1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Không có tiền, nhiều người “né” chơi lễ

(Dân trí) - Nghỉ lễ là dịp để cả gia đình sum họp, quây quần. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ ở TPHCM phải đóng cửa, nằm nhà vì "viêm màng túi".

Không có tiền, nhiều người “né” chơi lễ - 1
Phòng trọ trở nên yên tĩnh

Mới bắt đầu cuộc sống công nhân có hơn 1 tháng mà chị Nga, công ty Hwa Seaung Vina thấm thía cảnh buồn “thúi ruột". “Thấy mọi người đua nhau đi chơi mà phát thèm…Công việc chưa ổn định, tiền lương chỉ đủ sống nên ở nhà không đi đâu để khỏi tốn kém”.

Tâm sự về kiếp ở trọ của mình, chị Lương (quê Nghệ An) càng thêm não nề. Vào Sài Gòn hơn 3 năm nhưng chị chưa hề biết đến hội hè, lễ lạc. Ngoài những lúc đi làm, hễ có thời gian nghỉ là phải nhận việc làm thêm.

Buổi tối, sau khi cơm nước xong, chị bắt tay vào xâu các con chíp điện tử "để kiếm thêm tiền gửi về quê giúp bố mẹ nuôi em ăn học". Cứ 1.000 con thì chị nhận được 35.000 đồng. Trong 4 ngày nghỉ này mà chị làm hết số hàng đã nhận thì cũng kiếm được chừng… 50.000 đồng.

Cạnh khu Du lịch Suối Tiên, nhà trọ công nhân mọc lên nhiều do gần khu công nghiệp, trường học. Nhưng hôm nay, cả dãy phòng trở nên yên tĩnh khác thường. Thiển, sinh viên năm 3 trường ĐH Giao thông vận tải nói: “Có nhiều cách để hạn chế chi tiêu trong các ngày lễ như: ở nhà nằm ngủ, đi làm thêm...”

Không có tiền, nhiều người “né” chơi lễ - 2
Nhậu cũng là một hình thức giải sầu cho những ai ngại ra đường

Vào những ngày này, dọc lề đường Kha Vạn Cân, quốc lộ 13 (quận Thủ Đức) các quán nhậu bình dân thêm hút khách. Đối tượng đến đây chủ yếu là các nam sinh viên, công nhân. Họ chọn giải pháp làm bạn với những “xị” rượu rẻ tiền để ít tốn kém.

Một bộ phận sinh viên khác thì tranh thủ dịp nghỉ lễ để "học nước rút". Vừa đỡ thâm vào sinh hoạt phí vừa có thời gian chuẩn bị cho các đợt thi sắp tới. Minh Châu, sinh viên năm 3 trường Đại học Ngân hàng, chia sẻ: “Giá mà rủng rỉnh cũng tranh thủ về quê nhưng thôi, ở ký túc xá học cũng hay. Sau ngày mùng 5 là mình thi cả chục môn rồi mà”.

Hải Thanh