1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khốn khổ vì phải mang những cái tên quá độc và lạ!

(Dân trí) - Trường hợp chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh P. khổ sở vì có cái tên quá dài, gây phiền phức trong cuộc sống, nhưng xin đổi tên không được, không phải là trường hợp cá biệt. Thực tế có khá nhiều người khốn khổ vì cái tên mà cha mẹ đặt cho quá dài hoặc quá độc và lạ…

Những cái tên dài, độc, lạ

Thực tế cái tên gồm 6 âm tiết như của chị Linh P. không quá hiếm. Báo chí đã từng ghi nhận nhiều cái tên dài hơn như tên 1 cô gái ở Thái Nguyên có tới 7 âm tiết: Đào Thị Long Lanh Kim Ánh D.; hay mới đây cũng xuất hiện thiệp cưới của cô gái có tên dài đến 8 âm tiết là: Nguyễn Tướng Trần Thị Hồng Đào Minh P.

Đặc biệt hơn, báo chí cũng từng ghi nhận 1 gia đình ở huyện Nhà Bè (TPHCM) đặt tên cho 3 đứa con đều có 8 - 9 âm tiết là Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm N., Lê Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Linh P. và Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm N..

Không chỉ thế, nhiều ông bố, bà mẹ còn có sở thích khá lạ khi thích đặt tên con khá lạ kỳ như: Đinh Sâu R., Lò Vi S., Đồng Hồ Thụy S.,… Hay tên có yếu tố nước ngoài như Đỗ Phi Đen C., Huỳnh Two School B.,... Thậm chí, có người còn đặt tên con đầy... đau khổ như Hồ Hận Tình Đ., Lê Văn H.,

Khốn khổ vì phải mang những cái tên quá độc và lạ! - 1
Những cái quá độc, quá lạ

Những cái tên quá lạ hay quá độc đáo thường khiến người mang tên gặp khá nhiều phiền phức trong cuộc sống, thậm chí là thấy mặc cảm, tự ti và đôi khi... khốn khổ!

Những cái tên quá dài còn gây nhiều hệ lụy khó khăn trong đời sống như trường hợp của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh P. ở Đồng Nai, vì cái tên quá dài nên không thể làm được thẻ ATM.

Những trường hợp như trên muốn xin đổi tên khác cũng gặp khá nhiều phiền phức khi phải thay đổi hàng loạt các loại giấy tờ liên quan như giấy khai sinh, CMND, căn cước công dân, bằng cấp, giấy phép lái xe…

Đó là chưa kể có người không thể đổi tên vì chính quyền không cho phép như trường hợp của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh P.

Cho đổi tên để đảm bảo quyền lợi của công dân

Trao đổi cùng Dân trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng: trong trường hợp cái tên gây rắc rối cho cuộc sống thì người dân hoàn toàn có quyền thay đổi tên của mình và pháp luật quy định rất rõ trường hợp này tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015.

Khoản 1 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền đổi tên

Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

- Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

- Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

- Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

- Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

- Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

- Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

- Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

Tuy nhiên, trong trường hợp chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh P. ở Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) xin đổi tên, UBND huyện Nhơn Trạch từ chối với lý do: “UBND huyện Nhơn Trạch nhận thấy yêu cầu thay đổi chữ đệm của chị P. là không có cơ sở, không phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể là không thuộc một trong các trường hợp được công nhận việc thay đổi tên theo quy định tại khoản 1, Điều 28, Bộ Luật Dân sự 2015”.

Khốn khổ vì phải mang những cái tên quá độc và lạ! - 2

Văn bản trả lời của UBND huyện Nhơn Trạch về trường hợp xin đổi tên của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh P.

Về trường hợp này, luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng: “Vì cái tên quá dài nên chị gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hàng ngày. Nên nếu xem xét một cách linh hoạt thì đây chính là “ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người đó” và thuộc trường hợp cá nhân được quyền đổi tên”.

Ngoài ra, ông Chánh nhấn mạnh: “Đây chỉ là thủ tục hành chính và theo quy định tại khoản 3 Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015 thì việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ. Nên trong trường hợp của chị Nguyễn Thị Kim Hoàng Linh P. thì các cơ quan chức năng nên sớm giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho công dân”.

Tùng Nguyên