lần trước đưa ra vào thời điểm vừa kết thúc thời gian sôi nổi lấy ý kiến nhân dân, các đại biểu được tiếp nhận nhiều quan điểm phong phú với tinh thần cởi mở, nhiều ý kiến khác nhau. Đó cũng là thời điểm cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án về tên nước. Lần đầu tiên Chủ tịch Quốc hội khi chủ trì họp đã đề nghị xây dựng thành hai phương án để Quốc hội thảo luận và để người dân cùng chia sẻ.

“Nhưng đến bản dự thảo cuối cùng, tất cả các vấn đề được gọi là nhạy cảm nhất, được xã hội quan tâm nhất đã trở lại như ban đầu” – ông Quốc lắc đầu tiếc nuối.

Chuyện đổi tên nước, đại biểu khái quát, trong quá trình thảo luận, một số người tỏ ý lo ngại trở lại tên Việt Nam dân chủ cộng hòa là bước thụt lùi. Không nao núng, ông Quốc “bật” lại: “Cỗ xe cũng phải biết tiến biết đi lùi thì mới điều chỉnh để đi đúng hướng. Người lái xe cũng như vậy thôi, nếu cứ phăm phăm tiến về phía trước thì liệu có đi qua nổi những lúc khó khăn. Vì vậy không nên coi đó là lùi mà phải coi đó là sự trở lại với những giá trị ban đầu”.

Đại biểu cho rằng, sự lựa chọn không phải là chính đáng hay không chính đáng mà ở chỗ phải được phân tích kỹ. Ông Quốc không giấu băn khoăn về việc cả guồng máy đã đầu tư không ít để lấy ý kiến nhân dân, nhân dân rất hào hứng để tham gia, vậy mà sau đó lại điều chỉnh trong khi lập luận không thuyết phục. Đại biểu cảnh báo việc đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu ứng xã hội.

Tỏ ý chia sẻ những quan điểm, băn khoăn này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cũng là Trưởng Ban biên tập sửa đổi Hiến pháp giải thích, lúc đầu đặt ra 2 phương án về tên nước nhưng cuối cùng thấy khả năng nếu thay đổi sẽ tốn kém, phức tạp.

“Khi chúng tôi lập luận về tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với những lý lẽ rất thuyết phục, nhiều người đã “ước” giá như năm 1976 không đổi sang tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tốt nhất. Nhưng vì đã đổi rồi, trở lại tên cũ cũng không ổn” – ông Lý kể.

Chủ nhiệm UB Pháp luật cũng “gạt” đi lo ngại về việc trở lại tên nước cũ có thể bị lợi dụng, xuyên tạc vì làm theo hướng nào đối với người đã có tư tưởng bài bác, xuyên tạc thì kiểu gì cũng suy diễn, xuyên tạc.

Ông Lý báo cáo thêm, ý nhân dân, nhiều người muốn trở lại với cái tên rất khiêm tốn bình dị, gần gũi là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – tên gọi đã duy trì cả thời kỳ dài. Pháp luật Việt Nam đã khẳng định rõ mô hình nhà nước chính thể là cộng hòa, bản chất là dân chủ. Tên Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng không nằm ngoài nội hàm đó nhưng ở một dạng khác.

Ông Lý cũng chia sẻ, nhiều người nói tên nước hiện tại chưa phù hợp vì Việt Nam mới đang ở đoạn đầu của XHCN, đang xây dựng nền kinh tế theo định hướng XHCN. Về mặt nguyên tắc, thượng tầng kiến trúc phải phù hợp với hạ tầng cơ sở, nền kinh tế hiện  nay mới chỉ là định hướng chứ chưa phải XHCN, phải thời gian dài nữa mới có thể đạt được.

Các diễn giải trở lại với lý do, đổi lại tên nước sẽ gây phiền toái, tốn kém…

Trưởng Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp Phan Trung Lý:
Tướng lĩnh cao cấp cũng “can” quy định về lực lượng vũ trang

Chưa có vấn đề gì là “kết” lại ở bản dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến kỳ này. Các đại biểu cho ý kiến nội dung nào, sau kỳ họp Ban Biên tập tiếp tục tổng hợp trình TƯ, Quốc hội trong kỳ họp sau. Khi đó mới là “cái kết”.  

Đến thời điểm này, chưa có nội dung nào thắt, tất cả đều trên cơ sở tôn trọng ý kiến nhân dân vì khi đã tổ chức lấy ý kiến người dân, các góp ý dù đúng ý ta muốn hay không cũng vẫn phải tôn trọng và phải được cân nhắc. 

Sau các phiên thảo luận, chúng tôi sẽ thiết kế một bản thăm dò để xin tiếp ý kiến các đại biểu về từng điều một theo hướng đồng ý/ không đồng ý để tiếp tục tập hợp, chỉnh lý…  

Và xin báo cáo, không phải ý kiến khác nhau nghĩa là toàn ý kiến phản động cả. Ngay ý kiến về điều nhạy cảm nhất về Đảng, có nhiều ý kiến kiến nghị bỏ Điều 4 của những người rất bình thường, tử tế, nói ở góc độ “Hiến pháp là văn bản pháp luật của Nhà nước, không nên ghi Đảng vào đây. Đảng là cái gì cao quý được ghi trong cương lĩnh, điều lệ rồi”.                                                    

Ở chương Bảo vệ tổ quốc, một thời rộ tranh luận lực lượng vũ trang phải trung thành với Đảng. Hiến pháp hiện hành không ghi nội dung đó. Nhiểu tướng lĩnh cao cấp, các lão thành cách mạng cũng nhiều người góp ý không nên ghi nội dung này trong Hiến pháp vì trước nay không ghi thì Cương lĩnh, điều lệ Đảng cũng có nội dung này, lực lượng vũ trang vẫn luôn trung thành với Đảng. Nhưng sau khi xem xét, UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy nội dung đã đưa ra và cũng phù hợp nên giữ vậy.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm