1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Khởi sắc ở xã đầu tiên của miền Nam được giải phóng

(Dân trí) - Trên tuyến đường 75 dẫn lên miền Tây huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi ấn tượng trước những rừng cao su mênh mông, thẳng tắp, vườn cây hồ tiêu xanh ngút… Đó là thành quả lao động miệt mài với biết bao mồ hôi, nước mắt của các tầng lớp nhân dân sau hàng chục năm chịu sự ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.

“Vượt qua mọi gian khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gio An đã đồng sức, đồng lòng để chung tay xây dựng quê hương. Người dân đã năng động, tích cực trong phát triển kinh tế để xây dựng nên mảnh đất Gio An “thay da, đổi thịt” như hiện nay”, Bí thư Đảng ủy xã Gio An – anh Nguyễn Văn Song bày tỏ sự lạc quan khi nói về thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Âm vang tiếng trống trận Gio An

Nhắc đến miền đất Gio An, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến ca khúc khá nổi tiếng của nhạc sĩ Huy Thục - “Tiếng đàn Ta Lư”, với giai điệu, ca từ sôi nổi, dồn dập của dòng nhạc cách mạng.

“Tiếng trống trận từ Gio An vọng tới/ Rừng núi ta ơi/ Hãy thắm xanh vui cùng bản làng/ Mừng thắng trận Gio An”.

Ca khúc này ra đời sau khi quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Gio An. Đây là địa phương đầu tiên của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị và miền Nam được giải phóng.

Tượng đài chiến thắng Gio An
Tượng đài chiến thắng Gio An

Theo các tài liệu lịch sử: Rạng sáng 30/12/1964, lực lượng vũ trang phối hợp với phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân Gio An phá tan ấp chiến lược ở tất cả các thôn trong toàn xã, đánh sập trụ sở Uỷ ban xã của chính quyền miền Nam, làm tan rã bộ máy chính quyền do địch dựng lên. Ngày 30/12/1964, xã Gio An đã hoàn toàn giải phóng.

Từ năm 1965, Gio An lại thêm một lần nữa trở thành căn cứ cách mạng, vùng giải phóng đầu tiên của huyện Gio Linh, là địa bàn đứng chân vững chắc cho các lực lượng vũ trang của ta.

Sau 8 năm, từ 1965 - 1972, cán bộ và nhân dân xã Gio An đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương tham gia đánh trên 1.000 trận lớn, nhỏ tiêu diệt 2.780 tên địch, 265 xe tăng, xe bọc thép...

Chiến thắng Gio An đã góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, trở thành động lực vô cùng mạnh mẽ để quân và dân ta giành chiến thắng vang dội trên khắp các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đời sống đổi thay nhờ trồng cao su, hồ tiêu

Một người con của mảnh đất Gio An hiện sống tại TP Đông Hà tự hào nói: “Gio An bây giờ khác xưa nhiều lắm. Đây cũng một trong số những địa phương có kinh tế phát triển mạnh ở vùng phía Tây huyện Gio Linh”.

Với những lợi thế tự nhiên mang lại, người dân Gio An đã tích cực khai hoang sản xuất. Bước đầu xây dựng cuộc sống mới, người dân nơi đây phải san lấp từng hố bom, hào sâu do bom đạn cày xới để trồng nên những rừng cao su, hồ tiêu như hiện nay. Có thể nói rằng, vùng đất này đang hồi sinh, phát triển từng ngày nhờ những bàn tay cần cù lao động của bà con nhân dân.

Bí thư xã Gio An cho biết, địa phương xác định 3 “mũi nhọn” kinh tế chủ lực, gồm: kinh tế trang trại, kinh tế vườn và chăn nuôi.

Những vườn cây hồ tiêu mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân
Những vườn cây hồ tiêu mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân

Hiện xã Gio An có hơn 400 ha cao su, gần 90 ha cây hồ tiêu cùng các loại cây, con chủ lực khác. Toàn xã đã hình thành 17 mô hình trang trại, gia trại tạo ra hiệu ứng tích cực trong phát triển. Kinh tế xã hội đã có sự tăng trưởng, đặc biệt từ năm 2014 có chủ trương xây dựng Nông thôn mới, nhiều công trình cơ bản được đầu tư xây dựng, mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn.

Ngành dịch vụ bước đầu hình thành, sản phẩm hàng hóa lưu thông phong phú, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn.

Lãnh đạo xã Gio An cho hay, trước đây thu nhập bình quân đầu người rất thấp, nhưng cuối năm 2017 đã đạt 25,2 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông – lâm- ngư nghiệp chiếm 46%, thương mại – dịch vụ 37%, công nghiệp, TTCN chiếm 17%. Lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục, Y tế được duy trì đạt chuẩn.

Những năm gần đây, đời sống của người dân Gio An thay đổi từng ngày nhờ phát triển cây cao su, hồ tiêu và các loại cây ngắn ngày như: nghệ, khoai từ… Đây được xem là những loại cây chủ lực giúp người dân nơi đây thoát khỏi đói nghèo.

Ông Trần Đức Bình, người trồng tiêu lâu năm ở xã Gio An cho biết, cây hồ tiêu là cây công nghiệp quan trọng tại Quảng Trị, cũng là cây xóa đói giảm nghèo và hướng đến làm giàu cho nhiều hộ nông dân. Nhờ trồng tiêu mà kinh tế gia đình tôi được cải thiện và có nguồn thu để cho các con học hành.

Nhìn những quả đồi cao su mênh mông, xanh ngút, những vườn hồ tiêu, người dân nơi đây kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại nguồn thu nhập cao để đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn.

Xây dựng du lịch cộng đồng kết hợp phát triển kinh tế

Vùng đất Gio An nổi tiếng với hệ thống giếng cổ, hình thành vào khoảng từ thế kỷ IX – XI, được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Giếng cổ Gio An là công trình đá có cấu trúc độc đáo, được đánh giá là “có một không hai”, từng phục vụ đắc lực cho đời sống sản xuất và sinh hoạt của con người bao đời nay.

Hệ thống giếng cổ được hình thành hàng nghìn năm
Hệ thống giếng cổ được hình thành hàng nghìn năm

Nhờ có hệ thống giếng cổ, nước chảy quanh năm nên khoảng 80 hộ dân xã Gio An phát triển rau liệt gần 10 ha. Nguồn thu từ cây rau liệt mang lại cho bà con nông dân mỗi năm từ 3-5 tỷ đồng.


Những vườn rau liệt xanh mướt bên giếng cổ

Những vườn rau liệt xanh mướt bên giếng cổ

Với những thế mạnh như hệ thống giếng cổ, chính quyền xã Gio An đang vạch ra những định hướng cho phát triển du lịch, nhằm quảng bá những tiềm năng của địa phương, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bí thư Đảng ủy xã Gio An – anh Nguyễn Văn Song cho biết: “Thời gian tới địa phương sẽ tập trung xây dựng các mô hình kinh tế, trồng các loại cây có đầu tư cao, sản xuất theo hướng hữu cơ: rau sạch, tiêu sạch. Chăn nuôi những vật nuôi có giá trị thương phẩm. Đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động. Xây dựng du lịch cộng đồng kết hợp phát triển kinh tế. Chúng tôi tin tưởng với sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân, kinh tế - xã hội của Gio An sẽ có những nét khởi sắc, phát triển hơn”.

Đăng Đức