1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Không đồng ý với phán quyết của Tòa trọng tài sẽ bị cô lập

(Dân trí) - Luật pháp quốc tế ràng buộc với tất cả các quốc gia, ngay cả Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác nếu không đồng ý với quy chế này thì sẽ bị cô lập. Trong lịch sử, ngay cả một siêu cường cũng không đi ngược lại phán quyết của Tòa trọng tài... Đó là những ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Bên lề hội thảo quốc tế “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông” tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), trao đổi với báo chí ngày 17/8, ông Nguyễn Quý Bính, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc; Thành viên Tòa trọng tài quốc tế, cho rằng, trong vấn đề Biển Đông các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình…

Ông nghĩ phán quyết của Tòa trọng tài sẽ tác động như thế nào đến thực tiễn của Biển Đông?

Nó sẽ ảnh hưởng đến tình hình Biển Đông. Tất nhiên, phán quyết đã ra rồi và bây giờ là lúc các bên sẽ xem xét lại lập trường của mình, đánh giá các nội dung này ảnh hưởng như thế nào đến tình hình tranh chấp ở Biển Đông cũng như lập trường của các bên.

Phán quyết Tòa trọng tài mang lại thông điệp gì về việc bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển Đông?

Tất cả các nước, các thành viên đều khẳng định là quyền tự do hàng hải ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông phải được tôn trọng, quyền đánh cá của ngư dân các nước cũng phải được tôn trọng. Đó là những nội dung cơ bản trong phán quyết cũng đã có.

Ông Nguyễn Quý Bính, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc; Thành viên Tòa trọng tài quốc tế trao đổi với báo chí, ngày 17/8
Ông Nguyễn Quý Bính, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc; Thành viên Tòa trọng tài quốc tế trao đổi với báo chí, ngày 17/8

Ông có thể đưa ra một vài giải pháp để đảm bảo an ninh, ổn định, tự do hàng hải, di chuyển trên Biển Đông?

Tất cả các nước phải tuân thủ luật quốc tế, cả Trung Quốc cũng phải tôn trọng luật quốc tế mặc dù không công nhận phán quyết của tòa. Tất cả các nước khác, kể cả Việt Nam đều có tuyên bố quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không và tất các vấn khác liên quan đến Biển Đông.

Các bên phải kiềm chế, không được làm trầm trọng hóa thêm xung đột, đó là thông điệp lớn nhất.

Ông đánh giá thế nào về khả năng Trung Quốc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong thời gian tới?

Cái này Trung Quốc có nói vài đôi lần nhưng theo tôi không phải dễ dàng. Tại vì lập ra một khu vực mà các nước khác không tuân thủ thì Trung Quốc sẽ mất uy tín. Không phải cứ muốn mà lập được mà phải phù hợp với luật pháp quốc tế và khu vực này đã có vùng thông báo bay…

Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để bảo vệ lợi ích của mình một cách tốt nhất ở Biển Đông?

Theo tôi có nhiều việc Việt Nam phải làm, trong đó thực hiện kêu gọi các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp, kiềm chế và đồng thời phối hợp với các nước ở Biển Đông ngăn chặn xung đột.

Thưa ông, Tòa trọng tài sau phán quyết thì có cơ chế giám sát hay không và nếu phán quyết không được thuân thủ thì có chế tài gì không?

Tòa trọng tài không có cơ chế giám sát nào cả nhưng khi tòa đưa ra phán quyết thì nó có tác dụng đối với dư luận. Và tất cả các nước phải xem xét vì nó là cơ chế Thường trực, đã được quốc tế bầu ra thì nó có vai trò và tiếng nói. Tiếng nói ở đây là lần đầu tiên đã giải thích rất rõ ràng, chính xác những quy chế của Luật Biển, đặc biệt việc áp dụng quy chế biển đảo… Đây là luật pháp quốc tế nên ràng buộc với tất cả các quốc gia, ngay cả Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác nếu không đồng ý với quy chế này thì sẽ bị cô lập…

Xin cảm ơn ông!

img-0926-1471433416355

GS. Erik Franckx, một học giả quốc tế dự hội thảo: “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”, cho hay, thể chế pháp luật quốc tế là thể chế tất cả các nước đều bình đẳng. Trong lịch sử, ngay cả một siêu cường như Mỹ cũng không đi ngược lại phán quyết của Tòa trọng tài.

Ông Erik Franckx cho rằng, là một nước lớn, Thành viên của Hội đồng bảo an, phải khẳng định vai trò của mình, trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Ông cũng lập luận rằng, nếu không làm điều đó thì rất khó giữ được địa vị của mình đối với các nước trong cộng đồng quốc tế.

“Kết luận của Tòa án trọng tài là kết luận cuối cùng nhưng khi mà chúng ta đi vào thực hiện nó là vấn đề hoàn toàn khác bởi vì không có lực lượng cảnh sát quốc tế nào để giúp chúng ta thực hiện phán quyết này cả. Tất nhiên chúng ta cần bình tĩnh và chờ đợi để xem kết quả của phán quyết như thế nào”, GS. Erik Franckx nhận định.

Viết Hảo (ghi)