1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Lắk

Khống chế thành công voi rừng dính bẫy để chữa trị vết thương

(Dân trí) - Sau một tuần triển khai công tác cứu hộ, trưa 14/5, đoàn cứu hộ của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, VQG YoK Đôn và chuyên gia động vật hoang dã đã khống chế được con voi rừng dính bẫy, xem xét sức khỏe và đưa ra phương pháp chữa trị.

Đoàn cứu hộ khống chế voi rừng.
Đoàn cứu hộ khống chế voi rừng.

Theo đó, khoảng 11h cùng ngày, đoàn cứu hộ đã phát hiện dấu chân voi rừng di chuyển trên lâm phần trạm kiểm lâm số 9 - Vườn quốc gia Yok Đôn. Ngay sau đó, đoàn cứu hộ đã cho voi nhà triển khai phong tỏa, áp sát vây bắt voi rừng.

Cụ thể, đoàn cứu hộ đã dùng 2 voi nhà thiện chiến áp sát, buộc được dây thừng vào cổ voi rừng. Sau khi khống chế thành công, đoàn cứu hộ đã “áp giải” voi rừng về địa điểm thuận lợi để các chuyên gia của Thảo cầm viên (TP HCM) tiếp cận, kiểm tra tình hình sức khỏe và đưa ra cách chữa trị cho voi.

Bước đầu, các chuyện gia đánh giá voi rừng có biểu hiện oải và mệt, có nhiều vết thương. Cụ thể, ở vòi có vết cứa khoét sâu hình tròn, đứt gần một nửa vòi; chân phải voi bị mất một móng, phần thịt đang bị hoại tử, có mùi thối.

Thời điểm khống chế được voi rừng, chiếc bẫy thú kẹp chặt ở vòi mấy ngày trước đã tuột ra ngoài. 

Trước mắt, các bác sỹ thú y của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk phối hợp với các chuyên gia của Thảo cầm viên TP.HCM sẽ khâu vết thương hở ở vòi voi rừng để chữa trị vết thương này.

Theo các chuyên gia, voi rừng có biểu hiện căng thẳng, nên để ổn định tâm lý cho voi, các chuyên gia dùng ống thổi tiêm thuốc an thần. Được biết, sau tiêm thuốc an thần, các chuyên gia sẽ đánh giá kỹ tình trạng vết thương của voi rừng, từ đó có giải pháp chữa trị phù hợp, hiệu quả.

Áp giải voi rừng về chữa trị.
"Áp giải" voi rừng về chữa trị.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, chiều ngày 7/5, Vườn quốc gia Yok Đôn nhận được thông tin một voi rừng nặng khoảng 7 tạ, chiều cao 1,2 mét, dài khoảng 3 mét bị dính bẫy thú ở vòi, di chuyển ở tiểu khu 453, lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn.

Ngay sau đó, Vườn quốc gia Yok Đôn đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk huy động 2 voi nhà, 4 nài voi, 1 xe ô tô chở thức ăn (mía, chuối) và hơn 10 cán bộ, bác sỹ thú y… tổ chức vào khu vực voi bị dính bẫy tiến hành công tác cứu hộ.

Trong quá trình “giải cứu” voi rừng, tưởng có lúc đoàn cứu hộ bế tắc vì mất dấu, tuy nhiên sau đó đoàn cứu hộ đã thống nhất phương án tăng cường thêm một voi nhà ở Bản Đôn thiện chiến, và mời thêm các chuyên gia của Thảo cầm viên TP.HCM hỗ trợ.

Viết Hảo