1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Không chỉ xót xa cho riêng ngành y

Tại phiên thảo luận tổ tại Quốc hội sáng 24/10 về báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã bày tỏ sự “đau đớn, xót xa” về vụ thẩm mỹ viện Cát Tường.

Nguyễn Mạnh Tường tại hiện trường phi tang thi thể nạn nhân trên cầu Thanh Trì. Ảnh: P.V

Nguyễn Mạnh Tường tại hiện trường phi tang thi thể nạn nhân trên cầu Thanh Trì. Ảnh: P.V

 

Bà Tiến còn nói thêm: “Chúng tôi thấy trách nhiệm rất nặng nề, đã cố gắng rất lớn và hiện nay đã ra một loạt văn bản cũng như chỉ thị và tập huấn đến 6.000 người từ cán bộ bệnh viện đến huyện. Cũng cần phải có chế tài và đang xây dựng một thông tư, nhưng không chỉ có mỗi ngành y tế mà có lẽ là cả xã hội tập trung hỗ trợ lên án những hành động thiếu đạo đức nghề nghiệp, đạo đức con người”.

 

Đạo đức nghề nghiệp, đạo đức con người đang là vấn đề rất lớn, vượt  ra khỏi phạm vi của một ngành, một nghề, bởi vì nó đang xuống cấp, tha hóa. Hãy thẳng thắn với thực trạng này để cùng bắt tay giải quyết.

 

Đừng nặng lời quá với ngành y, bởi vì hành vi phi đạo đức không chỉ xảy ra ở trường hợp bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường. Chúng ta đã đối diện quá nhiều với những vụ việc như vậy. Nhiều người có học hành, có địa vị xã hội cao nhưng vẫn làm những việc táng tận lương tâm. Giảng viên đại học bắt nữ sinh viên đổi tình lấy điểm, không chỉ xót xa... Hiệu trưởng một trường THPT ép học trò bán dâm cho mình chẳng phải là tội ác đó sao!

 

Đạo đức nghề nghiệp trước hết là tinh thần trách nhiệm với công việc và đây chính là điểm yếu nhất của chúng ta hiện nay. Tại sao có thể khẳng định như vậy? Câu trả lời chính là chất lượng của nền hành chính công, câu trả lời là chất lượng của giáo dục, y tế và câu trả lời chính là sự chậm tiến, lạc hậu của đất nước.

 

Nếu như công dân Việt Nam có đạo đức nghề nghiệp, có trách nhiệm với công việc của mình như công dân Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, thì Việt Nam đã khác.

 

Đạo đức con người là phạm trù quá rộng, nhưng hãy nói đến lòng trung thực – một giá trị đạo đức con người căn bản làm nên các giá trị đạo đức khác. Dối trá, giả tạo từ chuyện nhỏ sẽ dẫn đến làm những chuyện phi đạo đức ghê gớm hơn.

 

Dối trá tới mức ông Vũ Quốc Hảo - Tổng Giám đốc Cty cho thuê tài chính II - “thổi” giá một thiết bị lặn từ 100 triệu đồng lên 130 tỉ đồng, gấp 1.300 lần. Dối trá “đẻ” ra Dương Chí Dũng với ụ nổi phá hoại hàng trăm tỉ đồng. Còn nhiều quan chức là sản phẩm của sự dối trá đang đục khoét đất nước này.

 

Chân, thiện, mỹ - ba giá trị cốt lõi của cuộc sống được nhân loại đúc kết rất có ý nghĩa. Nếu không có “chân” (sự thật) thì không thể có thiện và mỹ được.

 

Cái thiện, cái mỹ mất đi là vì giáo dục thiếu cái gốc về chữ “chân”. Đã đến lúc chỉ thẳng mặt những thứ dối trá đó và “đuổi cổ” nó ra khỏi nền giáo dục nước nhà.

 

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động