"Không lẽ tòa lại thu thập chứng cứ có lợi cho Nhà nước, bất lợi cho dân?"

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, tòa án là trọng tài nên phải công bằng. Nếu đứng về một bên sẽ thiếu khách quan. "Không lẽ tòa lại thu thập chứng cứ có lợi cho Nhà nước, bất lợi cho dân", ông nói.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã có phần phát biểu lý giải nhiều vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi, trong phiên thảo luận tổ chiều 9/11.

Về đề xuất Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng quy định theo hướng này là phù hợp.

Tòa thu thập chứng cứ sẽ không còn công tâm, khách quan

Ông phân tích với vụ án hình sự chia thành hai bên buộc tội (điều tra viên, kiểm sát viên) và gỡ tội (bị cáo, luật sư của bị cáo). Với nguyên tắc tranh tụng, tòa án là trọng tài, phải công bằng, đứng giữa các bên và không nghiêng về bên nào.

Trong dân sự cũng vậy, nếu tòa án nghiêng về một bên, thu thập chứng cứ có lợi bên khác nghĩa là không còn đảm bảo tính vô tư, khách quan.

Không lẽ tòa lại thu thập chứng cứ có lợi cho Nhà nước, bất lợi cho dân? - 1

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu trong phiên thảo luận tổ chiều 9/11 (Ảnh: Phạm Thắng).

"Tòa thu thập chứng cứ rồi lại xét xử theo chứng cứ mình đã thu thập, như vậy là vi phạm nguyên tắc rất căn cốt về tính công tâm, khách quan", theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình.

Nhìn ra thế giới, ông cũng cho biết không nước nào giao tòa án thu thập chứng cứ. "Với vụ án hình sự, cơ quan điều tra và VKS thu thập chứng cứ. Luật sư, bị cáo cũng thu thập chứng cứ, ra tòa hai bên tranh luận với nhau, tòa án là trung tâm phán xử trên cơ sở tranh tụng. Nếu đứng về một bên sẽ thiếu khách quan, không lẽ tòa án lại đi thu thập chứng cứ có lợi cho cơ quan Nhà nước, bất lợi cho người dân", Chánh án Tòa tối cao đặt vấn đề.

Ông cũng nhấn mạnh quy định tòa án hỗ trợ cho việc thu thập chứng cứ cho người yếu thế.

Giải đáp về băn khoăn liên quan quy định tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử, đổi mới hệ thống tổ chức của TAND gồm: TAND Tối cao; TAND Cấp cao; TAND phúc thẩm; TAND sơ thẩm; TAND sơ thẩm chuyên biệt và Tòa án quân sự, ông Bình cho biết đa số ý kiến ủng hộ.

Riêng việc đổi tên tòa án cấp tỉnh thành tòa án phúc thẩm, tòa án huyện thành sơ thẩm vẫn còn ý kiến khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến băn khoăn vì dù đổi tên nhưng TAND cấp tỉnh vẫn thực hiện quyền xét xử cả phúc thẩm và sơ thẩm. Nếu chỉ xét xử phúc thẩm, còn sơ thẩm giao về tòa án cấp huyện (tòa sơ thẩm), theo bà, phải cân nhắc có lộ trình. Còn giao hẳn về cấp sơ thẩm, đại biểu lo cấp huyện không thể nào gánh vác nổi.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cũng cho rằng đổi tên nhưng bản chất tòa cấp phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm và cấp huyện cũng chưa đảm bảo hết được các vụ án sơ thẩm nếu được giao. Theo ông, nên giữ nguyên để ổn định.

Mỗi năm tòa xử hơn 600.000 vụ án

Giải thích thêm, Chánh án TAND Tối cao nhắc lại lịch sử hình thành tòa án từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là tòa án sơ thẩm, phúc thẩm và điều này được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946.

Không lẽ tòa lại thu thập chứng cứ có lợi cho Nhà nước, bất lợi cho dân? - 2

Trụ sở mới của Tòa án nhân dân tối cao (Ảnh: Phan Tuyến).

Chánh án Tòa tối cao nhấn mạnh việc tổ chức theo thẩm quyền xét xử phản ánh đúng bản chất tố tụng, phù hợp với thẩm quyền và đảm bảo tính độc lập, phù hợp với tổ chức tòa án quốc tế.

"Nguyên tắc tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, thực hiện quyền tài phán quốc gia chứ không phải quyền tài phán của tỉnh, huyện. Để tên TAND tỉnh, huyện dễ bị ngộ nhận là tòa tỉnh chỉ đạo tòa huyện về mặt hành chính. Như vậy không bảo đảm độc lập", ông Bình nói.

Theo ông, việc đổi tên tòa án tỉnh, huyện thành tòa án sơ thẩm, phúc thẩm không ảnh hưởng gì đến các cơ quan khác, các đạo luật cũng không phải sửa đổi gì.

Lý giải vì sao phúc thẩm vẫn xử các vụ sơ thẩm, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói những vụ án tham nhũng lớn, huyện chưa đủ năng lực nên đưa lên tỉnh xử.

"Ở tỉnh vẫn chủ yếu xử phúc thẩm nhưng trong một số trường hợp luật giao, tỉnh vẫn xử sơ thẩm. Đây là do quy định của luật", ông Bình cho biết ở các nước, tòa án tối cao vẫn xử sơ thẩm chứ không chỉ xử giám đốc thẩm.

Ông cũng dẫn thực tế ở một số nước bắt Tổng thống, Thủ tướng, nghị sĩ Quốc hội, bộ trưởng, những chủ thể đặc biệt như vậy sẽ giao cho Tòa án tối cao xử. "Do đó, không cần quan ngại câu chuyện tại sao phúc thẩm vẫn xử sơ thẩm", theo lời ông Bình.

Chánh án cho rằng tới đây, khi năng lực của tòa án sơ thẩm (tòa án huyện) tốt lên, sẽ hướng đến việc giao cho cấp sơ thẩm xét xử các vụ có mức án cao như chung thân, tử hình, tù trên 15 năm…

"Chúng ta không đành chấp nhận năng lực của thẩm phán cấp sơ thẩm chỉ dừng lại ở xét xử vụ án với mức án chỉ dưới 15 năm như quy định hiện tại. Trong khi đó, tòa án cấp quận của Brazil có thể bác quyết định bổ nhiệm Phó tổng thống, hay một thẩm phán tòa án khu vực của Mỹ cũng bác được sắc lệnh của Tổng thống", ông Bình kỳ vọng trong tương lai, khi năng lực các thẩm phán sơ thẩm nâng lên sẽ hướng tới giao thêm nhiệm vụ.

Điều chỉnh này, theo Chánh án, rất quan trọng, vì hiện nay mỗi năm tòa án phải xét xử hơn 600.000 vụ án, trong khi tổng chỉ có 15.000 biên chế thôi, dẫn đến tình trạng quá tải.