Quảng Ninh:
Khởi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Móng Cái
(Dân trí) - Cao tốc có vốn đầu tư gần 12 nghìn tỷ đồng Vân Đồn - Móng Cái hôm nay (3/4) đã chính thức được tỉnh khởi công. Đây là tuyến cao tốc thứ 3 của tỉnh Quảng Ninh sau cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và Hạ Long - Vân Đồn đã được đưa vào sử dụng năm 2018.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đại diện các Bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng đông đảo người dân địa phương tham dự buổi lễ khởi công.
Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng vốn đầu tư khoảng 11.195 tỷ đồng với chiều dài gần 80km, chạy qua địa phận 5 huyện thị gồm: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Điểm đầu của cao tốc nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn (tại Km70+108 thuộc xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn) và điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (tại Km150+339, TP. Móng Cái).
Cao tốc gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ (hiện nhà đầu tư đang xin điều chỉnh nâng tốc độ thiết kế lên 120 km/giờ theo tiêu chuẩn TCVN 5729-2012) được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn là chủ đầu tư.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài gần 80km, chạy qua địa phận thuộc 5 huyện thị. của Quảng Ninh.
Nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác điều hành, phát hiện, cảnh báo các vấn đề như tai nạn, ùn tắc, cao tốc được sử dụng hệ thống điều khiển giao thông thông minh (ITS), áp dụng các kỹ thuật công nghệ tân tiến bao gồm hệ thống thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông trong lĩnh vực giao thông. Đây là hệ thống đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới và đang ứng dụng tại một số tuyến cao tốc hiện đại của Việt Nam.
Dự kiến, cao tốc này sẽ được đưa vào vận hành khai thác trong năm 2021. Thời gian chuyển giao cho nhà nước quản lý dự kiến sau 19 năm kể từ ngày đưa dự án vào vận hành khai thác.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã chi gần 1.500 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm hiện nay, các địa phương có cao tốc chạy qua đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thi công.
Sau khi hoàn thành, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ rút ngắn thời gian từ Vân Đồn đi Móng Cái xuống còn 50 phút (trước đây là 2 giờ); từ Hà Nội đi Móng Cái chỉ còn 3 giờ, tạo thuận lợi giao thông đường bộ từ hướng Lạng Sơn đi Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long, phát huy công năng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Sau khi hoàn thành, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Móng Cái chỉ còn 3 giờ.
Đồng thời khi hoàn thành, dự án cũng sẽ góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc kéo dài từ Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đến TP. Móng Cái (Quảng Ninh) tạo thành tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay, là hành lang đường bộ và cửa ngõ giao thông kết nối các tỉnh phía Bắc Việt Nam với ASEAN và Trung Quốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển liên kết vùng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã biểu dương, đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Quảng Ninh trong việc huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chỉ trong một thời gian ngắn (khoảng 5 năm gần đây) tỉnh Quảng Ninh đã huy động được nguồn lực to lớn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ấn tượng của Quảng Ninh trong thời gian qua.
Riêng đối với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, kể từ khi được Thủ trướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, đến hôm nay, Quảng Ninh đã hoàn thành được khối lượng công việc tương đối lớn (từ chủ trương đầu tư, lập dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng, GPMB, thiết kế kỹ thuật...), đảm bảo theo đúng quy định.
Dự và phát lệnh khởi công, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm của Quảng Ninh trong việc huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò, tinh thần ủng hộ của nhân dân các địa phương có tuyến cao tốc đi qua. Vì lợi ích chung của tỉnh, nhân dân đã bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, đảm bảo điều kiện cần thiết để dự án được triển khai thuận lợi. Do đó, tỉnh Quảng Ninh cần lưu ý, dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo điều kiện đời sống của những người dân đã bàn giao nhà cửa, ruộng vườn, đất đai để phục vụ thi công. Đặc biệt, phải nghiên cứu tạo công ăn việc làm cho người dân sau khi bồi thường GPMB…
An Nhiên