1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Không bỏ quy định trích 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội

(Dân trí) - Trước thông tin doanh nghiệp đề xuất bãi bỏ quy định dự án nhà ở thương mại dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định sẽ không có chuyện đó.

Ngày 23/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và Nghị quyết số 19/2008/QH12 của Quốc hội khu vực phía Bắc.

Trong tham luận báo cáo hội nghị, đại diện tổng công ty Vinaconex cho rằng việc quy định về việc trích 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội là không khả thi. Bởi theo Luật nhà ở, nhà ở xã hội phải là chung cư, như vậy các dự án biệt thự cao cấp phải dành 20% diện tích đất để xây dựng chung cư làm nhà ở xã hội sẽ không thể thực hiện được.

Mặt khác, đối với các quy mô nhỏ, việc dành ra 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội sẽ dẫn đến tình trạng xây nhà không đồng bộ, manh mún, làm ảnh hưởng đến kiến trúc tổng thể của toàn dự án.

Do đó, doanh nghiệp này đề xuất các nhà xây dựng luật nên nghiên cứu hướng bãi bỏ quy định việc dự án nhà ở thương mại dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội mà quy định phát triển các đô thị nhà ở xã hội theo quy hoạch đồng bộ, trong đó dành 20% quỹ đất xây dựng nhà thương mại. Nếu là đô thị ở nhà thương mại thì không cần dành 20% quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, trao đổi bên lề hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sẽ không có chuyện bỏ quy định này. Vị đại diện này cũng nhấn mạnh thêm, có thể tùy theo từng dự án, từng điều kiện và hoàn cảnh cụ thể mà việc trích một phần dự án để phát triển nhà ở xã hội có thể được tính toán bằng tiền hay bằng đất.
 
Không bỏ quy định trích quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội
Không bỏ quy định trích quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội

Liên quan tới việc đóng góp ý kiến xây dựng Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đã có nhiều tham luận được tập trung vào vấn đề huy động vốn.

Trong đó, lãnh đạo Vinaconex đã phân tích những chồng chéo trong các quy định của luật. Cụ thể: Luật kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư và khách hàng được thỏa thuận về việc mua bán nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo hình thức ứng tiền trước, lần đầu chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư đã xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho bất động sản.

Trong khi đó, Nghị định 53 lại quy định việc ứng tiền trước được thực hiện nhiều lần, lần đầu chỉ được huy động khi chủ đầu tư đã bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Còn Luật nhà ở lại quy định trường hợp chủ đầu tư huy động vốn chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã xây dựng xong phần móng.

Nhiều doanh nghiệp khẳng định: “Việc văn bản quy định chủ đầu tư được huy động tiền ứng trước của khách hàng từ nhiều thời điểm khác nhau khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện”.

Trong đó, tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Hadico) còn bổ sung thêm: “Khái niệm xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn toàn khác so với việc xây dựng xong phần móng. Trong khi đó, Luật nhà ở còn giới hạn số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở không quá 70% giá trị nhà ở ghi trong hợp đồng. Như vậy, từ việc các bên thỏa thuận với nhau phù hợp với nguyên tắc tự do trên thị trường, Luật nhà ở lại quy định tỷ lệ được huy động!”

Về diện tích căn hộ, Tổng công ty Viglacera đã đề xuất điều chỉnh trong Luật nhà ở theo hướng trong mỗi dự án khu đô thị, khu nhà ở, tòa nhà chung cư… dành ra một phần diện tích để xây dựng căn hộ có diện tích nhở 25-45 m2 để giải quyết cho người dân có nhu cầu về chỗ ở nhưng khả năng tài chính còn hạn chế. (Tại Điều 40, Luật nhà ở hiện đang quy định: “Nhà chung cư phải thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sàn xây dựng mỗi căn không thấp hơn 45m”). Việc quy định diện tích căn hộ tối thiểu 25m2 cũng cần được áp dụng cho cả căn hộ chung cư thương mại và căn hộ chung cư xã hội.

Lan Hương