1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Khối tài sản kếch sù của thiếu tá Sơn

Thiếu tá cảnh sát giao thông Nguyễn Hoàng Sơn - đối tượng vừa bị bắt vì tổ chức “trường gà” tại quận 9, TPHCM - là một đại gia có khối tài sản nhà đất rất “đáng nể”. Hiện đang có nhiều nghi vấn về việc ông Sơn là chủ giấu mặt của một đội xe ben.

Bảo kê xe ben

 

Sau khi xảy ra vụ việc thiếu tá Sơn bị bắt, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ Công an TPHCM đã có cuộc họp khẩn. Ngoài việc tạm đình chỉ công tác và sinh hoạt Đảng của thiếu tá Sơn, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ còn yêu cầu xác minh đội xe ben của ông Sơn có đúng như dư luận phản ảnh.

 

Bước đầu xác định Công ty TNHH thương mại - Vận tải - Dịch vụ Lam Sơn, địa chỉ tại 230 ấp Trung 1, Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây (quận 2, TPHCM) do N.V.H. làm đại diện pháp luật.

 

Công ty được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh ngày 15/2/2001 với hàng chục ngành nghề kinh doanh khác nhau, trong đó có thi công cơ giới; san lấp mặt bằng; khai thác đất, đá, cát... Vốn kinh doanh 3,1 tỉ đồng.

 

Khi còn công tác tại trạm 2 CSGT đóng tại khu vực này, đội xe ben của Công ty Lam Sơn đã được biết đến như là xe “người nhà” của ông Nguyễn Hoàng Sơn. Một CSGT từng công tác tại trạm 2 với thiếu tá Sơn kể: “Xe ben của “người nhà” ông Sơn hầu hết là xe loại 15 tấn, thùng xe phía sau sơn màu đỏ, còn phía đầu xe sơn màu xanh để anh em dễ nhận dạng và cho qua.

 

Anh CSGT này cho biết thêm, các tài xế chạy xe chở cát, đá trong đội xe này không bao giờ bị bắt hoặc làm khó dễ vì đã được bảo kê.

 

Năm 2003, sau loạt bài phản ánh về tiêu cực, nhũng nhiễu của CSGT liên quan đến trạm 2, không hiểu bằng cách nào ông Sơn lại được điều chuyển lên làm cán bộ kiểm tra điều lệnh thuộc Phòng CSGT đường bộ, tức là chuyên đi kiểm tra thực hiện điều lệnh của lực lượng CSGT!

 

Điều này càng củng cố thêm vai vế cho Nguyễn Hoàng Sơn trong việc bảo kê xe ben. “Không ai dám đụng đến xe của ông Sơn” - một CSGT cho biết.

 

Chiều 23/5, chúng tôi bám theo xe tải biển số 57K-0919 của Công ty Lam Sơn đang chở cát đến điểm san lấp trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phú Hữu, quận 9. Một người đàn ông tên Nguyễn Văn Hiếu áp tải theo xe tải xác nhận chính ông là giám đốc Công ty Lam Sơn.

 

Hiện công ty có sáu xe, gồm các xe mang biển số: 57K-2426, 57K-0289, 57K-1189, 57K-1198, 57K-0919 và 57K-1988 (hầu hết là 9 nút). Theo ông Hiếu, ngoài ông ra còn có một cổ đông tên Quốc và “một vài anh em khác phụ giúp”.

 

Chúng tôi hỏi ông Nguyễn Hoàng Sơn có góp vốn trong công ty này hay không, ông Hiếu đáp nhát gừng: “Không, không có. Tôi chỉ thuê mặt bằng của ông Sơn với giá 2 triệu đồng/tháng”(?).

 

Tài sản khổng lồ

 

Chiều 23/5, chúng tôi trở lại khu vực quận 2 và quận 9 để điều tra về khối tài sản khổng lồ của thiếu tá Nguyễn Hoàng Sơn. Địa chỉ đầu tiên là khu đất “hai trong một” (vừa làm bãi đậu xe vừa tổ chức “trường gà”) hình chữ L, rộng khoảng 1.500m2 tọa lạc tại 1025A Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9.

