1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tổng Giám đốc Unesco:

“Không có biểu tượng nào về hòa bình vĩ đại hơn một di sản”

(Dân trí) - “Không có biểu tượng nào về hòa bình và hiểu biết lẫn nhau lại vĩ đại hơn một di sản. Thế giới cần các biểu tượng về đối thoại và khoan dung...”, TGĐ Unesco, bà Irina Bokova nói sau khi trao bằng Di sản văn hoá thế giới khu Trung tâm hoàng thành Thăng Long.

Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO), bà Irina Bokova mở đầu bài phát biểu với những lời lẽ rất Việt Nam: “Hôm nay tôi vô cùng vinh hạnh được mặc chiếc áo dài rất đẹp đẽ, truyền thống của Việt Nam cùng các bạn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hôm nay, trái tim của chúng ta cùng hòa một nhịp đập và tôi tin rằng, thần Kim Quy và các cụ Rùa cũng đang lắng nghe chúng ta từ hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng quý giá về hòa bình của mọi người dân Việt Nam”.

Bà Irina Bokova cho rằng, Unesco luôn có mối quan hệ chặt chẽ với Hà Nội. Năm 1999 Unesco đã trao tặng cho Hà Nội giải thưởng Thành phố vì hòa bình, Đại hội đồng Unesco cũng đã thông qua nghị quyết kêu gọi các nước trên thế giới cùng với Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hồ Chí Minh và Đại lễ ngày hôm nay.

Trở lại với sự kiện lớn của Hà Nội và cả nước, bà nhấn mạnh: “Đại lễ này thể hiện sự kính trọng sâu sắc của chúng ta với tổ tiên, những người có công dựng nước và giữ nước. Việc đầu tư công sức và chỉnh trang đường phố và sự có mặt của người dân trong đại lễ hôm nay là minh chứng cho sự gắn bó của các bạn với quá khứ huy hoàng và xem đó như ngọn đuốc soi đường cho tương lai”.

“Rất ít nước trên thế giới có thể giữ được ký ức sống động về việc lập đô từ một ngàn năm trước mà không bị mai một về thời gian. Tôi vô cùng ngưỡng mộ các bạn về điều này”, bà Irina Bokova tiếp tục.
 
“Không có biểu tượng nào về hòa bình vĩ đại hơn một di sản” - 1
Bà Bokova: "Kể từ hôm nay các bạn có trách nhiệm với nhân loại..."

Theo bà Irina Bokova, việc Trung tâm hoàng thành Thăng Long được công nhận là một di sản thế giới là một vinh dự, đồng thời cũng mang đến những cam kết và trách nhiệm mới: “Kể từ ngày hôm nay các bạn có trách nhiệm với nhân loại, quảng bá bảo vệ và truyền lại di sản này cho các thế hệ tương lai, cho giới trẻ, để rồi đến lượt họ, họ lại kể cho con cháu họ về vua Lý Thái Tổ với bức tượng đài đang hiện diện với chúng ta ở đây”.

“Không có biểu tượng nào về hòa bình và hiểu biết lẫn nhau lại vĩ đại hơn một di sản. Thế giới cần các biểu tượng về đối thoại và khoan dung, đặc biệt trong bối cảnh năm nay là năm nay là năm quốc tế của liên hợp quốc về tình hữu nghị giữa các nền văn hóa do Unesco khởi xướng”, bà Irina Bokova nhấn mạnh.

Theo bà, Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho 10 thế kỷ giao lưu và giao thoa văn hóa từ khắp nơi ở châu Á. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc chúng ta rằng, bản thân Việt Nam được sinh ra từ sự giao thoa giữa các dân tộc phương Đông và phương Tây.

Tổng Giám đốc Unesco cũng cho rằng, những nỗ lực đã biến Việt Nam thành một quốc gia của tương lai, một đối tác quan trọng và được coi trọng trên trường quốc tế, là một trong 8 quốc gia thí điểm của Liên hiệp quốc, Việt Nam chính là một điển hình về cải cách hợp tác quốc tế.

Tận mắt chứng kiến những thay đổi của Hà Nội, Việt Nam, bà Irina Bokova đánh giá: “Bất cứ ai đến Việt Nam cũng choáng ngợp bởi nền kinh tế năng động và những công trình xây dựng, với những con đường, những cây cầu, những tòa nhà chọc trời mọc lên nhanh chóng. Các bạn đang đảm nhận một trọng trách đầy thách thức trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, đảm bảo sự thịnh vượng cho một khu vực được coi là tương lai của thế giới. Điều này cũng khẳng định sự vượt trội chung của các bạn”.

Bà Irina Bokova cho biết, Unesco và Asean có quan hệ hợp tác lâu dài và gắn bó. Hai bên đang cùng nhau dự thảo một thỏa thuận nhằm tăng cường quan hệ trên 3 lĩnh vực: giáo dục, biến đổi khí hậu và đa dạng văn hóa. Đây là những lĩnh vực mà theo bà là cốt yếu cho phát triển bền vững.

“Thay mặt cho tổ chức Unesco và nhân danh cá nhân tôi gửi tới các bạn tình cảm hữu nghị và lòng kính trọng. Các bạn hãy giữ gìn di sản của mình. Chúc thiên niên kỷ mới mang đến cho các bạn hòa bình và thịnh vượng”, bà Irina Bokova kết lại bài phát biểu.

Kim Tân (ghi)