1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Không đứng tên trong sổ đỏ, phụ nữ thường trắng tay sau ly hôn

(Dân trí) - Do tập tục văn hóa, nhận thức của phụ nữ về quyền của mình còn hạn chế, cũng như trách nhiệm thực thi của các Cơ quan quản lý chưa cao, khiến phụ nữ gặp không ít thiệt thòi với thực trạng sổ đỏ chỉ do chồng đứng tên.

Sổ đỏ mang tên vợ vẫn chỉ là…“giấc mơ”

Quy định “Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) phải được ghi tên của cả chồng và vợ” không chỉ đến năm 2013, Luật Đất đai (sửa đổi) mới đề cập, mà 10 năm trước quy định này đã được cụ thể hóa tại Luật Đất đai 2003. Đây được xem là bước tiến bộ, cải thiện sự bình đẳng giữa nam và nữ trong việc tiếp cận và kiểm soát đất đai.

Mặt khác, quy định trên cũng tạo cho chị em phụ nữ quyền được định đoạt tài sản nếu 2 bên xảy ra mâu thuẫn, ly dị, và phân chia tài sản… Tuy nhiên, trong thực tế, vấn đề bình đẳng cũng gặp phải nhiều vướng mắc, ràng buộc cần được tháo gỡ.

Trong các lần tiếp xúc với nhiều chị em phụ nữ tại một số địa phương tỉnh Quảng Trị, chúng tôi nhận thấy việc được đứng tên cùng chồng trong GCNQSDĐ đối với đa số chị em vẫn còn là điều gì đó quá xa vời. Thậm chí có chị không nắm được quyền của bản thân, cho biết chưa bao giờ nghe về quy định này. Vậy là luật quy định hơn 10 năm nhưng chị em vẫn chưa hiểu được quyền lợi của mình!  

Không đứng tên trong sổ đỏ, phụ nữ thường trắng tay sau ly hôn
Ông Hồ Văn Sáu, Phó Chủ tịch xã Hướng Hiệp, cho rằng khi chưa có dự án hỗ trợ làm lại sổ đỏ thì hầu hết vẫn chỉ mang tên chồng

Chị Hồ Thị Lệ, ở thôn Chân Rò, xã Đakrông, huyện Đakrông nói: “Từ trước đến nay, bìa đỏ vẫn do chồng miềng (mình) đứng tên. Miềng cũng chưa nghe ai nói gì về bìa đỏ đứng hai tên cả”.
 
Trong khi đó, chị Hồ Thị Vân, xã Hướng Hiệp cho rằng: “Sổ đỏ đứng tên ai cũng không quan trọng. Biết rằng, nếu đứng tên cùng chồng trong sổ đỏ thì lỡ khi xảy ra mâu thuẩn mình cũng có tiếng nói quyết định trong việc phân chia tài sản. Nhưng mình sống với chồng nhiều năm nay rồi nên sổ đỏ chỉ mang tên chồng cũng được”. 

Chính vì việc nhận thức về quyền lợi cá nhân còn hạn chế nên từ trước đến nay, trong tiềm thức của đồng bào Pa Kô - Vân Kiều phía Tây Quảng Trị, đất đai luôn thuộc về người chồng mặc dù phụ nữ có tên hoặc chưa có tên trong GCNQSDĐ và gần như không xảy ra bất kỳ một tranh chấp, kiện tụng nào sau khi ly hôn.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, hầu hết những phụ nữ này đều quay trở về nhà mẹ đẻ với hai bàn tay trắng bởi suy nghĩ rằng, đất đai đó là của ông bà, tổ tiên để lại nên phần đất này thuộc về người chồng.

Không đứng tên trong sổ đỏ, phụ nữ thường trắng tay sau ly hôn
Để thửa đất của mình thể hiện trong bìa đỏ này, người dân phải trải qua rất nhiều bước với nhiều loại thủ tục

Mặc dù biết được ý nghĩa của việc đứng tên chung trong GCNQSDĐ, nhưng chị Trịnh Thị Lài (thị trấn Aí Tử, huyện Triệu Phong) nói: “Nhà tui đang làm thủ tục xin cấp bìa đỏ. Nhưng trước đó, khi làm thủ tục cũng không nghe chồng nói tới chuyện cùng để tên. Nếu cả hai cùng đứng tên, khi có vấn đề gì nảy sinh thì mình cũng có quyền quyết định. Hơn nữa, đó không chỉ là việc đứng tên hay không mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với vợ mình”. 

Rất nhiều chị em phụ nữ ở xã Triệu Ái, Triệu Thuận thậm chí chưa nghe nói đến GCNQSDĐ mang 2 tên. Trong số đó, chúng tôi nhận thấy nhiều chị em có trình độ học vấn nhưng cũng tỏ ra e ngại khi đề cập đến chuyện sổ đỏ mang tên mình. Và chưa ai đề đạt với chồng chuyện chung tên trong bìa đỏ. Phần đông chị em khi được hỏi đều cho rằng, việc đó là do chồng, đôi lúc cũng tủi thân nhưng tùy chồng quyết định.

