1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng LĐ-TB&XH:

Không đẩy trách nhiệm cho Bộ Công an

(Dân trí) - Thực trạng lao động mất việc, lao động nước ngoài vào Việt Nam là chủ đề nóng hổi nhất trong phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân. Nữ bộ trưởng xác nhận nhiều con số, thực tế nhưng xin lùi thời hạn giải quyết.

Không đẩy trách nhiệm cho Bộ Công an - 1

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: Việt Hưng)
 
Vấn đề lao động nước ngoài: “Một tháng không giải quyết được”!

Là người chất vấn đầu tiên, đại biểu Võ Thị Thuỷ (Bình Định) đi thẳng ngay vào vấn đề đang là thời sự: Lao động nước ngoài du nhập vào Việt Nam ảnh hưởng thế nào đến lao động trong nước? Nguyên nhân và giải pháp đối với vấn đề lao động nước ngoài?

Đáp lại, Bộ trưởng Kim Ngân cho rằng, trong điều kiện mở cửa, việc di chuyển nguồn nhân lực là tất yếu và việc đưa lao động ra nước ngoài, tiếp nhận lao động từ bên ngoài “là có thực”. Tuy nhiên, theo qui định của pháp luật, chúng ta không cấp phép cho lao động phổ thông nước ngoài.
 
Trong số lao động nước ngoài vào Việt Nam thời gian qua, số được cấp phép chưa tới 50%. Theo bà Ngân, người nước ngoài đã chuyển từ đi du lịch sang làm lao động mà các cơ sở, các địa phương không báo cáo thì bên trên không thể nắm được.

Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ giải quyết vấn đề theo đúng pháp luật và tôn trọng hợp tác song phương với các nước. “Nhưng tôi khẳng định là ngay một tuần, một tháng không giải quyết xong được”, bà Ngân lập luận.

Theo bà Ngân, với những trường hợp đủ điều kiện để có thể cấp phép sẽ được cấp phép. Những đối tượng không đủ điều kiện cấp phép sẽ được giải thích và khi hết thời hạn lưu trú sẽ không gia hạn visa thêm.

Không đẩy trách nhiệm cho Bộ Công an - 2

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Ảnh: Việt Hưng)
 
“Bắt” tiếp vào lao động nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đặt vấn đề, tại sao khi nói về trách nhiệm quản lí lao động nước ngoài, Bộ LĐ-TB&XH lại đề cập tới Bộ Công an, Tư pháp, Ngoại giao và như vậy là có ý gì?

“Tôi không đùn đẩy. Trách nhiệm là của Bộ LĐ-TB&XH”, bà Ngân “thanh minh”. Tuy nhiên, theo bà Ngân, về giải pháp, Bộ phải đề cập tới các Bộ trên vì Bộ Công an quản lí vấn đề xuất nhập cảnh, Bộ Tư pháp quản lí lí lịch tư pháp… Bộ LĐ-TB&XH có vai trò chủ trì để cùng các Bộ khác đưa ra các giải pháp cho vấn đề, kể cả việc sửa luật.

Chuyển sang gói kích cầu của Chính phủ, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, các nước khi thông qua gói kích cầu đều gắn với tạo ra việc làm. Chẳng hạn, tại Mỹ, để Nghị viện thông qua gói kích cầu 871 tỉ USD, Chính  phủ phải cam kết tạo ra 2,5 triệu việc làm. Vậy gói kích cầu của ta sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm?

Bà Ngân cho biết, cũng như các nước, kích cầu của Việt Nam chỉ nhằm tạo ra việc làm và tăng trưởng GDP. Việc giúp các doanh nghiệp trong lúc khó khăn như đã làm vừa qua cũng là để giữ được việc làm cho người lao động.

Hạ chỉ tiêu tạo việc làm xuống 1,45 triệu

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nghi ngờ, số lượng thống kê lao động và giải quyết việc làm vừa qua chưa thống nhất, khó khăn cho việc đánh giá tình hình mất việc do khủng hoảng. Ông Tâm đặt câu hỏi nghi vấn: Bộ có đảm bảo con số đưa ra là chính xác để Quốc hội đánh giá tình hình?

Bộ trưởng LĐ-TB&XH khẳng định, số liệu công bố của Bộ đối chiếu với Tổng Cục thống kê không khác nhau, cuối năm 2008 có trên 66 nghìn lao động mất việc. 5 tháng đầu năm 2009 có thêm 65-68 nghìn người. Tuy nhiên, số người tìm được việc mới, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân rất khả quan, nhiều tỉnh thành đạt tới 80%. Nữ bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm phải nâng cao năng lực dự báo để có những số liệu chính xác hơn.
 
Không đẩy trách nhiệm cho Bộ Công an - 3

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân trao đổi với các đại biểu bên hàng lang kỳ họp Quốc hội (Ảnh: Việt Hưng)

Không thỏa mãn với giải trình của người quản lý lĩnh vực lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) nêu con số ở các bản thống kê khác nhau do chính Bộ LĐ-TB&XH công bố trong thời gian qua.

Bộ trưởng Ngân lý giải một cách đơn giản, các con số liên tục được cập nhật nên chuyển tới đại biểu có sự khác biệt. “Không thể có bản báo cáo số mất việc của 5 tháng trước lại giống hiện tại” - bà Ngân chỉ xác nhận, con số chưa thể đầy đủ vì hiện mới chỉ có 48/63 tỉnh thành gửi báo cáo.

Ông Hiền đặt câu hỏi tiếp về vấn đề điều chỉnh tỷ lệ tăng trưởng kinh tế từ 6,5 xuống còn 5%, chỉ tiêu tạo việc làm mới có đạt được? Cùng quan tâm, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lo lắng về khả năng tạo 1,7 triệu việc làm trong năm 2009.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân gật đầu xác nhận “khó”. Bà Ngân phân tích, theo hệ số co giãn, tăng trưởng 1% GDP thì tạo được 0,34% việc làm mới. Chính phủ không trình phương án điều chỉnh chỉ tiêu việc làm khi hạ mức tăng trưởng kinh tế, nhưng Bộ trưởng LĐ-TB&XH khẳng định, việc này ảnh hưởng tới tất cả các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác. “Không quốc gia nào tăng trưởng chậm lại mà việc làm lại tăng lên. Khả năng năm 2009 chúng ta sẽ chỉ tạo được thêm 1,45 triệu việc làm đã là cao, không thể đạt chỉ tiêu 1,7 triệu” - nữ Bộ trưởng cho biết.
 

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng “băn khoăn” với việc mỗi năm nhà nước bỏ ra 8.000 tỉ đồng cho đề án dạy nghề cho nông dân. “Bộ định tiêu dùng thế nào với khoản tiền lớn như vậy, dạy ai, ai dạy, dạy gì?”, ông Dũng chất vấn

Bà Ngân cho biết, đề án này sẽ động chạm tới 70% lao động ở nông thôn, bao gồm dạy làm nông nghiệp cho năng suất cao hơn, dạy nghề để chuyển sang làm dịch vụ, đào tạo những người ở nông thôn tham gia hệ thống chính trị… Tổng kinh phí cho dự án này tới năm 2020 là trên 32.000 tỉ đồng với mục tiêu mỗi năm có 1 triệu lao động nông thôn được học nghề.

Cấn Cường - Phương Thảo