1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Phán quyết Biển Đông giúp Việt Nam bảo vệ quyền hợp pháp của mình trên biển”

(Dân trí) - Các học giả, chuyên gia cho rằng, phán quyết Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines với Trung Quốc đã mở ra hi vọng mới cho việc giải quyết các vấn đề tranh chấp ở khu vực Biển Đông, đồng thời giúp cho Việt Nam có căn cứ pháp lý để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trên biển.

PGS.TS. Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Đại học Phạm Văn Đồng, khai mạc hội thảo
PGS.TS. Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Đại học Phạm Văn Đồng, khai mạc hội thảo

Sáng 17/8, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Trường Đại học Phạm Văn Đồng phối hợp với trường Đại học Nha Trang tổ chức Hội thảo quốc tế: “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông”. Hội thảo đã thu hút các nhà nghiên cứu, học giả có uy tín hàng đầu ở trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có các tên tuổi nổi tiếng như: GS.Carl Thayer, GS. Erik Franckx, Đại sứ Nguyễn Quý Bính, TS.Trần Công Trục, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi…

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Đại học Phạm Văn Đồng cho biết, hội thảo diễn trong bối cảnh tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp. Cụ thể, Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hành động đơn phương, đẩy nhanh quá trình quân sự hóa ở Biển Đông khiến các nước trong khu vực, cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc.

“Việc Tòa trọng tài quốc tế xử vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ra phán quyết cuối cùng mang tính ràng buộc các bên ngày 12/7 vừa qua mang đến những cơ hội và hi vọng mới cho việc giải quyết các vấn đề tranh chấp ở khu vực Biển Đông" - PGS.TS Phạm Đăng Phước khái quát.

Theo ông Phước, từ lâu vấn đề quy chế pháp lý của đảo, đá theo luật quốc tế, đặc biệt là việc giải thích và áp dụng Điều 121 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là một trong những chủ đề thu hút được sự quan tâm, nghiên cứu của giới luật gia quốc tế, giới nghiên cứu chính trị quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực tự nhiên, hàng hải.

Hội thảo thu hút các nhà nghiên cứu, học giả có uy tín hàng đầu ở trong nước và quốc tế tham dự
Hội thảo thu hút các nhà nghiên cứu, học giả có uy tín hàng đầu ở trong nước và quốc tế tham dự

Việc nghiên cứu, làm rõ vấn đề quy chế pháp lý của đảo, đá càng có ý nghĩa hơn trong trong bối cảnh khu vực Biển Đông, nơi tồn tại không chỉ các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa và Trường Sa mà còn có sự giải thích khác nhau về quy chế pháp lý của các đối tượng tranh chấp.

Theo ông Phước, cũng đã có những ý kiến cho rằng, bên cạnh nhiều nguyên nhân và yếu tố khác, chính sự không rõ ràng về quy chế pháp lý của đảo, đá và các thực thể khác trong khu vực Biển Đông cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình tranh chấp ở khu vực Biển Đông ngày phức tạp. Một minh chứng cụ thể của nhận định này là các hoạt động bồi đắp, xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc với mục đích nhằm vừa làm thay đổi hiện trạng vừa làm thay đổi quy chế pháp lý của các thực thể ở Trường Sa.

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ nhận định, phán quyết của Tòa trọng tài liên quan đến vụ kiện ở Biển Đông đóng góp hết sức quan trọng, làm tăng thêm hiệu lực, giá trị pháp lý của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

TS Trần Công Trục cũng hi vọng, phán quyết của Tòa trọng tài sẽ giúp cho các bên có được công cụ và phương pháp để tháo gỡ nhằm nhanh chóng ký kết được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ngoài ra, TS Trần Công Trục cho rằng, phán quyết này cũng giúp cho Việt Nam có căn cứ pháp lý để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trên Biển Đông.

“Rõ ràng, phán quyết này tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng giúp các bên tranh chấp thu hẹp khoảng cách tranh chấp xảy ra trong khu vực mình. Nếu các bên chấp hành một cách tuyệt đối và coi phán quyết làm cơ sở đàm phán thì tôi cho rằng chắc chắc ASEAN và Trung Quốc có thể đi đến một COC để làm cơ sở pháp lý trong mối quan hệ giải quyết tranh chấp”, TS Trục nhận định.


GS. Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Úc (ngồi giữa) tham dự hội thảo

GS. Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Úc (ngồi giữa) tham dự hội thảo

Kết thúc bài tham luận, TS Trần Công Trục nhấn mạnh, trong cuộc cạnh tranh quyền lực diễn ra khốc liệt trên phạm vi khu vực và trên thế giới, vấn đề chính là cần phải coi phán quyết này là thắng lợi chung của luật pháp, công lý và bắt buộc sử dụng nó như là một công cụ hữu ích để gìn giữ hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển vì sự sống còn của nhân loại.

Tại hội thảo, GS. Carlyle A. Thayer, Học viện Quốc phòng Úc trình bày tham luận: “Đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông: Quân sự hóa và xây dựng đảo nhân tạo”. Trong tham luận này, GS. Carlyle A. Thayer điểm lại quá trình “quân sự hóa” , xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc.

GS. Carlyle A. Thayer cho rằng, việc “quân sự hóa”, xây dựng đảo nhân tạo khiến cho các nước trong khu vực, cũng như cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc, làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

Trong sáng 17/8, các học giả đã kết thúc 2 nội dung thảo luận, gồm: “Quy chế pháp lý của đảo và đá trong luật quốc tế”; “Tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Trong chiều cùng ngày, các học giả tiếp tục thảo luận nội dung cuối cùng với nhan đề: “Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc”.

Viết Hảo