Nhiều vướng mắc pháp lý lẫn luật tục?

Tại nhiều địa phương, vì nhiều lý do: tập tục văn hóa, nhận thức của chị em phụ nữ về quyền của mình hạn chế, cũng như trách nhiệm thực thi của các Cơ quan quản lý liên quan đến vấn đề này chưa cao, dẫn tới tình trạng GCNQSĐ hiện vẫn chỉ mang tên chồng.  

Kết quả khảo sát tại 4 tỉnh (Vĩnh Long, Đồng Nai, Quảng Trị và Hòa Bình) của Liên minh đất đai (Landa) cho thấy, mặc dù Luật có từ 10 năm nhưng vẫn có rất ít phụ nữ được đứng tên trong sổ đổ. 

"Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ tên vợ và họ tên chồng vào GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người.

Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi cả họ tên vợ và họ tên chồng, nếu có yêu cầu" - Khoản 4, Điều 98, Luật Đất đai 2013.

Theo anh Nguyễn Ngọc Đông, trưởng thôn 5, thị trấn Ái Tử: “Quy trình làm sổ đỏ rất mất thời gian, phải qua nhiều bước, thủ tục rườm rà nên chỉ đăng ký tên chồng cũng “mệt bở hơi tai” rồi. Nếu ghi thêm tên vợ vào thì sẽ thêm một bước xác minh thủ tục nữa. Và như vậy thì chờ “đỏ mắt” cũng chưa làm xong sổ đỏ”.

Anh Đông cho hay, gia đình anh cùng 10 hộ dân khác cùng hoàn thiện thủ tục làm GCNQSDĐ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa xong. Lý do là một trong những bộ hồ sơ gửi lên huyện chưa đầy đủ thông tin nên phải đợi để xử lý luôn một lần.

Qua ghi nhận tại một số địa phương, ngoài thói quen chỉ chủ hộ đứng tên trong sổ đỏ dẫn tới việc thực hiện chính sách pháp luật không đầy đủ. Thêm vào đó, việc tuyên truyền chưa được cặn kẽ khiến nhiều người không ý thức được quyền lợi của mình. 

Bên cạnh đó, người dân thường gặp khó khăn trong việc kê khai các giấy tờ cần thiết, không biết cách điền hồ sơ xin cấp sổ đỏ. Thiếu hiểu biết quy định cấp GCNQSDĐ, nên nhiều người mang tâm lý chán nản và buông xuôi. Trong quá trình thực hiện thủ tục cấp mới, cấp đổi GCNQSDĐ, người dân còn gặp nhiều nhũng nhiễu,  thậm chí người dân phải nộp phí “bôi trơn” mới có thể làm được sổ đỏ.

Vợ chồng anh Đặng Sĩ Nhân được chính quyền xã cấp đất và vận động lên định cư, sinh sống ở vùng núi xã Triệu Ái từ năm 2004. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình anh vẫn chưa làm xong giấy CNQSDĐ, dù cán bộ địa chính đã lên thống kê đo đạc cách đây vài năm. Sau nhiều lần anh lên xã, huyện làm việc nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi với PV, ông Võ Ngọc Ánh, Phó Phòng Tài nguyên môi trường huyện Triệu Phong, ngay sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực, huyện đã mời cán bộ cấp xã lên tuyên truyền về những quy định mới của Luật. Tuy nhiên, hiện phần lớn sổ đỏ vẫn chủ yếu đứng tên chồng. Người dân ai có nhu cầu thì đăng ký, sau khi xem xét đầy đủ thủ tục thì sẽ tiến hành cấp cho họ.

Nhiều hộ dân ở huyện Đakrông đã được cấp mới sổ đỏ 2 tên
Nhiều hộ dân ở huyện Đakrông đã được cấp mới sổ đỏ 2 tên

Tại một số địa phương huyện Đakrông hiện đã tiến hành cơ bản việc cấp đổi GCNQSDĐ cho người dân. Ông Nguyễn Quang, Phó Phòng Tài nguyên môi trường huyện cho biết: “Các địa phương trong huyện đã thực hiện cấp GCNQSDĐ mang cả tên vợ và tên chồng cho các trường hợp cấp mới do được cấp đất, tách hộ, chuyển đổi, sang nhượng theo quy định. Ở một số địa bàn có hỗ trợ của dự án, chính quyền đang đo đạc lại diện tích và cấp mới GCNQSĐ mang cả hai tên. Chỉ một số hộ còn chưa đầy đủ thủ tục nên đang tiến hành làm lại.

Đăng Đức