1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Không có chuyện “chìm xuồng” vụ Vedan

(Dân trí) - “Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cty Vedan đã trốn được hàng trăm tỉ đồng nhờ vào việc xả nước thải trực tiếp ra môi trường. Nếu so sánh những lợi nhuận mà tỉnh Đồng Nai và người dân được hưởng thì việc tác hại đến môi trường còn kinh khủng hơn nhiều”.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định như vậy. Theo ông Hà, đáng lo ngại hơn là còn rất nhiều Vedan khác cũng đang ra sức huỷ hoại môi trường. Nếu như không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, mối đe doạ với cộng đồng đã thực sự đáng báo động.

Thưa ông, tình trạng các khu công nghiệp gây ô nhiễm sông ở TPHCM ngày càng nghiêm trọng, Bộ có ý kiến và đã hành động gì trước vấn nạn này?

Để thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường thì cần có lực lượng, khó khăn lớn nhất của chúng ta hiện nay là ở chỗ đó. Tại thời điểm hiện nay cả nước chỉ có khoảng 100 cán bộ công chức làm công tác chuyên trách về môi trường

Ngay tại TPHCM, nơi có số cán bộ thực hiện công tác môi trường nhiều nhất cũng chỉ là 20 người. Còn các tỉnh như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên thì chỉ 5-7 người.

Mới đây, Chính phủ đã có chỉ đạo, đây không phải là việc riêng của Bộ TN&MT, mà tất cả các Ban, Ngành liên quan đã được chỉ thị triển khai công tác bảo vệ môi trường với lộ trình đã được đưa ra. Bên cạnh đó, cần huy động sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp, cá nhân, không loại trừ nó ở nơi nào, với tinh thần quyết liệt.

Vedan là trường hợp đầu tiên bị cơ quan chức năng bắt quả tang về việc phá hoại môi trường - Sự việc này đã được Bộ TN&MT giải quyết dứt điểm và triệt để?

Trong tuần này, lãnh đạo Bộ TN&MT cùng các cơ quan chức năng khác sẽ nghiên cứu lại toàn bộ hồ sơ vụ việc. Tuần qua chúng tôi đã kiểm tra thực tế một cách kỹ lưỡng về các hành vi, tính hệ thống, mức độ nghiêm trọng và các cơ sở khoa học khác. Mọi việc sẽ được xử lý hoàn toàn theo pháp luật, trong thẩm quyền cho phép. Với những việc vượt ngoài thẩm quyền, Bộ TN&MT sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến.

Nghĩa là cần thêm nhiều thời gian nữa Bộ mới có thể đưa ra những quyết định cuối cùng. Có những nghi ngờ đã được đưa ra như: sự việc có thể “chìm xuồng”?

Không có chuyện “chìm xuồng” hay “giơ cao đánh khẽ” mà vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó; trách nhiệm thuộc về ai sẽ xử lý đến người đó, ngay cả cán bộ cơ quan chức năng. Chúng tôi đang xem lại hồ sơ trong tuần này, kết luận sẽ đưa ra vào tuần sau.

Trên thực tế, sự kiện Vedan cũng giống như sự kiện của Minameta của Nhật Bản năm 1967, để có được phát triển về kinh tế, đã có lúc ta phải chấp nhận đánh đổi để thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, kể từ năm 2005, luật pháp đã tiến thêm một bước mới (đã có những bước thay đổi về Luật so với luật 1993). Cũng từ đó nước ta đã thực hiện chủ trương xem xét cụ thể hơn về môi trường, nghĩa là đã bắt đầu lưu ý đến phát triển kinh tế hài hòa với phát triển xã hội.

Quay lại vấn đề của Vedan, tại thời điểm hiện nay chúng ta có thể buộc Vedan đóng cửa. Nhưng vào những năm trước mốc 2005 (Vedan đã vào Việt Nam 14 năm nay) hành vi vi phạm của họ chỉ có thể đình chỉ chứ chưa có quy định đóng cửa, và Bộ TN&MT đã yêu cầu phía Vedan khắc phục ngay hệ thống xử lý nước thải trước 31/12/2006, nhưng đến thời điểm này họ vẫn không làm. Vì vậy, lần này Bộ sẽ có những quyết định cương quyết, triệt để.

Để xử lý Vedan, chúng ta đã mất rất nhiều năm. Trong khi đó còn rất nhiều doanh nghiệp tương tự đang góp phần phá hủy môi trường...?

Nếu muốn giải quyết hết các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân gây ô nhiễm thì đòi hỏi phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị, cơ quan quản lý nhà nước. Ở địa phương cũng phải có tổ chức đoàn thể như Hội nông dân, Hội đồng nhân dân các cấp... vào cuộc

Chúng tôi sẽ kiểm tra, doanh nghiệp hoạt động mà không có xác nhận đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn sẽ xử lý nghiêm, có thể là đình chỉ hoàn toàn.

Cũng từ nay trở đi, nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng các giải pháp đánh giá tác động môi trường; các cơ quan quản lý tại Trung ương và UBND địa phương cấp chứng nhận không đúng thực tế thì ngoài việc truy cứu trách nhiệm doanh nghiệp, người quản lý không giám sát được việc tuân thủ của họ cũng sẽ đồng thời phải gánh trách nhiệm.

Cảm ơn ông!

P. Thanh (ghi)