1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Không khôi phục hình thức tử hình bằng xử bắn

(Dân trí) - Thông qua Nghị quyết về “Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm” chiều nay, 27/11, Quốc hội thống nhất bác đề xuất bổ sung quy định tử hình bằng xử bắn, không đưa vào Nghị quyết.

Trước khi các đại biểu biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết này.

Ông Hiện cho biết, dự thảo Nghị quyết đã được bổ sung, thể hiện đầy đủ một số biện pháp tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng được các vị ĐBQH kiến nghị, trong đó có việc nâng cao chất lượng công tác điều tra, thu thập đầy đủ cả chứng cứ buộc tội và gỡ tội; không được bức cung, dùng nhục hình; nâng cao chất lượng các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Thanh tra viên, Kiểm toán viên... Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Tòa án, không kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm...
Không khôi phục hình thức tử hình bằng xử bắn
Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết, thống nhất không khôi phục hình thức tử hình bằng xử bắn.

Chủ nhiệm UB Tư pháp cho biết, có một số ý kiến đề nghị quy địnhtử hình bằng xử bắn” vào nội dung Nghị quyết. Tuy nhiên, UB Thường vụ QH lập luận, việc bổ sung hình thức tử hình bằng xử bắn đồng thời với hình thức bằng tiêm thuốc độc là vấn đề hệ trọng, phức tạp liên quan đến thẩm quyền quyết định hình thức tử hình, liên quan đến sửa đổi nhiều quy định trong Luật thi hành án hình sự. Ông Hiện dẫn chứng một số điều luật cụ thể như Điều 59 về “Hình thức và trình tự thi hành án tử hình”, Điều 60 về “Giải quyết việc xin nhận tử thi, hài cốt của người bị thi hành án tử hình”. Đặc biệt, khoản 3 Điều 181 về hiệu lực thi hành luật này đã ghi rõ việc bãi bỏ hình thức tử hình bằng xử bắn.

“Vì vậy, sau phiên thảo luận tại hội trường về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, UB thường vụ đã chỉ đạo thường trực UB Tư pháp làm việc với Lãnh đạo Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao về vấn đề này. Các cơ quan đều thống nhất là không bổ sung hình thức tử hình bằng xử bắn vào Nghị quyết này mà phối hợp để đẩy nhanh việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc” – báo cáo giải trình nêu rõ, UB Thường vụ đề nghị không quy địnhtử hình bằng xử bắn” vào nội dung Nghị quyết.

Về nội dung chống án oan sai, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự. Ông Hiện cho biết, UB Thường vụ tiếp thu ý kiến này, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết với nội dung yêu cầu Kiểm sát viên phải chủ động tham gia xét hỏi, luận tội có căn cứ thuyết phục, đối đáp đầy đủ ý kiến của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.

Cũng liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng công tác xét xử, có ý kiến băn khoăn về quy định “hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan” trong dự thảo Nghị quyết vì định lượng “hạn chế đến mức thấp nhất” khác với mục tiêu cụ thể “hạn chế ít nhất 1%” ghi trong Nghị quyết 37 về công tác tư pháp năm trước.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện xác nhận, Nghị quyết 37 giao chỉ tiêu định lượng cho ngành Tòa án “hạn chế  ít nhất 1% tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan so với năm 2012” là chỉ tiêu để phấn đấu thực hiện. Từ năm 2014 và những năm tiếp theo, ngành Tòa án sẽ thực hiện chỉ tiêu định tính “hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan” như thể hiện trong dự thảo Nghị quyết năm nay.

Năm 2014 hướng dẫn chi tiết việc kiểm soát tài sản cán bộ

Về lĩnh vực phòng chống tham nhũng, dự thảo Nghị quyết trước khi được Quốc hội bấm nút thông qua cũng đã tiếp thu, bổ sung nhiều biện pháp nhằm tăng cường đấu tranh. Với nhận định, tình hình tội phạm, tham nhũng còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, tại nghị quyết, thêm một lần Quốc hội khẳng định, người đứng đầu, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, không kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Đồng thời phải chịu trách nhiệm về những trường hợp xử lý hành chính, kỷ luật không đúng quy định pháp luật để lọt tội phạm, bao che cán bộ do mình quản lý có hành vi tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước được yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.

Cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm về kết luận vụ việc được thanh tra, kiểm toán, xử lý hoặc kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật các trường hợp rõ ràng có dấu hiệu tội phạm, sau đó cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phát hiện bỏ lọt tội phạm và khởi tố, xử lý hình sự, nghị quyết nêu rõ.

Với cơ quan điều tra, Quốc hội lưu ý việc bảo đảm thời hạn điều tra theo luật định các vụ án lớn về kinh tế, chức vụ và tham nhũng. Hằng năm, phấn đấu tăng tỷ lệ phát hiện, khám phá loại án này và các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, kịp thời xác minh, truy tìm tài sản bị chiếm đoạt, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt.

Còn với Tòa án Nhân dân Tối cao, yêu cầu được nêu tại nghị quyết là áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản nhà nước.

Hàng năm, Tòa án Nhân dân Tối cao phải báo cáo, đánh giá đầy đủ tình hình quyết định hình phạt, áp dụng án treo, cải tạo không giam giữ đối với các bị cáo phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng ở tòa án các cấp cũng là nội dung được nêu tại nghị quyết.

Đáng chú ý là, không chỉ ghi rõ hàng năm Chính phủ phải báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, mà Quốc hội còn yêu cầu phải nêu rõ các bộ, ngành, địa phương làm tốt và chưa tốt.

Cũng trong năm 2014, Chính phủ được yêu cầu ban hành hướng dẫn chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng…

P.Thảo