 

Đây là mảnh đất do ông Sơn mua trong thời gian còn đang công tác tại trạm CSGT số 2. Trước khi trở thành “trường gà” danh tiếng nhất nhì thành phố (theo đánh giá của trinh sát hình sự), ông Sơn chăm chỉ trồng cây ăn trái và chăm sóc bầy gà... đá. Vào cuối tuần, người ta thấy ông đến tưới cây, bón phân...

 

Thời gian sau, ông Sơn dành một phần đất phía trước dùng làm bãi đậu xe tải, phần phía sau ông cho xây dựng một nhà vòm và một “trường gà” bề thế, có sức chứa trên 100 người. Theo giá thị trường, hiện mảnh đất này có giá không dưới 10 tỉ đồng.

 

Theo biên bản bắt quả tang (ngày 19/5) mà Công an phường Phú Hữu, quận 9 đang lưu giữ, ông Nguyễn Hoàng Sơn khai địa chỉ thường trú tại số 230 Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, quận 2. Chiều 23/5, chúng tôi tìm đến địa chỉ trên thì được biết đó là trụ sở của Công ty TNHH Lam Sơn.

 

Bên trong trụ sở công ty là một bãi xe bề thế và một dãy nhà kiên cố một trệt một lầu dùng làm nơi ở và nơi làm việc. Có ba xe tải hiệu Hyundai biển số 57K-2426, 57K-0289 và 57K- 1189 vừa “đi công trình” về đang được các thợ máy (cũng là người của Công ty Lam Sơn) chăm sóc, sửa chữa.

 

Theo điều tra của chúng tôi, khu đất mà Công ty Lam Sơn tọa lạc đứng tên quyền sử dụng của vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Sơn. Cách đây không lâu, ông Sơn đã mua lại khu đất này với giá khá hời, khoảng vài trăm triệu đồng.

 

Với địa thế khá đẹp, nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh, trung tâm phường Bình Trưng Tây, gần chợ, trường học... giá trị của khu đất có thể lên tới vài tỉ đồng. Chúng tôi hỏi một thanh niên đang sửa xe trong bãi cần gặp ông bà chủ để hợp đồng san lấp mặt bằng thì được trả lời bà chủ đã về nhà, còn ông chủ “đi đâu mấy ngày nay không biết”.

 

Lần theo địa chỉ của người thanh niên cung cấp, chúng tôi tìm đến số nhà 157 Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, quận 2. Đập vào mắt chúng tôi là căn nhà hai tầng lầu bề thế, nằm ngay mặt tiền, cách trụ sở Công ty Lam Sơn chừng 400m. Đây chính là nơi cư ngụ của vợ chồng ông Sơn từ nhiều năm nay. Người đăng ký chủ hộ căn nhà trên là bà Trần Thị Kim Anh (sinh 1960), vợ ông Nguyễn Hoàng Sơn.

 

Theo người dân trong khu phố, ông Sơn rất ít tiếp xúc với bà con xung quanh. Một người ở cùng khu phố cho biết: “Tôi biết ông Sơn từ nhỏ. Khi mới vào ngành CSGT, ông Sơn rất nghèo, đi làm bằng xe đạp ròng rã mấy năm trời. Chỉ vài năm sau, không biết bằng cách nào Sơn ăn nên làm ra phất lên vùn vụt, mua đất, sắm xe...”.

 

Theo phản ảnh của giới kinh doanh vận tải san lấp mặt bằng ở quận 2, quận 9, Thủ Đức, không ai không biết tiếng ông Sơn. Nếu biết phận thì kết thân với “anh Sơn” để kiếm chút cháo, bằng không là... ăn cám. Dường như mối nào ngon đều ưu tiên cho  đoàn xe tải Lam Sơn.

 

Do cậy thế “ông chủ” Nguyễn Hoàng Sơn nên tài xế của Công ty Lam Sơn thường bất chấp luật lệ, vô tư phóng nhanh vượt ẩu. Một người dân nói: “Đoàn xe của Lam Sơn chạy bất kể ngày đêm. Hễ thấy xe nào vượt đèn đỏ, chở lút nhíp, đất đá vương vãi đầy đường thì 99% là xe của Lam Sơn. Nhiều người lên tiếng phản ứng đều bị hăm dọa...”.

 

Theo Hoàng Khương - Hồng Quỳnh

Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm