"Không có cơ sở giao thêm quyền hạn đặc biệt cho Cục Phòng, chống tham nhũng"

Thế Kha

(Dân trí) - "Việc nâng cao vai trò của Cục Phòng, chống tham nhũng bằng cách giao thêm nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt và thực hiện theo thủ tục đặc biệt là không có cơ sở"- Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa ký văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau).

Ông Vân quan tâm đến vai trò của Cục Phòng, chống tham nhũng và thủ tục thanh tra đặc biệt. "Đề nghị quy định chế độ thanh tra đặc biệt theo thủ tục rút gọn (thủ tục đặc biệt) để xử lý nhanh chóng, kịp thời các vụ đại án khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực"- ông Vân đề xuất.

Không có cơ sở giao thêm quyền hạn đặc biệt cho Cục Phòng, chống tham nhũng - 1

Trụ sở Thanh tra Chính phủ tại Hà Nội (Ảnh: VGP).

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Cục Phòng, chống tham nhũng là đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Theo quy định Luật phòng chống tham nhũng năm 2018, Nghị định 50/2018 của Chính phủ, Cục Phòng, chống tham nhũng có nhiệm vụ giúp Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng và tiến hành thanh tra góp phần phát hiện tham nhũng, tiêu cực khi được Tổng Thanh tra giao giống như các Cục, Vụ khác của Thanh tra Chính phủ.

Các cuộc thanh tra đều phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục chặt chẽ để đảm bảo tính chính xác, khách quan của các kết luận thanh tra.

"Thanh tra là hoạt động mang tính chất hành chính, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì có trách nhiệm chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Vì vậy, việc nâng cao vai trò của Cục Phòng, chống tham nhũng bằng cách giao thêm nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt và thực hiện theo thủ tục đặc biệt là không có cơ sở và làm lẫn lộn, chồng chéo với hoạt động của các cơ quan tố tụng đã được pháp luật quy định"- ông Đoàn Hồng Phong trả lời đại biểu Lê Thanh Vân.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế theo hướng tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát hoạt động của đoàn thanh tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những thiếu sót, vi phạm trong hoạt động thanh tra.

Hoạt động thanh tra khác với hoạt động tố tụng

Góp ý với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị phân quyền ký kết luận thanh tra cho Trưởng đoàn thanh tra thay vì người ra quyết định thanh tra như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Đoàn Hồng Phong cho rằng, hoạt động thanh tra khác với hoạt động tố tụng được thực hiện bởi các chức danh tư pháp có nhiệm vụ, quyền hạn độc lập (điều tra viên, kiểm sát viên hoặc thẩm phán).

Không có cơ sở giao thêm quyền hạn đặc biệt cho Cục Phòng, chống tham nhũng - 2

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (Ảnh: Phạm Thắng).

Hoạt động thanh tra được thực hiện bởi các cơ quan thanh tra, thuộc hệ thống cơ quan hành chính, theo thủ tục hành chính trên nguyên tắc của chế độ thủ trưởng. Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của cơ quan mình.

"Vì vậy, thủ trưởng cơ quan thanh tra ra quyết định thanh tra phải là người ký kết luận thanh tra và chịu trách nhiệm về kết luận của mình"- ông Phong cho hay.

Để thực hiện trách nhiệm này, Luật Thanh tra quy định người ra quyết định thanh tra phải chỉ đạo cuộc thanh tra, phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra, có nhiều quyền hạn trực tiếp trong quá trình tiến hành thanh tra, tổ chức giám sát hoạt động và giải quyết kịp thời các kiến nghị của đoàn thanh tra, tổ chức việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Để đảm bảo chính xác có thể lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn về dự thảo kết luận thanh tra.

"Người ra quyết định thanh tra có đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn để đảm bảo tính chính xác, khách quan của kết luận thanh tra và tính khả thi của các kiến nghị thanh tra"- Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong trả lời đại biểu Quốc hội.

Chưa phát hiện tiêu cực trong các cuộc thanh tra chậm trễ

Tại phiên chất vấn của Quốc hội cuối tuần qua, ông Đoàn Hồng Phong cho biết Thanh tra Chính phủ có 408 người nhưng chỉ có hơn 200 người làm trực tiếp công tác thanh tra.

Trong cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra Chính phủ có 7 Cục, Vụ làm nhiệm vụ thanh tra trực tiếp; còn lại chủ yếu là cơ quan tham mưu như Văn phòng, Vụ Kế hoạch- Tổng hợp, Vụ Tổ chức cán bộ,...

Tháng 6/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận Thanh tra Chính phủ có 15 cuộc thanh tra ban hành chậm kết luận của nhiều năm trước. Sau 4 tháng khắc phục, Thanh tra Chính phủ đã dự thảo xong, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và ban hành kết luận được 13 cuộc thanh tra; chỉ còn "nợ" 2 kết luận thanh tra, dự kiến sẽ hoàn thành trước 31/12/2022.

Ông Đoàn Hồng Phong khẳng định đến nay chưa phát hiện tiêu cực trong các cuộc thanh tra chậm trễ ban hành kết luận này.